Sinh viên mất ăn, mất ngủ vì ngoại ngữ
Một trong những thực trạng đáng lo ngại hiện nay đối với giáo dục hệ Đại học là tình trạng sinh viên thiếu kiến thức Tiếng anh cơ bản cũng như chuyên ngành đang chiếm tỉ lệ rất cao.
Số liệu khảo sát tại 18 trường ĐH ở Việt Nam cho thấy điểm bình quân sinh viên năm nhất dao động ở mức 220-245/990 điểm TOEIC, và với mức điểm này sinh viên cần khoảng 360 giờ đào tạo (480 tiết) để đạt được 450-500 điểm TOEIC - mức điểm mà rất nhiều doanh nghiệp đang coi là mức tối thiểu để họ chấp nhận hồ sơ.
Tuy nhiên, theo số liệu khảo sát của Vụ Giáo dục ĐH, thường các trường chỉ có khoảng 225 tiết học tiếng Anh cho sinh viên. Với lượng thời gian ngắn không đủ để giáo viên, sinh viên giảng dạy và tiếp thu đầy đủ cả 4 kĩ năng nghe, nói, đọc, viết hơn nữa số lượng sinh viên trong một lớp lại đông.
Theo thống kê của Bộ Lao động thương binh và xã hội, mỗi năm Việt Nam cho ra lò khoảng 400.000 cử nhân, nhưng cứ 10 người thì có tới 6 người thiếu kỹ năng và tiếng Anh. Số đông sinh viên ra trường không thể giao tiếp ngoại ngữ do không có những kiến thức cơ bản về câu, từ.
Một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng chỉ rõ, trình độ tiếng Anh và thiếu các kỹ năng mềm khiến sinh viên Việt thường thất thế trong các buổi phỏng vấn. Bên cạnh đó, các nhóm kĩ năng cần thiết cũng chưa được trang bị đầy đủ cho sinh viên Việt.
Người sử dụng lao động Việt Nam nhận thấy sự yếu kém đặc biệt nghiêm trọng trong kĩ năng giao tiếp và tiếng Anh cũng như kiến thức thực tế trong công việc của một sinh viên mới ra trường. Đây là một nguyên nhân chính khiến số cử nhân thất nghiệp ở Việt Nam cao.
Nỗi buồn đề án ngoại ngữ gần 9.400 tỷ
Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 được phê duyệt năm 2008. Mục tiêu là đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong các trường, để "đến năm 2020, đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và đại học có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hóa, biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người dân Việt Nam".
Đề án có tổng kinh phí gần 9.400 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2008-2010 là 1.000 tỷ đồng, giai đoạn 2011-2015 gần 4.400 tỷ đồng, giai đoạn 2016-2020 khoảng 4.000 tỷ đồng.
Tuy vậy, sau 8 năm thực hiện, đến nay đề án tiêu tốn khoản tiền khá lớn nhưng chưa đạt được kết quả mong muốn.
Số giáo viên đạt chuẩn của nhiều địa phương còn thấp hơn nhiều. Như Cao Bằng hiện chỉ có 86 giáo viên tiếng Anh trong khi có 275 trường. Nhiều tỉnh khác rơi vào hoàn cảnh tương tự, như Hà Giang, Bắc Kạn, Lào Cai, Sơn La, Hòa Bình, Hà Tĩnh, Kon Tum, Khánh Hòa...
Trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội sáng 16/11, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng khẳng định đề án dạy ngoại ngữ không đạt mục tiêu. Bộ trưởng Nhạ thẳng thắn nhận trách nhiệm, đồng thời cho biết, đang rà soát, điều chỉnh cách tiếp cận, sau đó mới đến mục tiêu, làm sao để chương trình nội dung phải thống nhất, trong đó chú ý đào tạo đội ngũ giáo viên.
6 nhiệm vụ của Đề án dạy và học ngoại ngữ giai đoạn 2016-2020: - Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ theo chương trình 7 năm hiện hành (từ lớp 6 đến hết lớp 12); triển khai chương trình tiếng Anh mới của giáo dục phổ thông, đến năm học 2020-2021, 100% học sinh lớp 3 tiểu học, 70% học sinh 6 THCS và 60% học sinh lớp 10 THPT được học chương trình mới (10 năm). Đến năm 2025, phổ cập tiếng Anh trong trường phổ thông các cấp. - Tăng cường môn ngoại ngữ đối với giáo dục nghề nghiệp. Đến năm 2020, 60% học sinh trường trung cấp, 100% sinh viên trường cao đẳng và tới năm 2025 có 90% học sinh trường trung cấp đạt trình độ bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc Việt Nam và có thể sử dụng tiếng Anh trong việc làm. - Nâng cao ngoại ngữ trường chuyên và không chuyên. Đến năm 2018-2019, 100% các đại học triển khai đào tạo chương trình tiếng Anh tăng cường; 100% sinh viên chuyên ngữ tốt nghiệp đạt chuẩn (bậc 5 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam). Đến năm 202070% sinh viên không chuyên ngữ và đến năm 2025, 100% sinh viên không chuyên ngữ đạt chuẩn đầu ra khi tốt nghiệp (bậc 3). - Đổi mới dạy, học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục thường xuyên, đến năm 2020, 50% người học đạt chuẩn đầu ra; đến năm 2025, 100% người học đạt chuẩn đầu ra theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. - Nâng cao ngoại ngữ cho nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ, viên chức trong các cơ quan nhà nước. Phấn đấu vào năm 2020: 40% cán bộ, công chức, viên chức nói chung có trình độ ngoại ngữ bậc 2 và 20% có trình độ bậc 3. Đến năm 2025, đạt tỷ lệ tương ứng là 60% và 40% . - Tiếp tục dạy và học các ngoại ngữ khác ngoài tiếng Anh như ngoại ngữ 1 và triển khai thí điểm việc dạy và học ngoại ngữ 2 trong hệ thống giáo dục quốc dân. |
Tác giả bài viết: Châu Anh
Nguồn tin: