Ngay từ trước ngày Euro 2016 khởi tranh, theo đại diện các siêu thị như điện máy như Mediamart, HC, Trần Anh, Nguyễn Kim, Pico Mart… đều tung ra các dịch vụ khuyến mãi để hút khách đến mua tivi, các sản phẩm điện máy, điện tử tiêu dùng. Các kế hoạch khuyến mãi chủ lực của họ cũng đều nhắm vào vòng chung kết giải bóng đá Euro.
Vừa tặng quà, vừa cho mượn tivi cũng ế
Tại một siêu thị điện máy lớn ở Hà Nội, vài tuần nay đang là cao điểm cho các chương trình khuyến mại, giảm giá. Tính sơ sơ, siêu thị này đang có 6 chiến dịch bán hàng khuyến mãi, siêu giảm gia nhắm vào giải bóng đá Euro như: Vì Euro, giá giảm không phanh, khuyến mại kịch sàn; vui Euro, bán hàng không lợi nhuận; xem trọn Euro miễn phí bằng tivi siêu nét hoặc khách sẽ có cơ hội sở hữu hàng loạt các quà tặng đính kèm có trị giá từ 1 - 3 triệu đồng khi mua bất kể sản phẩm trong chương trình khuyến mãi Euro của siêu thị...
Một sản phẩm có giá bán giảm sốc tới 10 triệu đồng so với giá niêm yết vì Euro
Có thể nói, âm vang và không khí giải Euro tại các siêu thị điện máy đang được hâm nóng bằng hàng loạt các chương trình khuyến mại mà mới tiếp cận, người tiêu dùng có thể thấy sốc, ngột thở vì quá nhiều ưu đãi... Tuy nhiên, sức mua thị trường không hẳn như vậy.
Theo khảo sát của phóng viên Dân Trí, doanh số bán hàng và lượng khách hàng tại một số siêu thị lớn nhân dịp Euro không khả quan cho lắm. Nhiều dịch vụ bán hàng đưa ra nhằm "ăn theo" Euro ở các siêu thị điện máy Top đầu cả ngày không có khách hỏi thăm.
Tại một siêu thị trên đường Phạm Hùng, một khuyến mãi vừa tặng quà lại cho mượn không tivi về nhà xem Euro. Thoạt đầu nghe có vẻ dịch vụ này rất thu hút người tiêu dùng vì vừa được xem tivi đẹp, vừa được quà miễn phí. Tuy nhiên nhân viên bán hàng cho hay cả tuần chưa ai mượn tivi cả.
Quản lý kinh doanh siêu thị nói trên cho hay: Dù khuyến mại lớn, giá giảm mạnh song khách đến mua khá ít. Trong các mặt hàng, tivi là sản phẩm siêu giảm giá trong dịp bóng đá Euro này dù giá xuống thấp song 1 tuần mới bán được 1 chiếc.
Còn đại diện kinh doanh siêu thị điện máy trên đường Phạm Văn Đồng (Q. Bắc Từ Liêm) cũng nói: Dù hãng và siêu thị tung ra các chương trình khuyến mại phủ khắp sản phẩm nhưng con số bán ra vẫn không khả quan, doanh số bán tivi khá bi đát.
Hết thời câu khách bằng… khuyến mãi khủng!?
Thực tế, theo chuyên gia kinh tế, thị trường hiện quá quen hay nói cách khác là “mẫn cảm” với chiêu câu khách giảm giá mỗi dịp có sự kiện của siêu thị. Các dịch vụ bán hàng ăn theo sự kiện đã cũ, quá nhiều và dường như người tiêu dùng không còn tin vào những chiêu này của các doanh nghiệp.
Chi chít những catalogue ghi khuyến mại, giảm giá khủng nhưng vẫn rất ít khách mua
Một khách hàng từng sử dụng dịch vụ cho mượn tivi tại siêu thị cho hay: "Dịch vụ không mất tiền nhưng mất rất nhiều tiền, bởi khi hết hạn mượn tivi tâm lý thích xem tivi đẹp nên khách khó chấp nhận xem tivi cũ vừa bé, vừa nhiễu. Nếu khách mua, siêu thị sẽ bán ngay sản phẩm đó với giá niêm yết và mua luôn tivi cũ với giá rẻ. Như vậy, siêu thị vừa tiếp thị tốt vừa bán được hàng".
Anh này nói thêm: "Tuy nhiên, đáng nói hơn là nhiều người đã chấp nhận mua sản phẩm dùng thử đó, trong khi đúng ra phải mua sản phẩm mới, bởi vì đa số những sản phẩm đã dùng thử, trưng bày đều bị “đập hộp” trước đó, kích hoạt tivi phải kích hoạt luôn bảo hành và đa số các máy “đề mô” của siêu thị đều có lỗi vặt. Do đó, nếu khách không để ý có thể mua phải máy lỗi nhưng không hề được chiết khấu, giảm giá".
Anh Minh, khách mua hàng tại một siêu thị cho hay: “Trước kia tôi cũng hay mua hàng dịp khuyến mãi lớn, nhưng sau thời gian đó thấy giá giảm mạnh, một tháng mà giảm mấy triệu đồng ở sản phẩm vừa mua. Các sản phẩm khuyến mại tặng thêm khi mua chất lượng không tốt mà giá lại cao… Nhiều lần như vậy rồi nên tôi quyết định chỉ mua những sản phẩm nào cần thiết, không cần vào đợt khuyến mãi, giảm giá bởi nếu họ giảm giá khủng thì cũng tăng giá khủng trước đó rồi”.
Một điểm mới là, nếu như trước kia các siêu thị thường làm đại lý của các hãng thì nay họ cho hãng thuê mặt bằng, hãng tự bỏ tiền, thuê người bán hàng. Phần chênh lệch giá, hãng tự thỏa thuận với các siêu thị để sao cho giá sản phẩm bán ra trong 1 sản phẩm tại các siêu thị lớn không chênh nhau. Do đó, khi quyết định mua, người tiêu dùng muốn kiểm tra giá chéo giữa các siêu thị thì giá các siêu thị đều như nhau, không thể biết được giá để lựa chọn nơi mua rẻ nhất, chất lượng nhất. Nếu kiểm tra giá ở các cửa hàng ngoài làm đối chứng, các siêu thị đều cho hay hàng có nhiều nguồn gốc khác nhau, có thể hàng “gia công” của hãng nên giá rẻ.
Nhiều chuyên gia cho hay, chính vì thực tế trên mà mỗi đợt chiến dịch, các hãng và siêu thị bắt tay nhau nâng giá làm sao đảm bảo giá 1 sản phẩm của hãng phải đồng nhất ở các siêu thị lớn. Đây cũng chính là lý do nhiều hãng đang thực hiện bao giá 15 ngày, 20 ngày trên 1 sản phẩm cho khách mua nếu một trong các siêu thị lớn giảm giá so với giá họ đã mua. Tuy nhiên, trên thực tế khi đã mua hàng, người tiêu dùng sẽ không bao giờ được hoàn tiền vì giá đồng nhất rồi”, đại diện một thương hiệu.
Tác giả bài viết: Nguyễn Tuyền