Pháp luật

Cựu sếp giáo dục Sơn La đối chất nảy lửa với cấp dưới tại phiên tòa

Bị cáo Trần Xuân Yến (cựu Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La) và Nguyễn Thị Hồng Nga (cựu chuyên viên Phòng khảo thí) có cuộc đối chất "tay đôi" để làm rõ các tình tiết trong vụ án sửa, nâng điểm kỳ thi THPT quốc gia 2018.

Cựu Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La - Trần Xuân Yến (ở giữa) tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: P.Du.

Cuộc đối chất giữa hai bị cáo diễn ra trong ngày thứ 4 (24.5) phiên tòa sơ thẩm vụ án gian lận điểm thi do TAND tỉnh Sơn La đang xét xử.

Trước bục khai báo, bị cáo Yến hỏi: Việc lập biên bản mở niêm phong bài thi được thực hiện theo quy định nào?; "Nếu phát hiện các bài thi bị cắt thiếu, lệch form thì có thể mở lại túi niêm phong bài thi đó để chỉnh. Sau khi niêm phong các bài thi phát hiện bài thi có vấn đề thì sẽ tiến hành mở niêm phong", bị cáo Nga đáp.

Bị cáo Nga còn nói thêm, hằng năm vẫn làm như thế và “sếp” Yến cũng dặn làm như thế. Bị cáo Yến đáp lại rằng, Nga trả lời "chưa đúng ý" mình. Song tòa ngắt, bị cáo không được yêu cầu người khác trả lời theo ý mình.

Tiếp tục đối đáp, bị cáo Nga hỏi: Trước ngày 4.7.2018, nếu bài thi có bị mờ, hỏng thì liệu có phải mở túi niêm phong bài thi ra để xem lại hay không?".

Bị cáo Yến đáp: Việc lập biên bản niêm phong lô bài thi, thực hiện vào ngày 4.7, sau khi làm xong 2 pha (pha 1 quét ảnh bài thi, pha 2 đọc ảnh). Sau khi đọc xong ảnh thì phần mềm đã nhận được toàn bộ phiếu trả lời trắc nghiệm. Như vậy, sau khi làm xong pha thứ 2 thì sau này không cần phải mở lại niêm phong lô bài thi nữa.

Nga tiếp tục hỏi: Vậy sau khi quét xong lô bài thi đến ngày 4.7.2018, có cần phải mở lại niêm phong túi bài thi hay không?

Bị cáo Yến đáp: Sau ngày 4.7, vì tất cả ảnh của phiếu trắc nghiệm đã xác định không bị lỗi hay có vấn đề gì thì mới được niêm phong. Chính vì vậy, sau ngày 4.7.2018 không phải mở túi bài thi trắc nghiệm.

Theo bị cáo, việc thực hiện công đoạn này do chính Nga và bị cáo Đặng Hữu Thủy (cựu cán bộ Sở GD&ĐT) cùng thực hiện nên sau khi xong pha thứ 2 thì không cần phải mở niêm phong bài thi nữa.

Bị cáo Nga tiếp tục hỏi: Vậy hàng năm vào thời điểm đó, nếu phát hiện có lỗi trong các bài thi thì có cần mở lại túi bài thi không?

Bị cáo Yến đáp: Các năm trước, tôi đã thực hiện việc làm Tổ trưởng tổ chấm thi trắc nghiệm, năm 2017, về quy trình cũng thực hiện giống 2018. Sau khi làm pha thứ 2 xong thì tôi chỉ đạo không mở niêm phong bài thi trong quá trình kiểm dò.

Theo Yến, tại pha thứ 2 trong phần xử lý bài thi trắc nghiệm, trong công văn 991 đã nêu rõ, xử lý ảnh đọc các thông tin trong bài thi như mã đề, số báo danh đều ổn, ảnh phải rõ nét rồi mới niêm phong bài thi.

Nga tiếp tục hỏi: Vậy việc kiểm dò nhằm mục đích gì? Yến trả lời: việc sửa lỗi các bài thi cho thí sinh tại pha thứ 2 là phải làm xong rồi.

Bị cáo Nga nói: Khi kiểm dò chính là giai đoạn phát hiện phiếu bài thi có vấn đề. Khi đó có phải mở phiếu bài thi hay không? Nếu phát hiện phiếu bài thi bị nhoè mờ không dọc được ảnh thì phải làm sao?".

Yến trả lời: Bị cáo đã trích dẫn rằng, tại pha thứ 2 ghi rõ xử lý ảnh, tức là không còn mờ nữa.

Nga giải thích, tại pha 2 thực chất là đưa bài thi vào quét khi nhận đủ bài thi, chứ chưa đến giai đoạn kiểm dò. Nga cho rằng, theo Bộ GD&ĐT là sau khi gửi bản gốc về thì mới tiến hành kiểm dò.

Chiều nay tòa tiếp tục làm việc.

Tác giả: VIỆT DŨNG

Nguồn tin: Báo Lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP