Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ. Ảnh: Quốc hội |
Ngày 6.11, Quốc hội bắt đầu bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn các vấn đề có liên quan tới việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII.
Trong phần chất vấn của mình, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn An Giang) đã đề cập đến vấn đề kinh phí để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới và gửi câu hỏi này đến Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang. Ảnh: Quốc hội |
“Kinh phí được Chính phủ trình và Quốc hội thông qua để thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa là 462 tỉ đồng. Hiện nay, trong thực tế chúng ta đã đầu tư, chi trả bao nhiêu tiền từ ngân sách quốc gia và vay World Bank để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, biên soạn 1 bộ SGK và tài liệu, tổ chức tập huấn”- đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đặt câu hỏi.
Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, Chính phủ phê duyệt dự án đổi mới chương trình, sách giáo khoa với tổng kinh phí là 80 triệu USD. Trong đó, 77 triệu USD là vốn vay ODA, 3 triệu USD là vốn đối ứng của Việt Nam.
Trong phần kinh phí này, để biên soạn 1 bộ SGK như dự kiến ban đầu là 16 triệu USD. Bộ GDĐT đã báo cáo Chính phủ, sau đó Chính phủ báo cáo Quốc hội là không sử dụng khoản tiền này nữa. Do vậy, Bộ GDĐT trả lại 16 triệu USD kinh phí dự định để biên soạn 1 bộ SGK và hiện số tiền này vẫn trong tài khoản của World Bank.
Với số tiền còn lại, Bộ GDĐT đã triển khai xây dựng chương trình, các hoạt động để phát triển chương trình tổng thể môn học. Cho đến tháng 12 năm nay, Bộ GDĐT cố gắng phấn đấu tiêu được 12 triệu USD, tương đương hơn 200 tỉ đồng.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn.
“Chúng tôi đã rà soát tất cả chi phí không thiết thực liên quan đến tập huấn, các công việc không hiệu quả, đặc biệt trong mùa COVID-19 vừa rồi, chúng tôi xin trả lại Chính phủ. Tổng số tiền chúng tôi trả lại là 29,7 triệu USD” - Bộ trưởng Bộ GDĐT thông tin.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng khẳng định, trong thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện chủ trương của Quốc hội là xã hội hóa sách giáo khoa, tăng cường kiểm soát chất lượng SGK. Do vậy sẽ tiếp tục tiết kiệm chi ngân sách cho đổi mới SGK. Trừ trường hợp không có bộ sách nào các nhà xuất bản trình để thẩm định thì khi ấy Bộ mới phải làm 1 bộ sách theo đúng Nghị quyết 122 kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV.
Theo thiết kế, khoản kinh phí để triển khai tổ chức biên soạn một bộ SGK (do Bộ GDĐT thực hiện) và thẩm định các SGK là 16.068.150 USD (15.068.150 USD vốn vay Ngân hàng Thế giới và 1 triệu USD vốn đối ứng). Số tiền này dùng để bồi dưỡng, tập huấn cho tác giả SGK, thuê chuyên gia tư vấn quốc tế về biên soạn SGK, thuê tư vấn trong nước biên soạn một bộ SGK, tổ chức trại biên soạn và thẩm định các bộ SGK, thực nghiệm SGK; biên soạn SGK song ngữ tiếng Việt - tiếng một số dân tộc ít người một số môn học cấp tiểu học; biên soạn và thử nghiệm SGK điện tử. Tuy nhiên, Bộ GDĐT cho biết đến thời điểm này việc tổ chức việc biên soạn một bộ SGK đầy đủ các môn học, hoạt động giáo dục theo chương trình giáo dục phổ thông mới từ lớp 1 đến lớp 12 (gồm 137 đầu SGK), sử dụng kinh phí từ nguồn vốn vay chưa thực hiện được. Bộ GDĐT đã 2 lần tổ chức đấu thầu tuyển chọn tác giả để tổ chức biên soạn SGK lớp 1 để triển khai thực hiện từ năm học 2020 - 2021 theo quy định, tuy nhiên việc tuyển chọn tác giả SGK chưa thực hiện được, nguyên nhân là không có đủ nhóm tác giả tham gia thầu hoặc tác giả đã tham gia đấu thầu sau đó bỏ thầu do vướng mắc quy định về kinh phí (so với kinh phí của các nhà xuất bản chi trả). Do vậy, khoản kinh phí này vẫn trong tài khoản của Ngân hàng Thế giới. |
Tác giả: ĐẶNG CHUNG - NGUYỄN HÀ - TRẦN VƯƠNG
Nguồn tin: Báo Lao Động