Pháp luật

Xử phúc thẩm Đinh La Thăng: Nỗi buồn của nguyên Phó TGD PVC

Ngày 8/5, phiên tòa xét xử phúc thẩm bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm tiếp tục với phần thẩm vấn.

Bản án sơ thẩm cho rằng, theo đạo của Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận (nguyên TGĐ PVC), bị cáo Nguyễn Anh Minh với cương vị Phó TGĐ PVC đã chỉ đạo cấp dưới lập khống hồ sơ rút tiền từ Ban điều hành dự án Vũng Áng-Quảng Trạch để chia nhau sử dụng cá nhân.

Bản án sơ thẩm phạt nguyên Phó TGĐ PVC 16 năm tù, cấm đảm nhiệm các chức vụ liên quan đến quản lý DN, tài chính trong các tổ chức kinh tế nhà nước 5 năm sau khi chấp hành xong hình phạt tù. Sau bản án sơ thẩm, bị cáo Minh kháng cáo xin giảm nhẹ tội.

Bị cáo Nguyễn Anh Minh trả lời thẩm vấn tại tòa.

Trả lời thẩm vấn tại tòa, bị cáo Minh cho rằng mình chỉ thực hiện chỉ đạo của Thanh và Thuận. Đối với những chỉ đạo mà Minh buộc cấp dưới phải làm, bị cáo xin nhận và thấy việc này là nghiêm trọng.

Bị cáo Minh khai: Khi anh Thanh và anh Thuận chỉ đạo rút 5 tỷ về đi lễ tết, bị cáo chỉ chuyển 4 tỷ, giữ lại 1 tỷ vì anh Thanh nói bị cáo giúp anh đi lễ tết. Bị cáo đã lên xin ý kiến anh Thuận. Còn anh Thanh thì nói: "Mày cầm lấy 1 tỷ đi lễ tết giúp cho anh, anh phải đi công tác". Bị cáo mong được xem xét tình tiết giảm nhẹ là đã khắc phục hậu quả.

"Sau khi tòa án cấp sơ thẩm tuyên án, trong thời gian bị tạm giam, bị cáo rất buồn và nặng nề. Bị cáo chỉ làm theo chỉ đạo của anh Thanh và Thuận, nhưng hình phạt cho bị cáo như thế, bị cáo thấy nặng nề", lời bị cáo Minh.

Sức ép tiến độ đẩy các bị cáo ngồi tù?

Theo bản án sơ thẩm, do không có năng lực thi công nên Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đã chậm 18 tháng so với tiến độ đã được Thủ tướng phê duyệt. Việc chậm tiến độ làm đội vốn công trình hàng nghìn tỷ đồng, lãi phát sinh đối với các khoản vay trong và ngoài nước mà hiện nay Nhà nước đang phải trả.

Nhiều máy móc, thiết bị đắp chiếu đã hết thời hạn bảo hành khi nhà máy chưa vận hành. Những tổn thất này chưa thể thống kê hết trong giai đoạn điều tra và sẽ tiếp tục phát sinh sau vụ án.

Sau khi ký Hợp đồng EPC số 33 và Hợp đồng EPC số 4194, dưới áp lực của Đinh La Thăng, PVC đã được tạm ứng số tiền hơn 6.607 USD và hơn 1.312 tỷ đồng. PVC đã dùng số tiền hơn 1.115 tỷ đồng không đúng mục đích.

Bị cáo Đinh La Thăng tại phiên tòa phúc thẩm.

Khoản tiền này, sau một thời gian mới được trả lại cho Ban quản lý dự án. Vì tiền đã được trả lại nên các luật sư, bị cáo xác cho là không gây hậu quả. Nhưng theo HĐXX cấp sơ thẩm, hơn 1.000 tỷ đồng của Nhà nước không thể tùy tiện mang cho PVC chi dùng trái phép.

Nếu tất cả các bộ, ngành đều tùy tiện sử dụng tiền và tạm ứng như vậy sẽ gây hỗn loạn cho nền kinh tế, còn việc trả lại chỉ là tình tiết xem xét làm giảm nhẹ chứ không phải là không có hậu quả.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Quốc Khánh (nguyên Phó TGĐ PVN) rút kháng cáo về phần trách nhiệm dân sự vì muốn muốn thể hiện tính chấp hành pháp luật. Đến nay, gia đình bị cáo đã khắc phục được 6 tỷ đồng. Theo lời khai của bị cáo Khánh, ông bị thúc ép về tiến độ nên hợp đồng chưa đủ điều kiện, vẫn đôn đốc ký.

Đến tòa với vai trò là người làm chứng, bị án Nguyễn xuân sơn (nguyên Phó TGD PVN) khai, dù hợp đồng 33 chưa đủ các điều kiện nhưng vẫn được ký vì tiến độ gấp rút.

Theo lời khai của ông Sơn, khi bị cáo Khánh và ông Đinh La Thăng làm việc với nhau có gọi ông ta lên. Ông Sơn nghe được việc ông Thăng chỉ đạo bị cáo Khánh phải đẩy nhanh tiến độ và phải lo nhanh việc đó vì đây là công trình trọng điểm quốc gia.

Tác giả: T.Nhung

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP