Vừa qua, một người dùng mạng xã hội chia sẻ clip 18 giây được quay vào ngày 22/10, trong giờ sinh hoạt của lớp 10A9, trường THPT Hai Bà Trưng (TP Huế). Clip cho thấy một cô giáo bị một thầy giáo lớn tiếng, sau đó "khóa tay" rồi đẩy ra khỏi phòng học. Vụ việc xảy ra trước sự chứng kiến của nhiều học sinh trong lớp.
Những người liên quan sự việc gồm cô H.T.T. (giáo viên bị đẩy ra khỏi lớp), thầy N.Đ.P. (thầy giáo đẩy cô T. ra khỏi lớp) và cô Trần Thị Thùy D. (chủ nhiệm lớp 10A9 - người đứng trên bục giảng).
Em K.H., học sinh trường THPT Hai Bà Trưng, cho biết sự cố xảy ra ngày 22/10 bắt nguồn từ việc học sinh lớp 10A9 ký đơn xin đổi giáo viên vì cách dạy của cô không phù hợp.
Bức xúc vì bị học sinh phản ánh, cô H.T.T. xông vào lớp, quay clip rồi tra hỏi từng học sinh ký đơn. Cô D. nhờ ban giám hiệu can thiệp. Nhiều giáo viên khác đến can ngăn cô T., do cô T. kháng cự nên mới để xảy ra xô xát như trong clip.
Thầy P. đẩy cô T. ra khỏi lớp. Ảnh cắt từ clip. |
Ông Ngô Đức Thức, Hiệu trưởng trường THPT Hai Bà Trưng, xác nhận đoạn video được quay tại lớp 10A9 của trường. Sáng 28/10, ông Ngô Đức Thức nói với Zing nhà trường đã báo cáo Sở GD&ĐT và Thành ủy TP Huế về vụ việc.
Ông Thức cho biết thêm clip 18 giây lan truyền chỉ là đoạn cuối của câu chuyện, hình ảnh nhạy cảm nên bị các thế lực lợi dụng xuyên tạc.
“Lớp 10A9 được giáo dục về tính an toàn khi tham gia các cộng đồng mạng nhưng các em lại đưa clip là sai điều được học ở trường”, ông Thức chia sẻ.
Thầy P., cô T. đều có lỗi
Nói về sự việc xảy ra tại trường THPT Hai Bà Trưng, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du (TP.HCM), cho biết thầy rất buồn trước hành động của cô H.T.T.. Chưa bàn đến nguyên nhân sâu xa, việc cô T. tự ý xông vào giờ sinh hoạt của lớp 10A9 rồi quay clip tra hỏi học sinh là hoàn toàn sai.
Về nguyên tắc, cô T. phải ý thức được giờ giấc trên lớp. Nếu không phải tiết dạy của mình, cô T. không được phép tự ý xông vào lớp. Chưa kể, hành động tra hỏi học sinh rồi quay clip của cô rất phản cảm.
Theo thầy Phú, môn Ngữ văn là môn đặc thù vì truyền tải cho học sinh kiến thức lẫn cách hành xử. Là một giáo viên dạy Ngữ văn nhưng cô T. lại có hành động ngang ngược, thái quá. Điều đó cũng chứng tỏ kỹ năng giao tiếp sư phạm của cô T. rất kém.
Về phần thầy P., thầy Huỳnh Thanh Phú nhận thấy thầy P. có ý tốt, nhưng cách thầy “khóa tay”, đẩy cô T. ra ngoài lại phản cảm, thiếu tính giáo dục vì để vụ việc xảy ra trước sự chứng kiến của nhiều học sinh.
Thầy Phú e ngại hành động của thầy P. sẽ khiến niềm tin về thầy cô trong mắt học sinh bị sụt giảm. Đáng lẽ lúc đó, thầy P. chỉ nên khuyên giải cô T. rồi chờ ban giám hiệu nhà trường xử lý.
Chung quan điểm với thầy Huỳnh Thanh Phú, thầy T.Đ., hiệu trưởng tại một trường THPT ở Hà Nội, cho rằng việc thầy P. dùng sức mạnh để đưa cô T. ra khỏi lớp là điều không nên. Về mặt văn hóa, hành động này của thầy sẽ tạo hình ảnh xấu trong mắt học sinh.
“Giáo viên phải biết kiểm soát cảm xúc cá nhân, không nên bộc phát hành động bạo lực ngay tại lớp học, trước sự chứng kiến của học sinh”, thầy Đ. nêu ý kiến.
Học sinh xin đổi giáo viên, trường nên làm thế nào?
Trước thông tin vụ xô xát bắt nguồn từ việc học sinh xin đổi giáo viên, thầy T.Đ. khuyên rằng khi học sinh ký đơn xin đổi giáo viên, nhà trường cần gặp các em để tìm hiểu nguyên nhân rồi trao đổi lại với giáo viên bộ môn. Trong những trường hợp này, các bên đều có quyền nói lên vấn đề của mình.
Tuy nhiên, khi bị học sinh phản ánh, nhà trường cũng nên biết cách giữ danh dự cho giáo viên. Giữ danh dự ở đây không phải “o bế” cho những lỗi sai của giáo viên đó mà là đưa ra cách xử lý khéo để học sinh không bị mất niềm tin vào thầy cô.
Nhà trường cũng cần giữ danh dự cho học sinh. Đôi khi mong muốn đổi giáo viên của các em là lý do phù hợp, nhưng nhiều học sinh khác không đồng tình, lại dễ gây ra xung đột, khiến các em bị chỉ trích.
Thầy T.Đ. nói rằng nếu nguyện vọng đổi giáo viên của lớp 10A9 là chính đáng, nhà trường có thể cân nhắc xử lý nhưng không phải làm ngay. Bây giờ là giữa học kỳ 1, việc đổi giáo viên ngay lúc này sẽ tác động xấu đến cả giáo viên và học sinh.
Chưa kể, việc xử lý kiến nghị đổi giáo viên ngay lập tức dễ tạo cho học sinh tâm lý “mình là người chiến thắng”, muốn đổi giáo viên lúc nào cũng được. Nếu ban giám hiệu làm vậy, trường sẽ “loạn”.
Thầy Huỳnh Thanh Phú cũng đề cập việc trường sẽ “loạn” nếu ban giám hiệu chấp nhận mọi yêu cầu đổi giáo viên từ phía học sinh. Theo thầy, việc đổi học sinh chỉ được thực hiện ngay với những trường hợp: Giáo viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp, giáo viên nghỉ hậu sản, giáo viên gặp chuyện cá nhân phải nghỉ dạy quá lâu.
Trong trường hợp giáo viên bị học sinh phản ánh quá nhiều và muốn đổi (như trường hợp của lớp 10A9), điều đầu tiên là nhà trường và tổ bộ môn sẽ dự giờ tiết học để đánh giá chất lượng, năng lực dạy học của giáo viên đó.
Nếu giáo viên có những vấn đề đúng như phản ánh của học sinh, nhà trường và tổ bộ môn sẽ đưa ra 3 giải pháp lần lượt là: Hỗ trợ giáo viên về mặt tinh thần, khuyến khích giáo viên học nâng cao, tổ chức tập huấn nghiệp vụ giảng dạy.
Nếu sau một thời gian thực hiện hỗ trợ, giáo viên đó vẫn không cải thiện tình hình, nhà trường sẽ điều chuyển giáo viên công tác ở một bộ phận, vị trí khác. Trong thời gian bị chuyển bộ phận, giáo viên đó vẫn phải trau dồi năng lực chuyên môn.
“Chúng ta không thể giao việc cho một giáo viên thiếu năng lực sư phạm, thiếu khả năng truyền đạt kiến thức. Nếu làm vậy, tiết học sẽ mất chất lượng, khiến tâm lý học sinh nặng nề, mệt mỏi. Xung đột giữa giáo viên và học sinh chắc chắn sẽ diễn ra. Đó cũng là mầm mống khiến thầy cô mất hình ảnh trong mắt học sinh, sâu xa hơn là dẫn đến bạo lực”, thầy Huỳnh Thanh Phú nhấn mạnh.
Về việc ông Ngô Đức Thức nói học sinh đăng clip lên mạng là sai vì các em đã được giáo dục về tính an toàn khi tham gia các cộng đồng mạng, thầy T.Đ. nêu ý kiến nếu học sinh sai ở phần nội dung, quy định nào, thầy hiệu trưởng phải nêu rõ ra cho các em hiểu để rút kinh nghiệm. Tuy nhiên, việc này nhà trường không nên kỷ luật, chỉ nên nhắc nhở học sinh.
Trong khi đó, thầy Huỳnh Thanh Phú cho rằng hiệu trưởng không thể nói học sinh sai vì việc này xảy ra trước sự chứng kiến của nhiều người. Thầy Phú đặt câu hỏi nếu học sinh không chia sẻ vụ việc lên mạng, liệu nhà trường có báo cáo vụ việc lên sở không, hay sẽ giấu luôn.
Chưa kể, việc nhà trường áp lỗi sai lên học sinh sẽ dẫn đến nguy cơ các em bị kỷ luật nặng. Nếu trường đưa ra hình thức xử lý mà không nêu được lý do thỏa đáng, dễ vấp phải phản đối từ phía phụ huynh.
Do đó, nếu trường nói học sinh đăng clip là sai và muốn kỷ luật các em, nhà trường phải nêu được các em sai ở đâu, trường dự kiến xử lý các em theo hình thức nào.
Chiều 28/10, Zing liên hệ trường THPT Hai Bà Trưng để hỏi về việc xử lý học sinh đăng clip nhưng không nhận được phản hồi từ nhà trường.
Tác giả: Thái An
Nguồn tin: zingnews.vn