Kinh tế

Bất ngờ với đề xuất... bù lỗ cho chủ cây xăng

Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đề xuất lấy quỹ bình ổn bù cho premium nhập khẩu, nhằm gỡ khó về chi phí cho doanh nghiệp bán xăng. Bộ Công Thương nói sẽ trao đổi với Bộ Tài chính.

Ngày 24/10, Bộ Công Thương tổ chức họp với Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam và 31 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu. Cuộc họp nhằm đánh giá nguồn cung xăng dầu và tình hình cung ứng.

Nhiều thương nhân không thực hiện được tổng nguồn tối thiểu

Báo cáo tại cuộc họp, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, thông tin tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2022 được Bộ Công Thương giao cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu (36 thương nhân) là 20,7 triệu m3/tấn xăng dầu các loại. Hiện nay, con số thực hiện trong 9 tháng là 17,2 triệu m3/tấn.

Tuy nhiên, một số thương nhân không thực hiện tổng nguồn tối thiểu được giao là Công ty TNHH sản xuất - thương mại Hưng Phát; Tổng công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH một thành viên; Công ty cổ phần Nhiên liệu Phúc Lâm (mặt hàng diesel); Công ty TNHH Xăng dầu Giang Nam; Công ty TNHH Trung Linh Phát (mặt hàng xăng); Công ty cổ phần Phúc Lộc Ninh.

Bộ Công Thương sẽ phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu từ nay đến cuối năm cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu (Ảnh: Bộ Công Thương).

Để đảm bảo nguồn cung xăng dầu từ nay đến cuối năm, Bộ Công Thương dự kiến phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu (bao gồm nhập khẩu, mua từ các nhà máy lọc dầu trong nước, tự sản xuất, pha chế) cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Cụ thể, lượng xăng là 2,2 triệu m3; dầu diesel là 3,1 triệu m3; dầu mazut là 110.497 tấn; dầu hỏa là 8.287m3. Tổng cộng lượng xăng dầu là 5,5 triệu m3/tấn, bình quân 1,8 triệu m3/tấn/tháng.

Việc phân giao được thực hiện căn cứ vào tỷ trọng tổng nguồn đã phân giao đầu năm cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và đã có danh sách với số lượng hạn mức cụ thể đến từng thương nhân đầu mối.

Doanh nghiệp nhập xăng chịu lỗ, đề xuất lấy quỹ bình ổn ra bù

Tại cuộc họp, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, nhìn nhận những vấn đề xảy ra liên quan đến xăng dầu trong năm 2022 mang tính chất rất dị biệt.

Về nguyên nhân dẫn đến việc đứt gãy nguồn cung ở một số địa bàn, ông Bảo cho rằng theo Nghị định 95, các doanh nghiệp đầu năm đăng ký theo sản lượng trung bình hoạt động của năm trước, tuy nhiên, năm 2020 và 2021 là năm diễn ra đại dịch nên sản lượng sụt giảm.

Thứ hai, do tình hình địa chính trị, giá thế giới biến động rất lớn, mang tính chất dị biệt nên không có chính sách nào có thể bao phủ để kịp thời thích ứng với biến động giá cả và tình hình địa chính trị thế giới trong năm 2022.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn về vấn đề chi phí. Chi phí hoạt động, lưu thông xăng dầu được áp dụng suốt từ năm 2014 đến nay và không còn phù hợp. Chi phí biến động khác gồm giá cả thế giới, premium, phụ phí, chi phí đưa hàng từ nước ngoài về, kể cả chi phí nhập từ các nhà máy lọc dầu trong nước…

"Chưa tính tới những yếu tố do thời tiết, ảnh hưởng của bão gió khiến tàu bè không thể tiếp cận được vào các nhà máy thì đâu đó đứt nguồn là điều dễ hiểu", ông Bảo phân tích.

Trong thời gian tới, đại diện Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng đối với khối lượng xăng dầu Bộ giao cho các doanh nghiệp thì chắc chắn phải nhập thêm. Trong khi với giá cả hiện tại, doanh nghiệp sẽ phải chịu lỗ hơn 1.000 đồng/lít. Phía ngân hàng thì đang vận hành theo nguyên tắc phương án nhập khẩu có lợi nhuận thì mới cho vay, dù Bộ Công Thương đã có văn bản đề xuất ý kiến.

Ông Bảo kiến nghị Bộ Công Thương triệt tiêu chênh lệch giữa chi phí tạo nguồn nhập khẩu với trong nước bằng cách lấy quỹ bình ổn để bù trực tiếp vào chênh lệch của premium nhập khẩu để bằng với giá trong nước.

Hiệp hội cũng đề xuất Bộ Công Thương thống nhất với Bộ Tài chính để rà soát các chi phí, thay vì 6 tháng thay đổi 1 lần thì 3 tháng thay 1 lần để giảm đi chi phí nhập khẩu, cắt lỗ cho doanh nghiệp.

Đại diện Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam nhìn nhận những vấn đề xảy ra liên quan đến xăng dầu trong năm 2022 mang tính chất rất dị biệt (Ảnh: Bộ Công Thương).

Đối với đề xuất dùng quỹ bình ổn để bù cho chi phí, ông Trần Duy Đông cho biết Bộ Công Thương sẽ trao đổi lại với Bộ Tài chính. Trước đó, Bộ Công Thương có văn bản đề nghị Bộ Tài chính rà soát và điều chỉnh mức chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức… theo mức phù hợp với thực tế phát sinh thời gian vừa qua để tính đúng, tính đủ trong giá cơ sở xăng dầu.

Đối với các ý kiến về tổng nguồn, Bộ Công Thương sẽ làm việc lại với doanh nghiệp để làm sao việc giao tổng nguồn khoa học và phù hợp nhất với điều kiện thực tế.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chia sẻ những khó khăn và thiệt thòi của doanh nghiệp đầu mối trong bối cảnh tình hình năng lượng thế giới có nhiều bất ổn. Song, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu nên các doanh nghiệp, thương nhân cần bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho cả nước trong mọi hoàn cảnh.

Các doanh nghiệp đầu mối phải lên kế hoạch sản xuất, nhập khẩu để đạt mức tối thiểu theo kế hoạch phân giao của Bộ Công Thương. Các doanh nghiệp đầu mối, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi cơ chế chính sách cho phù hợp với thực tiễn đang diễn ra...

Tác giả: Văn Hưng

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP