Trong tỉnh

5 nhà đầu tư muốn làm dự án điện khí hơn 2 tỷ USD ở Nghệ An

Tỉnh Nghệ An sẽ dùng 210 ha đất tại thị xã Hoàng Mai để thực hiện dự án Nhà máy điện khí LNG Quỳnh Lập với tổng mức đầu tư 2,15 tỷ USD.

Vị trí triển khai dự án Nhà máy Nhiệt điện khí LNG Quỳnh Lập. Ảnh: Đoàn ĐBND tỉnh Nghệ An

Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An vừa có tờ trình HĐND tỉnh thông qua danh mục khu đất thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Nhà máy điện khí LNG Quỳnh Lập.

Khu đất thực hiện dự án Nhà máy điện khí LNG Quỳnh Lập có tổng diện tích sử dụng đất 210 ha, trong đó diện tích sử dụng đất khoảng 60 ha, diện tích sử dụng mặt nước khoảng 150 ha. Khu vực triển khai dự án tại các thôn Đồng Minh và Đồng Thanh, xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An.

UBND tỉnh Nghệ An cho biết, dự kiến thủ tục chấp thuận nhà đầu tư sẽ hoàn thành trong Quý I – Quý II/2025. Sau đó sẽ tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An thông tin, đến hết ngày 5/10/2025 sở này đã nhận 5 bộ hồ sơ của 5 Nhà đầu tư gồm: Liên danh Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP; Công ty TNHH Mía đường Nghệ An và SK E&S CO.,LTD., liên danh này có nhu cầu sử dụng mặt đất, mặt nước là 332,28 ha (gồm: diện tích đất 59,75 ha; diện tích mặt nước 272,53 ha);

Tổng công ty Phát điện 1 (thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam), có nhu cầu sử dụng mặt đất, mặt nước là 260 ha (gồm: diện tích đất 60 ha; diện tích mặt nước 200 ha).;

Công ty POSO International (Hàn Quốc) và CTCP đầu tư xây dựng Trung Nam, có nhu cầu sử dụng mặt đất, mặt nước là 345,3 ha (gồm: diện tích đất 95,55 ha; diện tích mặt nước 249,75 ha);

Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản), có nhu cầu sử dụng mặt đất, mặt nước là 182,63 ha (gồm: diện tích đất 65,6 ha; diện tích mặt nước 117,13 ha);

Liên danh CTCP Đầu tư năng lượng Bamboo Việt Thành và Gulf Petroleum Limited (Qatar), có nhu cầu sử dụng mặt đất, mặt nước là 175,9 ha (gồm: diện tích đất 57,9 ha; diện tích mặt nước 118 ha.

Được biết, sau khi HĐND tỉnh Nghệ An thông qua danh mục khu đất thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án LNG Quỳnh Lập, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo theo như công bố danh mục khu đất thực hiện đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư; thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư dự án.

Trung tâm Nhiệt điện Quỳnh Lập được Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch trên diện tích quy hoạch 283ha, quy mô 2.400MW thuộc huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An từ năm 2009.

Dự án được đầu tư theo 2 giai đoạn: Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1 và Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 2. Giai đoạn 1 có tổng mức vốn đăng ký khoảng 2,2 tỷ USD, công suất 1.200MW do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam làm chủ đầu tư.

Năm 2015, dự án được khởi công xây dựng, nhưng "treo" trong suốt thời gian dài không triển khai. Dự án sau đó được UBND tỉnh Nghệ An đề nghị Chính phủ cho phép dừng thực hiện để chuyển thành dự án Nhiệt điện khí LNG.

Dự án Nhà máy điện khí LNG Quỳnh Lập dự kiến có công suất 1.500 MW (gồm 2 tổ máy x 750MW). Dự án có quy mô gồm, nhà máy điện khí (gồm: nhà máy điện khí, sân phân phối 500 kV để truyền tải điện, các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhà máy điện), hệ thống bến cảng cho tàu khoảng 100.000 - 150.000 DWT, kho khí LNG và hệ thống tái hóa khí. Dự án có nhu cầu nhiên liệu nhập khẩu khí LNG khoảng 1,15 triệu tấn/năm.

Nhà máy điện khí LNG Quỳnh Lập được xem là một trong các dự án nguồn điện quan trọng, ưu tiên thuộc danh mục kèm theo Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) và Quyết định số 262/QĐ-TTg ngày 1/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII. Dự án dự kiến đưa vào vận hành thương mại giai đoạn trước năm 2030.

Tác giả: Văn Dũng

Nguồn tin: nhadautu.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP