Giáo dục

Bộ GD&ĐT: Công khai tên, bằng cấp giáo viên mầm non để giám sát

Theo ông Nguyễn Bá Minh, các vụ bạo hành trẻ mầm non đến khi báo chí, cộng đồng mạng phát hiện là muộn, thể hiện sự giám sát kém.

Những ngày qua, dư luận quan tâm vụ việc 3 bảo mẫu dùng tay chân, can nhựa, chổi lau nhà, thậm chí cả dao, hành hạ nhiều trẻ mầm non tại cơ sở Mầm Xanh, phường 12, TP.HCM. Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Bá Minh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non - nêu ra những giải pháp giảm thiểu tình trạng này.

- Thưa ông Nguyễn Bá Minh, thực tế việc gửi trẻ mầm non hiện nay được diễn ra như thế nào?

- Hiện nay chủ yếu các trường mầm non đều nhận trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên, vì việc nhận trẻ từ 6 tháng tuổi gặp khó khăn ở các vấn đề như đầu tư, cơ sở vật chất.

Mới đây, TP.HCM có nhận đề án từ năm học 2016-2017 sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện thí điểm nhận trẻ 6-18 tháng tuổi. Chỉ có các cơ sở mầm non đủ điều kiện mới dám nhận trẻ, bởi độ tuổi này cần đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Việc đảm bảo an toàn cho trẻ mầm non là những đề xuất giải pháp lâu dài, được Chính phủ, ngành giáo dục và toàn xã hội đang quan tâm, nỗ lực, dần thay thế các lớp tư thục bằng các cơ sở đảm bảo chất lượng uy tín.

Ông Nguyễn Bá Minh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non. Ảnh: Quyên Quyên.

Hiện tại, chế độ chính sách giáo viên mầm non chưa đảm bảo, các giáo viên rất vất vả, áp lực cả về thời gian và công việc. Tiền lương của giáo viên chưa thỏa đáng so với công sức các cô xảy ra. Vấn đề này cũng được đề xuất để cải thiện đời sống cho giáo viên, để giáo viên yên tâm công tác.

- Những vụ bạo hành xảy ra đối với trẻ mầm non khiến dư luận rất phẫn nộ. Để xảy ra những vụ bạo hành nguyên nhân do đâu, thưa ông?

- Thời gian tới, Bộ GD&ĐT chỉ đạo tập trung vào việc thanh tra, kiểm tra, giám sát việc cấp phép cho các trường ngoài công lập, đặc biệt là các nhóm lớp tư thục. Việc trước mắt cần làm sau khi xảy ra vụ bạo hành trẻ ở trường Mầm Xanh là cần xem xét công tác quản lý của địa phương.

Ở đây, vấn đề cốt lõi là cấp phép cho trường có vấn đề, đồng thời các tiêu chuẩn, điều kiện đảm bảo cho sự an toàn của trẻ không đạt, việc xử lý giám sát kém.

Chỉ khi nào cộng đồng mạng, truyền thông đưa ra các vụ bạo hành mới xử lý là muộn. Điều này cho thấy việc giám sát chưa đủ để giáo viên và cán bộ quản lý thấy sự răn đe, sẽ bị phạt nghiêm nếu vi phạm.

Thậm chí, nhiều khi giáo viên vi phạm quyền trẻ em mà họ không biết đó là vi phạm, hoặc là các giải pháp để phòng tránh như thế nào.

- Đối với các trường tư thục mầm non do chính quyền địa phương cấp phép và quản lý, ông có kiến nghị gì trong công tác phối hợp thanh kiểm tra các cơ sở này để phát hiện kịp thời những vụ bạo hành trẻ xảy ra?

- Thời gian tới, Bộ GD&ĐT chỉ đạo tập trung vào việc thanh tra, kiểm tra, giám sát việc cấp phép cho các trường ngoài công lập, đặc biệt là các nhóm lớp tư thục.

Ngay sau khi sự việc ở TP.HCM được nêu ra, Bộ GD&ĐT đã trao đổi với Vụ giáo dục mầm non, Sở GD&ĐT TP.HCM đề xuất giải pháp tổng rà soát lại việc cấp phép, điều kiện đảm bảo an toàn cho trẻ trong các trường lớp tư thục, tăng cường hai đối tượng giám sát là người cấp phép và giáo viên.

Đồng thời, cần cáp dụng triển khai sử dụng camera, đường dây nóng tại các trường lớp. Thông tin như tên giáo viên, bằng cấp, cần được công khai trên cổng thông tin điện tử tại các quận huyện để người dân giám sát. Bởi ở các trường tư thục, đôi khi giáo viên thay đổi công việc liên tục. Sự giám sát này cũng cần được thực hiện ở các trường công lập.

Tác giả: Quyên Quyên

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP