Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.
Trong số các tổ chức quốc tế, G20 và BRICS có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tạo ra một trật tự thế giới đa cực để các nước đang phát triển được cất lên tiếng nói. Trung Quốc được trao vị trí chủ tịch G20 tại hội nghị thượng đỉnh G20 Brisbane năm 2014. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc làm chủ tịch diễn đàn hàng đầu về hợp tác kinh tế quốc tế.
Một mặt, việc đăng cai hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ là cơ hội quý giá để chính quyền Trung Quốc củng cố uy tín trong nước, trong bối cảnh kinh tế nước này đang tăng trưởng chậm lại, cũng như áp lực chính trị ngày càng tăng về việc phải cải cách chính trị. Mặt khác, G20 sẽ là nền tảng quan trọng để Trung Quốc thu hút sự chú ý của thế giới và thể hiện hình ảnh “có trách nhiệm” với thế giới, các nhà phân tích nhận định. Dù chủ động tham gia các diễn đàn mới thành lập như G20, BRICS, Trung Quốc đang tìm cách thay đổi hệ thống quản trị kinh tế toàn cầu, trải nghiệm các thể chế mới như diễn đàn BRICS hay Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á.
Theo giới quan sát, vấn đề nhạy cảm nhất giữa Trung Quốc và Ấn Độ tại hội nghị G20 lần này sẽ là vấn đề biển Đông. Dưới thời chính phủ của Tổng thống Narendra Modi, Ấn Độ khẳng định tôn trọng nguyên tắc “tự do hàng hải và thương mại” trên biển Đông, giống như quan điểm của Mỹ. Ấn Độ được một số nước liên quan tranh chấp trên biển Đông coi như một đồng minh quan trọng để chống lại đòi hỏi chủ quyền của Trung
Quốc trên biển Đông.
Trung Quốc tin rằng, một số nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ, sẽ tìm cách nêu vấn đề biển Đông tại hội nghị G20 tới nhằm khiến Trung Quốc bẽ mặt, đặc biệt sau khi Tòa Trọng tài quốc tế ra phán quyết. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc cố gắng phải có được lời hứa từ Ấn Độ rằng sẽ không nói chuyện biển Đông tại hội nghị lần này. Vì mục đích đó, Trung Quốc áp dụng phương pháp “cây gậy và củ cà rốt” đối với Ấn Độ. Về “cây gậy”, những phát biểu của ông Vương trong chuyến thăm Ấn Độ cuối tuần qua ít nhiều hàm ý đe dọa, các nhà phân tích nhận định. Ngoại trưởng Trung Quốc liên hệ hội nghị G20 tại Hàng Châu với hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Goa, ngụ ý rằng Trung Quốc có thể sẽ “ăn miếng trả miếng”: Nếu Ấn Độ nêu vấn đề biển Đông tại hội nghị G20, Trung Quốc sẽ trả đũa Ấn Độ tại hội nghị BRICS. Về “củ cà rốt”, ông Vương hứa Trung Quốc sẽ hỗ trợ Ấn Độ trở thành thành viên Nhóm các nước cung cấp hạt nhân (NSG) để đổi lấy việc Ấn Độ không nói về vấn đề biển Đông tại hội nghị G20.
Không chắc ăn
Giới phân tích cho rằng, phương pháp “cây gậy và củ cà rốt” của Trung Quốc có thể không đủ để bảo đảm sự im lặng của Ấn Độ về vấn đề biển Đông tại hội nghị G20. Một mặt, “cây gậy” của Trung Quốc có vẻ không có tác dụng. Dù ông Vương ngụ ý sẽ “ăn miếng trả miếng”, nhưng sự thật là Trung Quốc không muốn hứng hết hậu quả nếu phá hoại hội nghị BRICS - diễn đàn mà Trung Quốc coi là cơ hội quan trọng để tuyên truyền “hình ảnh quốc tế tích cực” của họ ra thế giới. Trên thực tế, Trung Quốc thiếu phương tiện hữu hiệu để tác động các lợi ích cốt lõi của Ấn Độ. Dù Ấn Độ cần Trung Quốc giúp đỡ về khu vực Kashmir tranh chấp với Pakistan, nhưng Trung Quốc cần Ấn Độ hợp tác nhiều hơn trong nhiều vấn đề, từ Đài Loan, Tây Tạng và Tân Cương đến chống khủng bố. Mặt khác, “củ cà rốt” của Trung Quốc có vẻ không hấp dẫn lắm. Tham gia NSG là điều quan trọng đối với tham vọng trở thành cường quốc hạt nhân của Ấn Độ, nhưng trong bối cảnh Trung Quốc không có mấy sự ủng hộ quốc tế đối với các đòi hỏi chủ quyền của họ trên biển Đông thì rất có khả năng lãnh đạo Ấn Độ sẽ nói về biển Đông tại hội nghị G20 nếu Mỹ hay quốc gia nào khác nêu chủ đề này. Đối với Ấn Độ, vấn đề biển Đông là cơ hội quan trọng để đoàn kết khu vực trước sự bành trướng của Trung Quốc, nhiều nhà phân tích nhận định. Ngoài ra, việc Ấn Độ ngày càng nhận thấy Trung Quốc là một đe dọa của họ đang thúc đẩy New Delhi đẩy mạnh hợp tác quân sự với các đồng minh và đối tác của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương.
Tác giả bài viết: Trúc Quỳnh