Bài viết trên website Bệnh viện Vinmec cho biết, hắc kỷ tử là loại quả quý hiếm tác dụng tốt, ít gặp hơn so với câu kỷ tử. Quả hắc kỷ tử có tên khoa học lycium ruthencium, họ cà Solanaceae, thường mọc hoang tại vùng phía đông của cao nguyên Tây Tạng.
Quả kỷ tử đen có dạng hình tròn, mọng nước, quả chín có màu đen, đường kính khoảng 0,5cm. Sau khi phơi sấy thì quả hắc kỷ tử khô có vỏ nhăn nheo, bên trong nhiều hạt hình giống quả thận, một đầu có vết của cuống quả.
Tác dụng hắc kỷ tử
Theo nghiên cứu, quả hắc kỷ tử chứa hàm lượng chất OPCs (Oligomeric Proanthocyanidins) cao, đây là loại bioflavonoids nồng độ cao nhất được phát hiện trong tự nhiên hiện nay.
OPCs được tìm thấy trong một số loại quả, một số loại rau và vỏ cây có giá trị dinh dưỡng cho cơ thể người, khả năng chống oxy hóa mạnh gấp 20 lần so với vitamin C và cao gấp 50 lần so với vitamin E.
Ngoài ra, trong thành phần của hắc kỷ tử chứa khoảng 40% protein, có tới 18 axit amin khác nhau, nhiều loại chất khoáng khác như kẽm, sắt, phốt pho và vitamin B2. Một số chất khác như beta caroten, lutein, lycopen cũng được tìm thấy trong loại quả này.
Nên tham khảo ý kiến bác sĩ khi sử dụng hắc kỷ tử. |
Dưới đây là tác dụng của quả hắc kỷ tử:
Tăng cường hệ thống miễn dịch
Hàm lượng chất OPCs trong hắc kỷ tử là chất chống oxy hóa tự nhiên giúp làm giảm và sửa chữa các tế bào bị hư hại do hậu quả của quá trình viêm, sự oxy hóa do các gốc tự do gây ra.
Chất này cũng giúp tăng cường hệ thống miễn dịch và bảo vệ cơ thể khỏi tác nhân gây bệnh. Chúng còn ngăn ngừa sự hình thành tế bào ung thư hoặc làm giảm khả năng phát triển khối ung thư, gia tăng tuổi thọ.
Trong thành phần của nó còn chứa lycopen - chất được nghiên cứu làm giảm tỷ lên ung thư đường tiêu hóa, tuyến tiền liệt.
Tốt cho mắt
Hàm lượng cao các loại carotenoid và OPCs trong quả hắc kỷ tử có tác dụng rất tốt cho tế bào mắt, cải thiện thị giác, giảm tình trạng xuất huyết mao mạch. Vì vậy mà hắc kỷ tử rất tốt cho những người thường xuyên điều phải tiết mắt như lái xe ban đêm, dùng máy tính nhiều.
Đặc biệt là chất lutein và zeaxanthin được chứng minh có nồng độ cao ở võng mạc và điểm vàng của mắt người, giúp gia tăng mật độ quang học của các sắc tố võng mạc trong mắt. Từ đó nó giúp chống lại sự phát triển của thoái hóa điểm vàng, đồng thời đóng vai trò như bộ lọc ánh sáng có bước sóng ngắn, làm giảm các gốc tự do trong võng mạc mắt.
Hạn chế hình thành mảng xơ vữa
Tác dụng của OPCs là chống hình thành các mảng vữa xơ động mạch do quá trình oxy hóa cholesterol LDL, từ đó giảm nguy cơ bệnh tim mạch, đột quỵ. Hắc kỷ tử có tác dụng tốt cho mạch máu, tăng cường quá trình lưu thông máu.
Tác dụng làm đẹp da
Quả hắc kỷ tử được chứng minh là do thành phần OPCs giúp kiềm chế việc lưu hóa các gốc tự do từ đó giúp tái tạo tế bào và da, làm cho da mịn màng, mờ sẹo. Nước sắc hắc kỷ tử xoa lên mặt có thể giúp làm giảm thâm, sáng da và giảm sưng viêm do mụn.
Tốt cho hệ thần kinh
Các thành phần chất chống oxy hóa trong quả kỷ tử đen có vai trò rất tốt lên hệ thần kinh, bảo vệ tế bào thần kinh, chống sự oxy hóa các dây thần kinh sọ não, bảo vệ tế bào não khỏi các yếu tố độc hại.
Theo đông y, hắc kỷ tử vị ngọt, tính bình quy kinh can, thận tác dụng bổ can thận, ích khí, bổ huyết, làm sáng mắt. Chúng được sử dụng từ lâu đời trị chứng huyết hư, can thận bất túc gây đau nhức xương, mệt mỏi, di tinh, hoa mắt, chóng mặt, mắt mờ.
Hắc kỷ tử nếu dùng sai có thể gây hại cho sức khoẻ. |
Lưu ý khi dùng hắc kỷ tử
Hắc kỷ tử là loại quả nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe và sắc đẹp, nhưng cũng có một số tác dụng phụ nếu dùng sai liều:
- Hắc kỷ tử có thể gây ra các vấn đề về tiêu hoá, như đầy bụng, ợ chua, tiêu chảy, nếu ăn quá nhiều hoặc không đúng liều lượng.
- Gây ra các phản ứng dị ứng, như nôn ói, khó thở, phát ban, ngứa, nếu người dùng có cơ địa nhạy cảm với thành phần của quả.
- Bốc hỏa, nóng trong người, nổi mẩn đỏ, nếu người dùng có cơ địa nhiệt ẩm, can dương vượng hoặc ăn quá nhiều đạm.
Một số người không nên dùng hắc kỷ tử
Những người bị sốt, viêm, tiêu chảy do nhiệt, nóng trong người: Hắc kỷ tử có tính làm ấm cơ thể rất mạnh, sẽ ảnh hưởng đến quá trình hồi phục bệnh.
Những người bị can dương vượng (dễ nóng, cáu gắt), dư đạm, bị nổi mẩn đỏ: Hắc kỷ tử rất tốt cho can thận, nhưng những người can thận đã đủ mạnh khi dùng hắc kỷ tử sẽ dễ bị bốc hỏa, nóng trong.
Những người bị cường dương: Hắc kỷ tử tác dụng làm phấn khích thần kinh và tăng cường chức năng sinh lý, sẽ không tốt cho những người bị cường dương.
Tác giả: NGUYỄN MAI (tổng hợp)
Nguồn tin: vtcnews.vn