Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà - Ảnh: GIA HÂN |
Theo đó, cử tri tỉnh Thanh Hóa đề nghị cần nghiên cứu kỹ các vấn đề phát sinh, bất cập trong thực tiễn sớm có hướng dẫn giải quyết kịp thời, hiệu quả.
Đồng thời, nhân dân rất băn khoăn, lo lắng hiện tại công việc của một số lĩnh vực ở huyện, xã như đất đai, tài nguyên, môi trường lĩnh vực chính sách xã hội... sau khi sáp nhập công việc phát sinh nhiều, cán bộ phải làm thêm ngoài giờ kể cả ngày nghỉ, ngày lễ nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu.
Bên cạnh đó, kiến nghị việc sáp nhập xã hiện nay theo tiêu chí xã đồng bằng có quy mô diện tích 30 km2 và dân số 8.000 người là không phù hợp.
Để đáp ứng với trình độ quản lý của cán bộ cấp xã hiện nay chỉ nên đưa tiêu chí diện tích từ 6 - 7 km2 là phù hợp cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo được sát với người dân.
Khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện
Trả lời nội dung này, Bộ Nội vụ cho hay về đề nghị nghiên cứu các bất cập trong thực hiện sáp nhập huyện, xã để có hướng dẫn thực hiện kết luận 48 của Bộ Chính trị, nghị quyết 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã giao các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện giai đoạn 2023 – 2025.
Hiện nay, Bộ Nội vụ (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo trung ương thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025) đã tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện sáp nhập tại các địa phương báo cáo Ban Chỉ đạo.
Đồng thời, có văn bản gửi các bộ, cơ quan trung ương liên quan về giải quyết khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị của các địa phương khi thực hiện sáp nhập huyện, xã.
Về đề nghị sửa tiêu chí diện tích tự nhiên của cấp xã thực hiện sáp nhập, Bộ Nội vụ nêu rõ, tại nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính đã bổ sung quy định về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính nông thôn có yếu tố đặc thù.
Theo đó, đơn vị hành chính nông thôn ở đồng bằng sông Hồng được giảm tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên (bằng 70% mức quy định so với các xã ở vùng còn lại).
Đồng thời, tại nghị quyết 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quy định các yếu tố đặc thù về quốc phòng, an ninh, có đặc điểm về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán riêng biệt khi thực hiện sáp nhập huyện, xã giai đoạn 2023-2025.
Để sáp nhập không ảnh hưởng nhiều đến người dân
Cử tri tỉnh Lâm Đồng bày tỏ phân vân khi sáp nhập huyện, xã sẽ làm ảnh hưởng đến các loại giấy tờ của người dân, ảnh hưởng đến các giao dịch dân sự. Do vậy, đề nghị có biện pháp để không làm ảnh hưởng nhiều đến người dân.
Trả lời nội dung này, Bộ Nội vụ cho hay Thủ tướng Chính phủ đã ban hành công điện, trong đó, yêu cầu các bộ thực hiện các biện pháp để việc sáp nhập không làm ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các giao dịch hay chuyển đổi giấy tờ.
Theo đó, Bộ Công an hướng dẫn, thực hiện việc thu hồi con dấu cũ, khắc con dấu mới của cơ quan, tổ chức, đơn vị tại huyện, xã thực hiện sáp nhập hướng dẫn việc chuyển đổi địa chỉ cư trú của công dân do thay đổi địa giới và tên gọi của huyện, xã thực hiện sáp nhập.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn quy định về việc hưởng ưu đãi đầu tư, thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư tại địa bàn xã biên giới, ven biển, hải đảo trong trường hợp sắp xếp làm thay đổi về địa giới hành chính theo quy định.
Việc chuyển đổi giấy phép kinh doanh của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp do thay đổi địa giới, tên gọi của huyện, xã thực hiện sắp xếp.
Bộ Tư pháp hướng dẫn các địa phương tháo gỡ vướng mắc trong lĩnh vực hộ tịch và lý lịch tư pháp, hướng dẫn việc áp dụng, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm khi thực hiện thay đổi địa giới và tên gọi của huyện, xã thực hiện sắp xếp.
Bộ Tài chính hướng dẫn theo thẩm quyền việc thực hiện quy định miễn phí, lệ phí khi thực hiện chuyển đổi các loại giấy tờ liên quan của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp do thay đổi địa giới, tên gọi của huyện, xã. Các bộ đã ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể nội dung trên.
Tác giả: Thành Chung
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ