Đối với dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn cấp huyện thì dựa vào Nghị quyết của HĐND cấp huyện, UBND cấp huyện quyết định, phòng Tài chính - Kế hoạch phối hợp với Chi cục thuế cấp huyện (khu vực) thông báo dự toán thu NSNN cho các đơn vị, xã, phường, thị trấn trên địa bàn đảm bảo thu đúng, thu đủ, bao quát hết nguồn thu, không được thấp hơn về tổng thu và cơ cấu nguồn thu theo từng chỉ tiêu của tỉnh giao.
Việc quản lý, điều hành thu NSNN thực hiện theo quy định Luật NSNN, Luật Thuế và các văn bản hướng dẫn. Trong đó, lưu ý, tiền sử dụng đất được nộp vào NSNN và được điều tiết, phân chia cho các cấp ngân sách theo quy định hiện hành. Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Kho bạc Nhà nước, Cục Thuế tỉnh hướng dẫn thực hiện công tác quản lý thu và thu nộp tiền sử dụng đất.
Cơ quan tài chính điều hành ngân sách theo tiến độ thu, trường hợp số thu ngân sách nhà nước không đạt dự toán được HĐND quyết nghị, UBND rà soát, báo cáo HĐND cùng cấp xem xét, quyết định cắt giảm, giãn các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết, dành nguồn dự phòng ngân sách địa phương và sử dụng các nguồn tài chính hợp pháp khác để bù đắp giảm thu. Sau khi đã thực hiện điều chỉnh giảm một số khoản chi tương ứng và sử dụng các nguồn lực tài chính hợp pháp khác của địa phương mà chưa bảo đảm được cân đối ngân sách địa phương, kịp thời báo cáo ngân sách cấp trên xem xét, hỗ trợ.
Các khoản thu NSNN và phần tăng thu ngân sách các cấp được hưởng tương ứng theo tỷ lệ điều tiết quy định tại Nghị quyết số 20/2021/NQ- HĐND ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh, Nghị quyết số 15/2023/NQ- HĐND ngày 27/10/2023 của HĐND tỉnh sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 20/2021/NQ-HĐND và các văn bản quy phạm khác theo quy định hiện hành.
Về nguyên tắc thực hiện: Các Sở, ban, ngành, đơn vị dự toán cấp tỉnh, các huyện, thành phố, thị xã thực hiện chi ngân sách trong phạm vi dự toán ngân sách được giao. Cơ quan tài chính, Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát và thanh toán đầy đủ, kịp thời theo tiến độ thực hiện các nhiệm vụ chi đã bố trí trong dự toán được giao. Trong đó lưu ý nhiệm vụ chi thuộc ngân sách cấp nào do ngân sách cấp đó bảo đảm; không được dùng ngân sách của cấp này để chi cho nhiệm vụ của cấp khác và không được dùng ngân sách của địa phương này để chi cho nhiệm vụ của địa phương khác, trừ các trường hợp quy định tại khoản 9 Điều 9 Luật NSNN. Việc hỗ trợ phải tuân thủ quy trình thủ tục của Luật NSNN, Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn. Đối với kinh phí hỗ trợ cân đối chi ngân sách địa phương, HĐND các cấp được chủ động bố trí cơ cấu chi ngân sách địa phương năm 2024 theo nguyên tắc triệt để tiết kiệm chi thường xuyên để tập trung nguồn lực tăng chi đầu tư phát triển theo quy định.
Ngoài định mức phân bổ theo Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, ngân sách cấp huyện, cấp xã và các cơ quan, đơn vị còn được hỗ trợ bổ sung một số khoản kinh phí để chi cho các hoạt động nghiệp vụ đặc thù được bố trí trên cơ sở nhiệm vụ được giao, tình hình thực tế tại địa phương và khả năng cân đối ngân sách.
Quy định này cũng nêu rõ nội dung chi đầu tư phát triển; chi thường xuyên ngân sách cấp huyện, cấp xã; chi các Chương trình mục tiêu quốc gia; việc chấp hành ngân sách nhà nước; báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm ...
Tác giả: PQ (tổng hợp)
Nguồn tin: nghean.gov.vn