Cũng giống như hầu hết các phạm nhân đã có “thâm niên” ở trại, ý thức được mình là ai, Tuyền luôn giữ vẻ mặt ngoan ngoãn và dáng vẻ khúm núm của một kẻ bị tước quyền công dân. Dáng vẻ ấy, trong môi trường ấy, dễ khiến người đối diện tin tưởng. Song “vũ khí” lợi hại nhất của Tuyền, thứ mà tôi đoán chừng cũng đã giúp phạm nhân này thực hiện trót lọt các vụ lừa đảo, chính là giọng nói thấp trầm đầy biểu cảm. Giọng nói ấy gần như không đổi trong suốt câu chuyện dài 3 tiếng đồng hồ mà Tuyền kể cho tôi nghe, trừ những lúc nghẹn lại vì có thêm nước mắt.
Lời kể của phạm nhân
“Em sinh ra ở vùng quê nghèo Tam Sơn, Cẩm Khê, Phú Thọ, là con trai duy nhất trong nhà, trên có 2 chị gái, dưới 2 em gái”, Tuyền kể, “Bố em đi chiến đấu ở chiến trường Campuchia và trở về với thương tích 2/4, đến giờ vẫn còn 24 mảnh kim loại trong người, nên hễ trái gió trở giời là lại đau ốm.
Chính vì thế mà mẹ em dù đang là giáo viên nhưng cũng chấp nhận nghỉ việc để ở nhà chuyên tâm chăm sóc bố. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, khi em thi đỗ vào Đại học Bách Khoa Hà Nội năm 2002, bố mẹ hầu như không chu cấp được bao nhiêu ngoài khoản tiền ít ỏi 30.000 đồng hàng tháng.
Hồi ấy một suất cơm sinh viên chỉ có 1.500 đồng, nhưng để duy trì được cuộc sống, em đã phải làm đủ mọi việc. Dù có học bổng, nhưng sinh viên khoa Công nghệ thông tin thì đòi hỏi phải có máy móc hiện đại, để có tiền trang bị công cụ học tập, năm đầu tiên em vừa đi làm gia sư vừa làm cửu vạn vác xi măng ở bến Phà Đen. Sau này nhờ có vốn tiếng Trung và tiếng Pháp do ông nội dạy từ nhỏ, em xin được vào làm cho công ty Ngọn lửa thần, chuyên phụ trách việc sang Đài Loan (Trung Quốc) nhập khẩu van an toàn. Đấy là lần đầu tiên em xuất ngoại.
Biết 2 ngoại ngữ, nhưng vì Công nghệ thông tin là ngành học chủ yếu dùng tiếng Anh, nên em quyết tâm học thêm. Không có tiền để đến các trung tâm, em mày mò trên mạng tự học, sau đó thực hành bằng cách đi xe ôm, chở người nước ngoài để chuyện trò với họ. Có nhiều người quý mến, còn trả cho em một chuyến cao gấp mấy lần cước taxi.
Năm 2003, lãnh tụ Cuba Fidel Castro sang Việt Nam, em là một trong 275 sinh viên Đại học Bách Khoa được dự buổi gặp mặt khi ông đến thăm trường. Cũng trong chuyến thăm này, Đại học Bách Khoa đã tặng Cuba 5 bộ máy tính và 1 phần mềm diệt virus, chính em cũng được tham gia lắp ráp những bộ máy tính đó.
Thành công lớn nhất trong thời sinh viên là năm 2004, em tham gia đội tuyển Robocon Đại học Bách Khoa đại diện Việt Nam tham dự cuộc thi Robocon quốc tế ở Hàn Quốc và đã giành Huy chương Vàng. Phải 10 năm sau Robocon Việt Nam mới lại có được thành tích cao như vậy.
Trong suốt 4 năm đại học, em còn viết bài cho báo Hoa học trò, Tuổi trẻ, đồng thời đi dạy gia sư. Thấy em chịu khó, bố một học sinh là cán bộ Thanh tra Chính phủ đã nhận em làm con nuôi. Chính bố nuôi sau này khuyên em phải đi ra nước ngoài học cho mở mang đầu óc. Nghe lời bố, em đầu tư nhiều thời gian hơn cho tiếng Anh và thi được 710 điểm Toeic.
Sau khi tốt nghiệp đại học, được giữ lại trường làm giảng viên nhưng em từ chối vì đã có hướng đi khác. Cùng năm đó, em nhận được học bổng sang Dubai học về quản trị mạng và quản lý nhân sự. Trong suốt hơn 2 năm ở đây, em còn học thêm quản lý khách sạn và tổ chức sự kiện, đồng thời làm cho 2 tập đoàn Intel và IBM. Với mức lương tháng 17.000USD, em đã gửi về nhà trả hết các khoản nợ mà bố mẹ vay cho 4 chị em gái theo học đại học”.
Cuộc sống của “người thông thái”
Tôi bị cuốn hút vào câu chuyện của Hoàng Thanh Tuyền, nên chỉ thỉnh thoảng mới đặt câu hỏi để xác nhận lại những điểm mình chưa rõ, hoặc để biết thêm chi tiết thông tin. “Vậy tổng cộng em đã đi bao nhiêu nước?”, tôi hỏi. “137. Em thay đến 3 quyển hộ chiếu”. “Em có thể nói được bao nhiêu thứ tiếng?”. “16. Đồng nghiệp ở Dubai đặt cho em cái tên Arập là Abdulah Hoàng, Abdulah tức là sự thông thái. Trong giao dịch em vẫn thường dùng cái tên này”.
Trước câu hỏi vì sao sự nghiệp đang phát triển như vậy lại về nước, Tuyền tỏ ra bùi ngùi rồi kể tiếp: “Năm 2008, nhiều nước trên thế giới bị ảnh hưởng bởi cuộc đại khủng hoảng kinh tế, trong đó có Dubai. Tình hình chung cũng rối ren, mà em lại là con trai duy nhất trong nhà nên bố mẹ muốn em về nước. Tháng 11 năm đó, em hoàn thành chương trình thạc sỹ Quản trị mạng và đến tháng 6-2009 thì về nước. 26 tuổi, trong tay có 600.000USD, tính theo tỷ giá khi đó là gần 10 tỷ đồng, em quyết định chọn TP.HCM để làm nơi khởi nghiệp.
Do có nhiều quan hệ với đối tác nước ngoài, em mở công ty Xuất nhập khẩu Thiên An, chuyên nhập tấm lợp nhôm aluminium. Vì quá tự tin, em ký một hợp đồng rất lớn, cung cấp tấm lợp cho một công trình ở bến Bạch Đằng. Hàng nhập về nhưng sai quy cách nên khách hủy hợp đồng. Không bán được cho ai, công ty phá sản.
Nhà lầu xe hơi em mua được trước đó cũng phải bán hết. Chưa đầy 1 năm sau khi về nước, em lại trắng tay, thậm chí còn nợ tới 3 tỷ đồng. Thời điểm ấy gia đình vợ chưa cưới không hề thông cảm, mà còn thách cưới cao ngất. Bố nuôi từ Hà Nội vào đưa em đi dạm hỏi, thấy vậy khuyên bỏ đám ấy. Trong một lúc, tiền bạc không còn mà tình cảm cũng đổ vỡ, em thấy mình như rơi xuống vực sâu.
Nhưng có lẽ may mắn nhất là em vẫn còn đủ trẻ để bắt đầu làm lại. Trong suốt thời gian sau đó, em làm mọi việc có thể: làm website cho công ty Saigon Tourist, đồng thời kiếm tour nước ngoài bán lại cho các công ty lữ hành; viết phần mềm; quản trị mạng cho một số tập đoàn; môi giới bất động sản. Với tấm bằng thạc sỹ, em nhận dạy hợp đồng môn Toán cao cấp cho Đại học RMIT và Đại học Ngân hàng.
Năm 2012, em kết hôn với học trò, một sinh viên Đại học Ngân hàng TP.HCM. Cuộc sống tuy không dư dả như trước nhưng cũng dần ổn định, vợ chồng mua được một căn hộ chung cư. Em đi làm không chỉ để nuôi mình, mà còn nuôi vợ đi học. Ngay cả việc em có con cũng là một kỳ tích, vì em mắc một căn bệnh về máu cực kỳ hiếm, phải sang Mỹ thay máu tới 2 lần. Khi đứa con chào đời, những tưởng mọi gian khó đã qua đi.
Tháng 12-2013, tất cả chấm hết. Khi em bị bắt, con gái mới đầy 2 tháng tuổi”.
Sự thật đã bị hư cấu
Không phủ nhận là tôi có bị cuốn hút vào câu chuyện đó và thấy tiếc nuối cho Tuyền. Nhưng dù ly kỳ hấp dẫn đến đâu, một câu chuyện hư cấu với quá nhiều chi tiết sẽ có những điểm sơ hở, nhất là khi tác giả chưa đạt tới “cảnh giới” của “nghệ thuật bốc phét”. Kỹ sư Công nghệ thông tin, Thạc sỹ Quản trị mạng say sưa kể về các thành tựu của đời mình mà... quên mất rằng, ngoài hồ sơ lưu tại cơ quan điều tra, tôi có thể đối chiếu một cách đơn giản nhất là qua internet.
Sau buổi gặp đó, tôi lập tức google cái tên Hoàng Thanh Tuyền và thật bất ngờ, kết quả bằng zero. Khi tiếp tục tìm kiếm thông tin về chiếc Huy chương Vàng Robocon của Việt Nam ở Hàn Quốc năm 2004, tôi thu được kết quả là Đại học Bách Khoa, song không phải Hà Nội mà là TP.HCM.
Nghĩ đến khả năng máy tính cũng nhầm lẫn, cùng với câu chuyện của Tuyền “bây giờ người ta xóa hết mọi thứ về em rồi chị ạ”, tôi còn sục sạo đủ mọi kênh để đối chiếu lại thông tin. Tất cả cho thấy Đại học Bách Khoa Hà Nội chưa từng giành được ngôi đầu trong 5 lần Việt Nam vô địch tại 14 kỳ Robocon quốc tế. Thành tích cao nhất của đội tuyển này chỉ là giải ba tại chung kết lần thứ hai, Bangkok năm 2003. Hơn nữa, theo dữ liệu lưu tại Đại học Bách Khoa Hà Nội, chưa từng có sinh viên nào tên là Hoàng Thanh Tuyền.
Kết quả tìm kiếm này khiến tôi thấy tò mò hơn về Hoàng Thanh Tuyền. Chính vì vậy, tôi huy động nhiều kênh hơn để cuối cùng tìm ra sự thật bất
“Hành trình viễn tưởng” theo lời kể của Hoàng Thanh Tuyền Năm 1984: Sinh ra ở Tam Sơn, Cẩm Khê, Phú Thọ Năm 2002: Nhập học Khoa CNTT, Đại học Bách Khoa, Hà Nội Năm 2003: Đón lãnh tụ Cuba đến trường thăm Năm 2004: Tham gia đội tuyển Robocon, giành HCV châu Á Năm 2006: Tốt nghiệp đại học, nhận học bổng sang Dubai Năm 2009: Về nước, mở công ty riêng Năm 2010: Công ty phá sản, làm giảng viên ĐH RMIT Năm 2012: Kết hôn Năm 2013: Sinh con và... bị bắt vì tội lừa đảo |
(Còn tiếp)
Tác giả bài viết: Bảo Trâm
Nguồn tin: