Từ ngày 1-7 tới sẽ thực hiện chính sách tiền lương mới - Ảnh: NAM TRẦN |
Bộ Nội vụ vừa có trả lời ý kiến của cử tri một số tỉnh gửi đến sau kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, liên quan chính sách tiền lương mới.
Đang hoàn thiện các nội dung chế độ tiền lương mới
Theo đó, cử tri tỉnh Phú Thọ nêu việc theo nghị quyết 27 về cải cách chính sách tiền lương, dự kiến từ ngày 1-7 sẽ tiến hành cải cách tiền lương mới, bao gồm lương cơ bản chiếm 70% và 30 % gồm các khoản phụ cấp.
Nhiều giáo viên băn khoăn khi đó sẽ không còn phụ cấp thâm niên nhà giáo, đặc biệt đối với các giáo viên đã công tác lâu năm.
Cử tri mong muốn Bộ Nội vụ quan tâm khi xây dựng quy định mới để đội ngũ nhà giáo yên tâm công tác và gắn bó với nghề.
Cử tri tỉnh Bắc Giang đề nghị xem xét khi thực hiện chính sách tiền lương mới không bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề đối với một số ngành, lĩnh vực như: giáo dục và đào tạo, y tế, tòa án, kiểm sát, thi hành án dân sự, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, hải quan, kiểm lâm, quản lý thị trường...
Đồng thời, đề nghị nghiên cứu tiếp tục áp dụng thực hiện một số chính sách tiền lương cũ qua thực tiễn triển khai thấy phù hợp, có tác dụng động viên, khuyến khích, thúc đẩy cán bộ tích cực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Như nâng lương trước thời hạn đối với trường hợp có thành tích xuất sắc. Đối với quỹ tiền thưởng bằng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp, thì cần có hướng dẫn, cơ chế rõ ràng cho các cơ quan thực hiện.
Trả lời các nội dung này, Bộ Nội vụ cho hay nghị quyết 27 đã nêu rõ việc thực hiện chuyển xếp lương cũ sang lương mới theo nguyên tắc bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng.
Cũng theo Bộ Nội vụ, căn cứ kết luận 64 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII về kinh tế - xã hội năm 2023-2024, nghị quyết 104/2023 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, Bộ Nội vụ đang khẩn trương phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện các nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới.
Trong đó, có chế độ tiền lương đối với đội ngũ giáo viên như ý kiến của cử tri nêu trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định để thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo nghị quyết 27 từ ngày 1-7-2024.
Đề nghị kiểm soát giá cả thị trường khi tăng lương mới
Cử tri các tỉnh Thái Bình, Tây Ninh, Bình Dương, Vĩnh Long phản ánh việc điều chỉnh tăng lương chưa kết hợp chặt chẽ với kiểm soát giá cả thị trường, dẫn đến tình trạng khi chính sách tiền lương vừa được thông qua, chưa có hiệu lực thì giá cả các mặt hàng tiêu dùng đã tăng.
Cử tri kiến nghị Chính phủ cần có giải pháp hiệu quả để kiềm chế lạm phát, bình ổn giá cả hàng hóa thị trường... để việc tăng lương bảo đảm mục đích, ý nghĩa nâng cao đời sống cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Đồng thời khi điều chỉnh chính sách tiền lương cần phải tính đến việc bảo đảm quyền lợi cho những đối tượng đang có phụ cấp.
Trả lời nội dung này, Bộ Nội vụ cho hay theo nhiệm vụ được phân công về nội dung cải cách chính sách tiền lương từ 1-7-2024 theo nghị quyết 27 của trung ương, bộ sẽ phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng trình cấp có thẩm quyền và triển khai thực hiện đồng bộ các nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới.
Trong đó có nội dung về thang, bậc lương, phụ cấp lương như ý kiến cử tri nêu đối với cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm theo đúng nghị quyết 27 để khắc phục những bất cập về chế độ tiền lương hiện nay.
Việc này nhằm cải thiện đời sống của đại đa số cán bộ, công chức, viên chức và những người hưởng lương.
Mặt khác, Bộ Nội vụ nhấn mạnh theo chức năng được Chính phủ phân công, các cơ quan liên quan sẽ trình Chính phủ triển khai đồng bộ các giải pháp để kiềm chế lạm phát, bình ổn giá cả hàng hóa thị trường, nâng cao đời sống cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương mới.
Tác giả: Thành Chung
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ