Ủng hộ phạt nặng
Ngày đầu tiên ra quân xử phạt lỗi nồng độ cồn (16/8), Phòng CSGT (PC67), Công an TP Hà Nội đã xử phạt một tài xế mức 17 triệu đồng, tạm giữ ô tô 7 ngày, tước bằng 5 tháng.
Sau khi thông tin này được đăng tải, nhiều độc giả đã lên tiếng bày tỏ sự ủng hộ, phạt thật nặng người uống rượu bia lái xe để đảm bảo an toàn giao thông.
Bạn Thân Đức Quyên viết: "Tôi rất ủng hộ việc xử phạt này. Tôi mong rằng, những nhà làm luật, các sở ban ngành cần mở rộng các địa bàn quận huyện xã, làm mạnh tay, đảm bảo sau 1 năm TNGT sẽ giảm đáng kể".
Tài xế Nguyễn Văn Nam (SN 1963, ở Thanh Trì, Hà Nội) sau khi uống 2 ly bia trên đường Lê Văn Lương trưa 16/8 và lái xe ra khỏi quán thì bị lực lượng chức năng kiểm tra và phạt 17 triệu. Ảnh: Phạm Hải
Bạn Long Le cũng tin tưởng rằng, với mức chế tài mạnh như vậy sẽ hạn chế tình trạng vi phạm của người tham gia giao thông và góp phần kéo giảm tai nạn.
"Tôi ngán mức phạt này. Biện pháp này giúp giảm TNGT thì tốt quá. Thú thực rượu bia xong chẳng làm chủ được tay lái, hôm sau chẳng nhớ ai đưa về, ai đưa xe về cho mình" - một bạn đọc chia sẻ.
Bạn Trần Gia ý kiến, phạt nặng như thế là đúng và cần phải làm thường xuyên, ngày cũng như tối, như thế dần dần mới giảm tệ nạn xã hội cũng như giảm TNGT.
"Đã uống bia rượu thì bất kỳ lý do gì cũng bị xử lý, không có ngoại lệ. Nhân dân mong đợi công an thực thi quyết liệt để trả lại cho cuộc sống sự bình yên và hạnh phúc" - bạn Xuân Tiếp viết.
Còn bạn Nguyễn Tiến Phương Nam thẳng thắn: "Thôi đừng bàn nữa, có rượu xong, lái xe, gây tai nạn cho người vô tội... tàn nhẫn lắm. Phạt như vậy là đúng, chúng tôi tán thành!".
Bạn Quyên cũng kiến nghị, cần xử phạt nghiêm đối với người đi xe máy, vừa chạy xe vừa nghe điện thoại và lướt facebook.
"Phạt từ 1-5 triệu, làm ngay bây giờ vì ý thức người dân tham gia giao thông rất thấp".
Phạt! Không nhắc nhở
Độc giả cũng tranh luận với nhau khá sôi nổi. Một ý kiến nhận được hàng trăm lượt like và hàng chục phản hồi là của bạn Người dân: "Thay vì hoá trang rồi thông tin để phạt, anh em CSGT nhắc nhở người lái xe ngay tại quán nhậu trước khi lên xe xem ra hợp lý hơn. Là ngăn chặn hay để sai rồi phạt?".
CSGT kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện giao thông trưa 17/8. Ảnh: Phạm Hải
Bạn Nguyen Anh bày tỏ: "Nhắc nhở ăn thua gì. Hút thuốc lá có hại sức khỏe in trên nhãn sờ sờ còn không ăn ai. Tôi ủng hộ cứ phạt thật nặng".
Bạn Hoangphong đồng tình: "Khi lái xe quay lại vừa say men cộng với tâm lý bị CSGT kiểm tra, tư tưởng không ổn định thế là tông luôn vào người đi đường... Thôi không bao biện bác ạ, cứ phạt nghiêm lần sau nhớ".
Bạn Thainh cũng đặt vấn đề, để nhắc nhở người lái xe ngay tại quán nhậu thì cần bao nhiêu cảnh sát để rải khắp.
"Ai cũng biết uống say rượu bia mà lái xe sẽ bị xử phạt rồi nên không cần có CSGT đi nhắc nhở như ý bạn. Không có đủ người đi từng bàn bia để nhắc từng người, chủ yếu phải tạo thói quen không uống rượu bia trước khi lái xe" - bạn Xuan Binh Duong thẳng thắn.
Một bạn đọc cũng bày tỏ sự đồng tình, thậm chí còn yêu cầu tất cả các tỉnh thành lắp thật nhiều camera để phạt nguội mới ngăn chặn và đẩy lùi TNGT.
Bạn Doban lại băn khoăn, tai nạn liên quan đến rượu bia được bao nhiêu phần trăm.
"Chỉ đi giải quyết ngọn mà không tính đến phương pháp. Trước tiên thì nên đào tạo ý thức cho mọi người tham gia giao thông và xây dựng cơ sở hạ tầng thật tốt; tiếp đó là việc phát triển xe công cộng để từ đó hạn chế sử dụng xe máy vì tỷ lệ xe máy của ta là quá lớn" - bạn Doban viết.
Tuy nhiên, bạn quangtru thẳng thắn: "Luật cấm uống rượu bia khi lái xe, CSGT thực thi thì bạn không đồng ý, để xảy ra tai nạn chết người thì bạn nghĩ sao?".
Bị phạt 1,5 triệu đồng, ông Nguyễn Văn Ngọc (43 tuổi, ở Mê Linh, Hà Nội) "giật mình" vì không nghĩ phạt cao đến thế. Ảnh: Phạm Hải
Bạn Van Tho bộc bạch, mức phạt bao nhiêu không quan trọng, mà quan trọng là CSGT đừng lợi dụng mức phạt cao để tư lợi.
Bất cập trong thổi phạt
Bạn Hoang Vinh chia sẻ câu chuyện của bản thân: "Tôi ủng hộ, nhưng phải có cụ thể ở những trường hợp nồng độ rất thấp.
Bản thân tôi gần như không uống rượu bia, nếu có công việc cũng chỉ một chút ít. Có lần tôi đi tiếp khách về đến trạm 19 Việt Trì (Phú Thọ) thì bị dừng xe và thổi cồn. Máy đo báo là nồng độ 0,026ml/1 lít khí thở. Tôi bị lập biên bản và phạt 1,5 triệu đồng.
Tôi thấy với nồng độ này rất nhỏ vì tôi chỉ uống khoảng 1 ly thì không thể gây nguy hiểm được, vậy mà vẫn phạt, tôi cảm thấy còn bất cập trong việc thổi phạt".
Theo nhiều ý kiến, Việt Nam muốn lấy lại hình ảnh đẹp từ bạn bè thế giới thì phải bắt đầu từ chuyện đi lại trên đường.
Tác giả bài viết: Đức Bảo