Trường hợp sau đây tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình Nghệ An là một ví dụ điển hình để các gia đình chú ý nâng cao cảnh giác khi chở trẻ nhỏ phía sau.
Bé B.S.Q., 05 tuổi, ở Thanh Chương – Nghệ An không may bị kẹt gót chân vào nan xe đạp, gây ra vết thương rách da phức tạp, lộ gân gót chân phải. Bé Q. được chuyển lên BVCTCHNA sau khi điều trị tại tuyến cơ sở 10 ngày ko đỡ. Tại BVCTCHNA, qua thăm khám và xét nghiệm cận lâm sàng, bé Q. được chẩn đoán: Vết thương khuyết hổng phần mềm gót chân phải.
Tình trạng vết thương khuyết hổng vùng gót chân của bệnh nhân nhi khá nghiêm trọng, lộ gân và đã xuất hiện tình trạng viêm, chảy dịch. Bé Q. được chỉ định phẫu thuật cắt lọc và chuyển vạt da che phủ khuyết hổng. Ca phẫu thuật được tiến hành thành công bởi kíp mổ của Bác sĩ Nguyễn Duy Quyết – Trưởng khoa Chi Trên – Chấn thương nhi và các cộng sự.
Các bác sỹ tiến hành chuyển vạt da |
Với kỹ thuật chuyển vạt da, vạt da sẽ được nuôi sống bằng mạch máu theo vạt, do đó đòi hỏi phẫu thuật viên phải nắm rất rõ và chính xác về mạch máu, thần kinh để thiết kế vạt và cuống vạt. Đồng thời, quá trình phẫu thuật cần tỉ mỉ, cẩn thận, không được làm tổn thương hay đụng dập mạch máu trong vạt và trong cuống vạt, khi xoay vạt không để gập góc mạch máu cuống vạt gây tắc mạch dẫn đến hoại tử vạt da mới được chuyển.
Chăm sóc vạt da sau phẫu thuật cũng là vấn đề quan trọng. Bác sĩ phải theo dõi liên tục để đánh giá mức độ sống của vạt, từ đó có những xử lý can thiệp kịp thời khi cần thiết.
Hai tuần sau phẫu thuật chuyển vạt da, bé Q. được xuất viện trong tình trạng đau ít, vết thương khô, vạt da hồng, máu nuôi tốt.
Hình ảnh trước và sau khi được phẫu thuật của bé |
Vết thương gót chân do kẹt gót vào bánh xe nhìn có vẻ đơn giản nhưng việc điều trị đôi khi lại rất phức tạp bởi 2 nguyên nhân:
- Nan xe là nơi dính nhiều bụi đất, là chỗ ẩn náu tốt của vi khuẩn nên đa phần các vết thương do kẹt bánh xe gây ra đều bị nhiễm trùng.
- Gót chân là nơi chịu lực tì đè, hệ thống máu nuôi kém nên khả năng lành vết thương cũng kém hơn nơi khác.
Vì thế, nếu không được điều trị đúng cách, vết thương sẽ lâu lành và để lại nhiều biến chứng nặng nề như: viêm hoại tử gân gót, viêm xương gót, … ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt.
Theo bác sĩ Quyết, trẻ nhỏ rất hiếu động nên việc chở trẻ đi lại bằng xe đạp/xe máy thường tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Vì thế, phụ huynh cần cẩn thận, lưu ý tránh để xảy ra trường hợp đáng tiếc như trên.
Trong những năm qua, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình Nghệ An đã điều trị thành công cho nhiều trường hợp bị vết thương gót chân mà điều trị tại tuyến cơ sở thất bại, mang lại kết quả tốt, phục hồi lại chức năng cho bệnh nhân.
Để được thăm khám, tư vấn và điều trị các vấn đề về chấn thương nhi, dị tật bẩm sinh về xương khớp,… vui lòng liên hệ: Bác sĩ Nguyễn Duy Quyết – Trưởng khoa Chi Trên – Chấn thương nhi, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình Nghệ An Số điện thoại: 0978 458936 Địa chỉ: Số 138, đường Nguyễn Phong Sắc, phường Hưng Dũng, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An (Bệnh viện Ba Lan cũ) |
Tác giả: Đậu Huyền
Nguồn tin: antt.nguoiduatin.vn