Câu nói ấy là về thân phụ của Đại tá Nam - cụ Phạm Thanh Long, một sỹ quan giàu bản lĩnh và nhân cách sáng trong, từng nhiều năm là chỉ huy cao nhất của đơn vị này. Giữa những bộn bề công việc, Đại tá Nam vẫn dành cho tôi nửa giờ tiếp chuyện, để rồi thấm thía câu nói của người xưa: "Hổ phụ sinh hổ tử".
"Lên Đông, xuống Đoài"
Hẳn là nỗi đau của xã hội chưa thể nguôi ngoai, lắng dịu sau vụ thảm sát kinh hoàng xảy ra tại bản Phồng (xã Tam Hợp, Tương Dương, Nghệ An) vào mùa hè năm ngoái. Gần một năm sau ngày xảy ra vụ án, tôi tìm về đơn vị mũi nhọn đã lập công đầu trong chuyên án này.
Có lẽ bởi tính chất kinh hoàng của vụ án bản Phồng, mà dư luận bị thu hút cả vào đó, ít ai biết đến một chi tiết: Đúng vào thời điểm ấy, khi mà Phòng CSHS Công an tỉnh Nghệ An đã vét sạch quân cán để "tung" cả lên rừng Tương Dương, thì tại bản Pật (xã Châu Tiến, huyện Quỳ Hợp) cách đó khoảng 100 km đường rừng núi, lại tiếp tục xảy ra một vụ án mạng chưa rõ thủ phạm.
Đại tá Phạm Hoài Nam chủ trì một cuộc họp án.
Nạn nhân là một người Ấn Độ, bị hung thủ giết hại bằng những nhát chém dã man rồi cướp đi nhiều tài sản có giá trị.
Án "nổ" liên hoàn, là nỗi "ngao ngán" số 1 của cánh trinh sát, điều tra viên. Bởi dù gì thì họ cũng chỉ là những con người cụ thể. Dồn toàn lực cho một vụ còn chưa xong, đằng này lại phải gồng gánh cả "núi việc" của vụ án khác, trong khi sức người đâu phải là vô hạn. Bởi thế, nhiều người đã xem đây là cuộc "thử tay" cam go dành cho Đại tá Phạm Hoài Nam, khi ông vừa nhậm chức Trưởng phòng CSHS.
Những ngày này, dù mới chớm hạ mà nắng đã rải lửa xuống khắp dải miền Trung. Trời cao thăm thẳm, tịnh không một ngọn gió, khiến thành Vinh nóng như rang. Tiếp chúng tôi trong phòng làm việc của Đội Trọng án, dù quạt chạy vù vù nhưng mồ hôi vẫn thấm ướt áo Đại tá Nam và khách phương xa.
Thoạt nhìn, thấy ông hơi "cứng" so với tuổi sinh 1967, bởi mái tóc đã ngả bạc, cùng vẻ nghiêm ngắn, trầm mặc trên khuôn mặt của người sỹ quan đi lên từ lính, đã kinh qua bao trận đánh "sống mái" với tội phạm ở xứ Nghệ. Có lẽ, hiếm nghề nào khiến con người ta bị "nhầu nhĩ" nhanh như ở "bộ môn" CSHS.
Bởi đó là lực lượng xông pha tuyến đầu trong công cuộc trấn áp tội phạm, bảo vệ bình yên cuộc sống. Nhưng rồi tiếp chuyện ông, mới thấy ngỡ ngàng bởi cách nói, cách kể dí dỏm đầy thông tuệ, cùng những nụ cười hiền lành, thân thiện.
Nhớ lại cái "đận" vất vả ấy, Đại tá Nam vui vẻ cho biết: "Vụ án bản Phồng xảy ra ngày 2-7-2015, ngay sau khi nhận tin báo, chúng tôi tức tốc huy động toàn bộ quân số trong đơn vị hành quân lên hiện trường để tổ chức điều tra, truy xét thủ phạm theo dấu vết nóng. Bản thân tôi cũng "cắm" bản, bám sát hiện trường cùng với anh em, để kịp thời chỉ đạo điều tra.
Những ngày đó, chúng tôi ăn ở và làm việc trong điều kiện vô vàn thiếu thốn, vì vụ án xảy ra ở xã vùng sâu đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Tương Dương. Dốc sức truy xét gần chục ngày rồi mà vẫn "chưa có gì", nên anh em không khỏi lo lắng, sốt ruột. Vì "bộ môn" trọng án, càng để lâu thì cơ hội tìm ra manh mối thủ phạm càng ít đi, án dễ lâm vào "câu dầm bế tắc".
Đúng lúc đó, vào ngày 11-7 lại xảy ra vụ án mạng tại bản Pật ở Quỳ Hợp. Khó khăn chồng chất khó khăn. Vì toàn bộ "tinh binh" đang dồn cả vào Tương Dương, nay án chưa ra lại phải "xé" quân để tăng cường lên Quỳ Hợp làm án. Sự phân tán, thiếu tập trung về phương tiện, lực lượng, biện pháp… biết là sẽ gây trở ngại cho công tác truy xét thủ phạm, nhưng không còn cách nào khác. Đây thực sự là một thử thách rất lớn đối với chúng tôi. Bàn giao tạm thời công việc ở Tương Dương cho anh Cao Ánh Hồng (Phó trưởng phòng) phụ trách, tôi dẫn một mũi trinh sát lên đường đi Quỳ Hợp".
CSHS Nghệ An truy xét thủ phạm gây ra vụ thảm án tại bản Phồng, Tương Dương (tháng 7-2015).
Được biết, nạn nhân trong vụ án này là ông Nathusingh (48 tuổi, quốc tịch Ấn Độ, là cán bộ quản lý của Công ty Wolkem India Ltd) đang khai thác đá trắng tại địa bàn xã Châu Tiến, Quỳ Hợp. Tại hiện trường không để lại gì nhiều ngoài xác nạn nhân với những nhát đâm, chém chí mạng bằng vật sắc nhọn, cùng một chiếc xe máy vứt cách đó khoảng 1 km. Tổ chức nắm tình hình, Ban chuyên án đã dựng được quan hệ, lịch trình sử dụng thời gian cùng lý do nạn nhân có mặt tại bản Pật.
Mở rộng xác minh, phát hiện ông Nathusingh bị mất một số tài sản, trong đó có một chiếc nhẫn vàng mua tại Ấn Độ. Truy theo hướng tài sản bị chiếm đoạt, Ban chuyên án nắm được thông tin: tên Trương Văn Quang (30 tuổi, nhà ở xã Châu Tiến, Quỳ Hợp) đã đến rất nhiều cửa hàng vàng bạc dưới thị trấn huyện lỵ rao bán một chiếc nhẫn "lạ", nhưng không ai mua, vì nghi là vàng mỹ ký.
Ngay lập tức Quang được đưa vào "tầm ngắm". Xác minh việc sử dụng thời gian của y trong ngày 11-7, thấy bất minh, nhiều khả năng có mặt gần hiện trường sau khi xảy ra án mạng. Tuy nhiên, khi bị triệu tập lên làm việc, Quang cứ "tưng tửng" như không, phủ nhận mọi liên quan đến vụ án. Khi làm việc với Quang, trinh sát chú ý đến chiếc nhẫn y đang đeo trên tay vì có đặc điểm khác biệt.
Nhiều người cho rằng đó là nhẫn của nạn nhân. Riêng Đại tá Nam có suy nghĩ khác, rằng đó không phải là vật chứng. Bởi có một người nói đó không phải là chiếc nhẫn của ông Nathusingh. Ròng rã suốt 2 ngày đêm đấu tranh liên tục, Đại tá Nam đã hạ gục ý chí của tên cướp tù tha này. Việc cảm hóa thành công đến mức, tên Quang đã xin nhận ông làm… bố nuôi, rồi khai tuồn tuột vị trí nơi vất hung khí gây án (con dao) cùng chiếc nhẫn nói trên.
Người "bày cờ"
Cánh lính trọng án xứ Nghệ kể với tôi rằng, những chiến công trong thời gian qua của đơn vị này, đều gắn liền với tên tuổi của Đại tá Phạm Hoài Nam, trong vai trò tổ chức trận đánh. Đi lên từ người lính trận, ông có sự am hiểu sâu sắc về hoạt động và tâm lý tội phạm. Từ đó, những kế hoạch điều tra do ông phác thảo, hoạch định, luôn đi đúng trọng tâm, đúng hướng. Và như thế, việc "án ra" là tất yếu.
Nhớ lại chuyên án điều tra vụ "bom thư" nổ tung trên xe khách đang chạy trên tuyến Bắc- Nam, Thượng úy Trần Quốc Việt (nguyên trinh sát Đội Trọng án) cho biết: "Đây là một chuyên án điển hình về độ khó, và việc tìm ra thủ phạm thực sự là một kỳ công. Hãy hình dung tình huống người bị hại trên thực tế chỉ là vô tình "chịu trận", chứ không phải là mục tiêu hung thủ hướng đến.
Khi đó, hoạt động điều tra rất dễ bị thu hút vào việc lần tìm theo mâu thuẫn của bị hại, chứ yếu tố ngẫu nhiên ít được quan tâm. Thế nhưng khi chỉ đạo điều tra chuyên án này, Đại tá Nam đã cho làm rất toàn diện. Không chỉ đi vào những quan hệ, mâu thuẫn của nhà xe, mà ông cho nghiên cứu sâu những mâu thuẫn của người có tên trên vỏ hộp loa chứa bom mà hung thủ đã gửi xe khách chở đến.
Đi theo hướng này, kết quả sau nhiều tháng tích cực truy xét, những "đòn" nghiệp vụ sắc sảo của Đại tá Nam, đã khiến hung thủ Lê Đức Đệ (ở thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) lộ diện, dù y hết sức tinh quái trong việc đối phó với hoạt động điều tra".
Nhậm chức Trưởng phòng CSHS - Công an tỉnh Nghệ An mới qua một năm, nhưng tài tổ chức, cùng những phẩm chất đáng quý của Đại tá Phạm Hoài Nam đã được phát huy tối đa, thể hiện bằng nhiều chỉ tiêu công tác mà đơn vị này đã hoàn thành vượt mức. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2016, đơn vị đã khám phá 7/7 vụ giết người (đạt 100%).
Điển hình như chuyên án điều tra vụ giết người xảy ra ngày 05-01-2016 tại thị xã Hoàng Mai. Đơn vị cũng đã xác lập và khám phá 15 chuyên án trinh sát (đạt 115,5% chỉ tiêu giao), triệt phá nhiều ổ nhóm tội phạm hình sự, chuyên hoạt động "bảo kê", "đòi nợ thuê", mua bán phụ nữ, trẻ em bán ra nước ngoài, trộm cắp xe máy lưu động, đột vòm phá két, cướp giật tài sản… Phát hiện bắt giữ 19 vụ, 163 đối tượng tệ nạn xã hội, trong đó triệt phá nhiều ổ nhóm đánh bạc, mại dâm quy mô lớn…
Truyền thống tiếp nối
Nhiều vị lãnh đạo hiện nay của Công an tỉnh Nghệ An, từng là lính, là học trò trong nghề của cụ Phạm Thanh Long - thân phụ của Đại tá Nam. Sinh thời, cụ Long từng có 21 năm liên tục đảm nhiệm các chức vụ chỉ huy quan trọng, như Phó ban chỉ huy Cảnh sát, Trưởng phòng CSHS. Cụ là một tên tuổi, gắn với những chiến công vang dội của Công an xứ Nghệ trong đấu tranh trấn áp tội phạm.
Người cùng thời nhớ về cụ không chỉ ở tài năng, ở chiến công, mà còn vì một nhân cách sáng trong. Ở cụ, sự tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống và tư cách người Công an cách mạng là việc làm thường nhật. Trong công tác, cụ nêu gương vượt khó cùng tinh thần trách nhiệm cao, dám nghĩ dám làm và dám chịu trách nhiệm, đau đáu trách nhiệm xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng Công an trong sạch, vững mạnh…
Nhân dịp Kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống CAND, niềm hạnh phúc lớn lao đã đến với gia đình Đại tá Nam. Xét thành tích và những cống hiến của cụ Phạm Thanh Long và người con trai đối với sự nghiệp bảo vệ ANTT trên quê hương Bác, Đảng và Nhà nước đã truy tặng cụ Huân chương Bảo vệ Tổ quốc, còn Đại tá Phạm Hoài Nam được trao tặng Huân chương Chiến công hạng Ba.
Tác giả bài viết: Đào Trung Hiếu