Giáo dục

Bộ trưởng GD&ĐT: 5 năm tới giáo dục đại học sẽ cất cánh, nhiều chuyển biến mạnh

Theo Bộ trưởng GD&ĐT, 5 năm tới giáo dục đại học Việt Nam sẽ có nhiều chuyển biến mạnh, còn giáo dục phổ thông cố gắng ổn định và từng bước đi theo hướng toàn diện.

Chiều 28/1, ông Phùng Xuân Nhạ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT trả lời bên hành lang Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về những vấn đề cần đổi mới trong giáo dục đại học giai đoạn 2021- 2025 tới đây.

- Hiện nay, một số ý kiến cho rằng, chúng ta đang nghiêng về đào tạo nhiều hơn về giáo dục, Bộ trưởng có nhận định gì?

Ý đó là có cơ sở. Giáo dục và đào tạo rất rộng, có liên quan đến mọi người, mọi nhà. Không chỉ nước ta mà nước khác cũng vậy. Kỳ vọng của mỗi người học và gia đình bao giờ cũng lớn, trong khi điều kiện thực hiện thì ở mức độ.

Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ. (Ảnh: Duy Thành)

Việt Nam có mức thu nhập trung bình còn thấp, trong khi đó chúng ta thực hiện nhiệm vụ đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT, để chất lượng giáo dục tiến nhanh với nền giáo dục tiên tiến.

Với mục tiêu là toàn diện, chúng ta lại có truyền thống khoa bảng và rất nhiều thứ cộng lại; do vậy, bên cạnh cái được rất lớn là kiến thức thì vấn đề giáo dục kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng mềm, đạo đức, ứng xử, giáo dục thể chất để tầm vóc, thể lực của các em đảm bảo toàn diện còn hạn chế. Nên nói rằng, chúng ta thiên nhiều về đào tạo mà chưa nhiều về giáo dục là có cơ sở.

Tuy nhiên, phải nghĩ một cách công bằng, đối với giáo dục phổ thông, chúng ta tập trung nhiều về giáo dục, vì hướng tới sự toàn diện; đâu đó có một số điểm cần cải thiện thì sẽ tăng cường.

Riêng với đại học, đó là nghề, phải chuyên sâu. Muốn chuyên sâu được thì phải đào tạo. Dù vậy, sinh viên đại học cũng đang trong giai đoạn hoàn thiện. Bởi vậy công tác học sinh, sinh viên cần tạo môi trường cho sinh viên học các kỹ năng, nhất là những kỹ năng tiếp cận môi trường doanh nghiệp, việc làm.

Vừa qua, ngành giáo dục thực hiện Đề án 1665 của Thủ tướng về khởi nghiệp sáng tạo cho học sinh, sinh viên; qua 3 năm kết quả rất tốt. Tốt ở đây không hẳn là mỗi năm có khoảng từ 500 đến 600 đề án, ý tưởng sáng tạo, mà quan trọng là tạo ra một môi trường để cho các em sinh viên trải nghiệm và chia sẻ kinh nghiệm. Đào tạo phải được hiểu theo không chỉ có kiến thức nghề nghiệp mà đó còn là ứng xử và rất nhiều kỹ năng nghề nghiệp.

Tới đây, Bộ GD&ĐT tiếp tục phát huy những cái được và đã nhìn nhận ra những cái tạm gọi là “trũng”, là yếu để tiếp tục có chính sách chỉ đạo tốt hơn. Cũng có những hạn chế không cần dùng nguồn lực mà chỉ cần mạnh dạn đổi mới cơ chế quản lý, quản trị nhà trường nhằm giải phóng nguồn lực của các trường và xã hội.

Tôi tin rằng, 5 năm tới giáo dục đại học của Việt Nam sẽ có nhiều chuyển biến mạnh, còn giáo dục phổ thông cố gắng ổn định và từng bước đi theo hướng toàn diện. Như vậy sẽ tốt dần lên.

- Bộ trưởng có đánh giá như nào về quan điểm đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được nêu trong văn kiện?

Tôi đánh giá rất cao. Đây không phải ngẫu nhiên mà là một quá trình, là tập hợp rất nhiều những ý kiến trí tuệ của những người trong ban soạn thảo và những người trong giới khoa học, các trường đại học.

Tôi cũng được tham gia là thành viên ban văn kiện kinh tế - xã hội. Theo tôi, đổi mới, sáng tạo là hồn cốt của trường đại học. Khi nói đến khoa học hay nói đến đổi mới, sáng tạo không có nghĩa là phải làm ra cái mới khác cái cũ mà là có phương pháp, tư duy, phương thức để đổi mới.

Học sinh tham gia thi tốt nghiệp THPT 2020. (Ảnh minh hoạ: H.C)

Ở bậc đại học, đổi mới trước hết là trong hoạt động dạy và học, đổi mới trong cả phương thức kết hợp giữa đại học và doanh nghiệp.

Tôi cho rằng thuật ngữ “đổi mới sáng tạo” được coi là một trong những điểm nhấn tới đây phải thực hiện. Ý tưởng đổi mới sáng tạo không phải mới có nhưng chưa được đúc rút nhiều.

Tôi tin rằng, giai đoạn 2021-2026, vai trò của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong lực lượng trí thức, hướng tới xã hội số, dân trí số sẽ được thúc đẩy rất mạnh.

Vì đây liên quan đến xu hướng, chúng ta đi đúng xu hướng thì mọi người sẽ ý thức được và chủ động để bắt nhịp. Nếu nhận thức về xu hướng còn “lừng khừng” thì luôn luôn là người đi sau, mà đã là người đi sau thì không nắm bắt được cơ hội.

Giai đoạn tới đây sẽ là thời cơ cho giáo dục đại học nói riêng và giáo dục Việt Nam nói chung sẽ cất cánh, với đường hướng rõ ràng, với sự trợ giúp của công nghệ thông tin và chuyển đổi số, đặc biệt là quyết tâm của toàn ngành sẽ tạo ra những chuyển biến rất mạnh.

Tôi lấy ví dụ, hiện nay có nhiều ý kiến băn khoăn về vấn đề thiếu giáo viên (cụ thể là giáo viên tiếng Anh và giáo viên Công nghệ thông tin, vì đây sẽ là 2 môn học bắt buộc từ lớp 3), với tư duy truyền thống thì đúng là thiếu thật. Tuy nhiên với tư duy mới là áp dụng công nghệ thông tin thông qua dạy trực tuyến và sử dụng bài giảng theo nguồn tài nguyên số thì giáo viên không nhất thiết phải đủ số lượng như dạy học truyền thống.

Một ví dụ nữa, trước đây các phòng thí nghiệm truyền thống phải có máy móc, dụng cụ mô phỏng, giáo cụ, nhưng bây giờ có rất nhiều phòng thí nghiệm ảo, mô phỏng, học sinh và giáo viên đều rất hứng thú với mô hình này.

Như vậy, với quá trình áp dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số mạnh, tài nguyên số được chia sẻ, chất lượng giáo dục sẽ tăng lên, nguồn lực giảm nhiều so với cách truyền thống.

- Theo Bộ trưởng, tới cuối nhiệm kỳ chất lượng nguồn nhân lực của chúng ta có thể thay đổi và định lượng được không?

Cái đó cần phải tính toán. Nhưng với những căn cứ mà chúng tôi đã và đang làm, tôi có niềm tin là sẽ có sự chuyển động mạnh mẽ về chất lượng nguồn nhân lực trong những năm tới đây.

Tác giả: HÀ CƯỜNG- DUY THÀNH

Nguồn tin: Báo VTC News

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP