Ngay cả thời điểm thành phố dùng dằng cho - cấm - rồi lại cho dạy học thêm trong nhà trường thì tất cả mọi văn bản, mọi chỉ đạo vẫn một lòng kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp dạy thêm sai quy định.
Các văn bản hay các phát biểu chỉ đạo về vấn đề dạy thêm học thêm ở TPHCM đều nhấn mạnh việc xử lý nghiêm các trường hợp dạy thêm sai quy định
Ý chí chống dạy học thêm tiêu cực của lãnh đạo thể hiện mạnh mẽ đến mức trong chỉ đạo về tổ chức kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 vừa rồi, Sở GD-ĐT TPHCM vẫn lồng vào “nhắc” các Phòng Giáo dục, trường học: Đối với việc quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường, Sở yêu cầu các đơn vị tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm khắc các trường hợp dạy thêm không đúng quy định.
Rồi nào là Sở sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên và đột xuất tới các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố về việc chấp hành các qui định về dạy thêm, học thêm.
Không cần rông dài thì ai cũng hiểu hậu quả khủng khiếp của tình trạng dạy học thêm tràn lan như hiện nay, việc dạy thêm tiêu cực gây ra áp lực và sự bất mãn từ phụ huynh, học sinh. Trong sự bức bí đó, quyết tâm xử lý nghiêm các trường hợp dạy thêm không đúng quy định của lãnh đạo ngành quả rất ấm lòng.
Thời quan qua, không ít trường hợp dạy thêm sai quy định ở TPHCM liên tục được phát hiện. Việc giáo viên tổ chức dạy thêm tại nhà không phép diễn ra nhiều vô kể, rồi cả trường tiểu học ngang nhiên tổ chức dạy học thêm nhiều năm liền bất chấp lệnh cấm hay những lời cảnh cáo.
Vậy nhưng, đã trường hợp nào đã được xử lý theo cách dễ hiểu nhất của từ nghiêm?
Giáo viên tổ chức dạy thêm sai quy định tại nhà... (Ảnh minh họa)
Việc các giáo viên mở lớp dạy thêm tại nhà không phép hay tình trạng o ép học sinh đến học, sau khi bị phát hiện, các quản lý thừa nhận như vậy là sai, là vi phạm quy định. Nhưng rồi các sai phạm đều chỉ được xử lý bằng cách yêu cầu ngưng lớp dạy thêm học thêm, viết bản tường trình. Ghê gớm lắm thì nhắc nhở trước hội đồng sư phạm hay cắt thi đua năm học.
Phải nhắc đến trường hợp một giáo viên tiếng Anh ở quận Tân Bình tổ chức dạy thêm tại nhà sai quy định. Sự việc đã “rùm beng” khi thông tin cô giáo này bị nhà trường kỷ luật. Cô giáo thì bị sốc tâm lý, còn nhiều đồng nghiệp thì được dịp bày tỏ sự phẫn nộ, tổn thương… Đúng là có sự nhầm lẫn thật, cô giáo không hề bị kỷ luật mà nhà trường chỉ áp dụng hình thức xử lý là không xét thi đua năm học.
Hóa ra việc kỷ luật một giáo viên dạy thêm sai quy định có thể gây bức xúc, phẫn nộ cho đội ngũ như vậy, mặc cho các quy định quản lý đã nói rõ sẽ “xử lý nghiêm”.
Ngành giáo dục TPHCM cũng nhấn mạnh, hiệu trưởng nhà trường chịu trách nhiệm toàn diện về việc tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường. Đồng thời, hiệu trưởng nhà trường chịu trách nhiệm với cơ quan quản lý cấp trên về việc quản lý, giám sát giáo viên thuộc đơn vị mình tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.
Giáo viên đang dạy tại các trường công lập - chịu sự quản lý trực tiếp của hiệu trưởng - dạy thêm sai quy định nhan nhản… Nhưng đến nay vẫn chưa thấy hiệu trưởng nào phải “chịu trách nhiệm”?
Hay vi phạm về dạy thêm học thêm diễn ra ngay trong trường học thì cũng xử lý theo cách ngưng hoạt động kèm nhắc nhở
Ngay trường hợp một trường tiểu học ở quận 5 tổ chức dạy thêm công khai trong nhà trường nhiều năm nay. Đến khi báo chí lên tiếng thì lãnh đạo vào cuộc yêu cầu nhà trường phải ngưng ngay hoạt động sai phạm này. Và chỉ đến buổi sinh hoạt chuyên đề không liên quan thì Phòng Giáo dục mới “tranh thủ” luôn việc phê bình hiệu trưởng nọ.
Theo ý kiến của nhiều quản lý, dù ngành giáo dục giương cao quyết tâm chống dạy học thêm tiêu cực nhưng lại không có một hướng dẫn cụ thể nào từ Bộ hay từ Sở về hình thức xử lý cụ thể đối với trường hợp giáo viên vi phạm quy định dạy thêm. Chính vì vậy, các cấp bên dưới cũng rất lúng túng, phải cẩn trọng khi xử lý.
Bởi rõ ràng xử lý nghiêm - không phải là một hình thức xử lý cụ thể mà các trường có thể áp dụng. Chưa được thực hiện hóa thì thông điệp này chỉ là khẩu hiệu, hô hào.
Làm sai thì dừng - đó đang là cách xử lý về sai phạm trong dạy thêm, học thêm ở TPHCM và nhiều địa phương khác. Chúng ta đang xử lý tiêu cực trong dạy thêm, học thêm theo cách giơ cao mà chẳng đánh, xử lý trên giấy… Hỏi sao giáo viên không “nhờn” với việc vi phạm dạy thêm; hỏi sao học sinh không dễ thoát cảnh bị o ép phải học thêm.
Nói như một nhà giáo ở TPHCM, cứ xử lý cụ thể, xử lý nghiêm bằng hình thức rõ ràng một vài trường hợp dạy thêm sai quy định xem còn ai "nỡ" vi phạm?
Tác giả bài viết: Lê Đăng Đạt
Nguồn tin: