Kinh tế

Đã có 3 ngân hàng cam kết cho Vietnam Airlines vay 4.000 tỷ đồng

Đến nay đã có 3 tổ chức tín dụng là SeABank, MSB và SHB cam kết tài trợ cho vay Vietnam Airlines với tổng số tiền là 4.000 tỷ đồng từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước.

Dự kiến giải ngân trong cuối tháng 6, đầu tháng 7

Sáng nay (21/6), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm.

Chia sẻ tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN, cho biết, đối với chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines (VNA), đến nay đã có 3 tổ chức tín dụng là SeABank, MSB và SHB cam kết tài trợ cho VNA vay với tổng số tiền là 4.000 tỷ đồng từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước.

Các tổ chức tín dụng và VNA đang tích cực triển khai các thủ tục đàm phán thống nhất ký kết hợp đồng tín dụng để sớm giải ngân dự kiến trong cuối tháng 6, đầu tháng 7 tới.

Trước đó, thông tin từ Dự thảo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho hay, số lỗ của Vietnam Airlines của quý I sẽ ở mức 4.800 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm có thể lên đến 10.000 tỷ đồng.

Hiện tại số nợ phải trả quá hạn đạt tới 6.240 tỷ đồng và đang rơi vào trạng thái cực kỳ khó khăn, bên bờ vực phá sản trong khi các ngân hàng thương mại chưa nhìn thấy gói giải cứu 12.000 tỷ đồng của Chính phủ nên không cho Vietnam Airlines giải ngân tiếp hoặc không gia hạn hoặc cấp tiếp hạn mức tín dụng.

Thanh khoản hệ thống ngân hàng hết sức dồi dào

Chủ trì cuộc họp báo, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, tính đến 15/6, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng gần 4% so với cuối năm 2020 và tăng hơn 14 so với cùng kỳ năm 2020.

"Thanh khoản của hệ thống hết sức dồi dào, NHNN tiếp tục điều hành nghiệp vụ thị trường mở chủ động, linh hoạt", Phó Thống đốc cho hay.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú đã chia sẻ nhiều thông tin về điều hành chính sách tín dụng 6 tháng qua.

Cũng tính đến 15/6, tín dụng toàn nền kinh tế tăng hơn 5% so với cuối năm 2020 (cùng kỳ năm 2020 tăng 2,26%). Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tháng 4 giảm khoảng 0,3%/năm so với tháng 12/2020. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND thuộc một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm. Lãi suất cho vay USD bình quân ở mức 3-6%/năm.

Tại cuộc họp báo, đại diện NHNN cho biết, tính đến 31/5, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 257.602 khách hàng với dư nợ 336.663 tỷ đồng; Miễn, giảm, hạ lãi suất cho 676.690 khách hàng với dư nợ hơn 1,27 triệu tỷ đồng tỷ đồng; Cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đến nay đạt hơn 3,5 triệu tỷ đồng với 480.839 khách hàng.

Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đến 31/5 đã thực hiện gia hạn nợ cho 174.871 khách hàng với dư nợ 4.363 tỷ đồng, cho vay mới đối với hơn 3 triệu khách hàng với số tiền 111.256 tỷ đồng.

Theo Phó Thống đốc, từ nay đến cuối năm, NHNN tiếp tục theo dõi, đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến khả năng hoàn thành các mục tiêu tại Phương án cơ cấu lại của các tổ chức tín dụng cũng như đến an toàn hệ thống để đề xuất các giải pháp chỉ đạo, xử lý phù hợp; chỉ đạo các ngân hàng tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng, trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định pháp luật, tích cực triển khai các biện pháp kiểm soát và hạn chế nợ xấu phát sinh nhằm đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng về mức an toàn...

"Việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng được gắn với chiến lược phát triển riêng của ngành ngân hàng và sự phát triển chung của nền kinh tế. Thời gian tới khi được phê duyệt nội dung đề án tái cơ cấu, chúng tôi sẽ công bố với báo chí", Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Tác giả: Nguyễn Hiền

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP