►"Vay tiền Trung Quốc, làm đường cần trưng cầu dân ý Quảng Ninh"
►Vay Trung Quốc 7.000 tỷ làm cao tốc: 'Ai ăn bánh thì trả tiền'
►Vay Trung Quốc 7.000 tỷ làm cao tốc Vân Đồn – Móng Cái?
UBND tỉnh Quảng Ninh vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị được tiếp tục giữ thẩm quyền đầu tư dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, không dựa vào nguồn vốn vay gần 7.000 tỷ đồng từ Trung Quốc. Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cho hay, đã có nhà đầu tư trong nước đưa ra phương án đầu tư dự án này theo hình thức hợp tác công tư.
Phóng viên VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh xung quanh vấn đề này.
- Vì sao Quảng Ninh quyết định tự đầu tư dự án cao tốc Vân Đồn – Móng Cái mà không sử dụng nguồn vốn ODA từ Trung Quốc như kế hoạch của Bộ Giao thông vận tải đề xuất, thưa ông?
Ông Nguyễn Đức Long: Thứ nhất, theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, con đường này phải hoàn thành trong quy hoạch giai đoạn đến năm 2020. Tất cả đường cao tốc từ Hà Nội đi Hải Phòng, nối ra đến Quảng Ninh hết năm 2017 sẽ xong. Còn lại đoạn từ Vân Đồn - Móng Cái phải tập trung đầu tư để sớm hoàn thành đồng bộ kết nối toàn bộ tuyến cao tốc này với cửa khẩu quốc tế Móng Cái.
Ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh
Mặt khác, con đường cao tốc này đi qua Vân Đồn sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành một đặc khu kinh tế Vân Đồn trong tương lai. Hiện nay, Quảng Ninh đang đề nghị Trung ương sớm công nhận Vân Đồn là khu kinh tế đặc biệt. Trong khu kinh tế Vân Đồn, cảng hàng không đang được đầu tư và Quảng Ninh cũng đang chờ Chính phủ cho phép đầu tư khu phức tạp có casino ở Vân Đồn. Do vậy, con đường này có tầm quan trọng rất lớn và hiện nay cần đẩy nhanh tiến độ triển khai.
Hiện nay có một số nhà đầu tư trong nước đã quan tâm đến việc đầu tư con đường này. Các nhà đầu tư đã đến báo cáo và tỉnh đang xem xét. Các nhà đầu tư đưa ra phương án cho thấy con đường này hoàn toàn có thể huy động nguồn lực theo hình thức hợp tác công tư. Ngân sách chỉ cần bỏ ra một khoản vốn đối ứng để giải phóng mặt bằng và một số việc khác. Còn nhà đầu tư sẽ đầu tư con đường 4 làn xe.
Từ bài toán kinh tế này, chúng tôi đang hoàn chỉnh phương án đầu tư dự án, khả năng huy động với tỷ lệ 70-30, tức nhà đầu tư bỏ ra 70% vốn, còn ngân sách bỏ ra 30%. Tính khả thi của dự án là rất cao.
Trước đây, trong quan hệ Chính phủ 2 nước, có đặt vấn đề vay 300 triệu USD cho cao tốc Vân Đồn - Móng Cái bằng nguồn vốn ưu đãi của Trung Quốc. Tổng vốn đầu tư con đường này dự kiến là 16 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 800 triệu USD. Như vậy có vay 300 triệu USD cũng không đủ để đầu tư.
Ngoài ra, để vay 300 triệu USD này nếu phía Trung Quốc đưa ra các điều kiện về nhà thầu của Trung Quốc hay điều này điều kia thì rất khó khăn. Trong khi các nhà đầu tư trong nước hoàn toàn có khả năng làm con đường này.
Cho nên, tỉnh Quảng Ninh đã làm việc với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trương Quang Nghĩa để tỉnh tiếp tục là cơ quan nhà nước có thẩm quyền kêu gọi đầu tư cho dự án. Thẩm quyền này cũng đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh Quảng Ninh trước đây.
Câu chuyện là như vậy, với mục tiêu là huy động nguồn lực để sớm triển khai con đường này.
Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 18, đoạn Hạ Long - Mông Dương. Ảnh: báo Quảng Ninh
- Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã có dự án đường bộ nào sử dụng nguồn vốn ODA của Trung Quốc chưa, thưa ông?
Chưa. Hiện Quảng Ninh chưa có dự án nào sử dụng vốn ODA Trung Quốc. Quảng Ninh đang huy động nguồn vốn BOT trong nước cho Dự án cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến và đường nối TP. Hạ Long với cầu Bạch Đằng. Nguồn vốn BOT của các liên danh trong nước là khoảng 7.300 tỷ, đang triển khai tích cực. Đến giữa 2017 sẽ xong.
Dự án xây dựng tuyến đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 18 đoạn Hạ Long - Mông Dương cũng được đầu tư bằng hình thức BOT. Tổng vốn của nhà đầu tư là khoảng 10.000 tỷ đồng, phần giải phóng mặt bằng do ngân sách tỉnh chi trả.
Đoạn còn lại Vân Đồn - Móng Cái như đã nói ở trên hoàn toàn có thể để các nhà đầu tư trong nước triển khai được, có tính khả thi cao.
- Hồi đầu năm Quảng Ninh cũng đã đồng ý giao thẩm quyền đầu tư dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái cho Bộ GTVT. Tại sao bây giờ Quảng Ninh lại muốn được trao thẩm quyền đầu tư dự án này, thưa ông?
Lúc đó chúng ta đi theo hướng vay Trung Quốc để đầu tư dự án. Sau khi Chính phủ hai nước thống nhất với nhau là có khoản vay 300 triệu USD thì Bộ trưởng Bộ GTVT khi đó đã đề nghị Thủ tướng giao quyết định đầu tư dự án bằng nguồn vốn ODA này về cho Bộ. Anh Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ GTVT lúc đó đã đề nghị như thế. Khi ấy về phía tỉnh đã có văn bản ủng hộ.
Nhưng gần đây, quá trình làm việc với Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa và xuất phát từ tình hình thực tế hiện nay có nhà đầu tư trong nước có thể làm được, cho nên Quảng Ninh cũng đã thống nhất với Bộ trưởng Nghĩa là sẽ kêu gọi nguồn vốn BOT cho dự án này.
Sau khi làm việc với Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản báo cáo lại với Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ GTVT tiếp tục để tỉnh Quảng Ninh là cơ quan nhà nước có thẩm quyền kêu gọi các nhà đầu tư tham gia dự án.
Xin cảm ơn ông!
Tác giả bài viết: Lương Bằng