Xe

Xôn xao hình ảnh khoe "hack" số km đường trường khi học cấp bằng lái ô tô

Hình ảnh hàng loạt thiết bị được cho là máy đo đếm quãng đường của các xe tập lái đã gây xôn xao trên mạng xã hội và đặt ra câu hỏi liệu có gian lận trong việc học cấp Giấy phép lái xe.

Trên các diễn đàn, hội nhóm về ô tô đang lan truyền hình ảnh về một chiếc ô tô màu trắng, gắn bên trong rất nhiều thiết bị điện tử được cho là công cụ đo đếm quãng đường khi học lái xe. Theo đó, phía ghế sau của chiếc ô tô này đặt khoảng 8 thiết bị có màn hình hiển thị, nối lên nóc xe là 8 cục màu đen nghi là bộ thu nhận sóng hệ thống định vị GPS.

"810km đường trường để thi sát hạch? Đừng lo đã có thầy! Ơ thế là "hack" được thật hả", nội dung bài đăng đang gây xôn xao trên mạng xã hội.

Mạng xã hội đang xôn xao về hàng loạt thiết bị được cho là máy giám sát thời gian và quãng đường học lái xe được lắp trên một chiếc ô tô (Ảnh chụp màn hình).

Ngoài ra, một đoạn video dài khoảng 7 giây cũng ghi nhận cảnh tương tự. Ở khu vực phía trước của chiếc ô tô đặt ít nhất 4 thiết bị có màn hình hiển thị, kết nối dây chằng chịt. Một người cầm chiếc thẻ màu trắng trên tay, tiến hành quẹt và ngay sau đó âm thanh trong video phát ra có nội dung "đăng xuất giáo viên thành công".

Thông tin này nhanh chóng gây xôn xao trên mạng xã hội khi nhiều ý kiến cho rằng đây chính là thiết bị đo đếm, theo dõi quá trình học cấp Giấy phép lái xe ô tô (GPLX). Với việc lắp hàng loạt máy trên một chiếc ô tô, cộng đồng đặt dấu hỏi liệu đây có phải hình thức gian lận khi chỉ một người học nhưng sẽ hoàn thành bài cho tất cả những người còn lại.

Xôn xao hình ảnh khoe "hack" số km đường trường khi học cấp bằng lái ô tô (Video: TTL).

"Tôi từng học thế này rồi, đóng 3 triệu cho hơn 800 km. Mà mỗi lần chạy thế này thì thầy lại quẹt "ké" cho vài học viên khác. Mặc dù có camera và báo không nhận diện được khuôn mặt nhưng thiết bị vẫn ghi nhận số km bình thường", tài khoản Facebook có tên P.N bình luận phía dưới bài đăng.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng cần xác minh thêm hình ảnh trên bởi nhiều người cho biết họ cũng phải "trầy da tróc vẩy" mới hoàn thành được 810km học đường trường. "Cũng không loại trừ đó là quá trình kiểm tra thiết bị thôi. Ngày mình học là đi thật, học thật và lái thật đủ số km trên đường nên giờ lấy GPLX xong rất tự tin", nick A.T chia sẻ.

Việc áp dụng thiết bị DAT với mục đích cuối cùng là nâng cao chất lượng dạy và học lái xe (Ảnh: VietNamNet).

Từ giữa tháng 6/2022, thông tư 04/2022 của Bộ Giao thông vận tải quy định các xe ô tô tập lái đều phải lắp thiết bị giám sát thời gian và quãng đường (DAT). Học viên bắt buộc phải hoàn thành 24 giờ lái xe thực tế với quãng đường 710 km với giấy phép hạng B1 số tự động; còn hạng B2 và B1 số sàn phải chạy đủ tối thiểu 40 giờ với quãng đường 810 km.

Ngoài ra, từ ngày 1/1/2023, tất cả các trung tâm đào tạo lái xe ô tô sẽ phải đồng loạt tổ chức giảng dạy môn học lái ô tô trên cabin mô phỏng. Với bằng lái xe ô tô hạng B1, B2 và C, thời gian học lái xe trên cabin mô phỏng là 3 giờ/khóa học. Học viên học nâng hạng bằng lái xe ô tô sẽ học lái xe trên cabin mô phỏng 1 giờ (riêng học nâng hạng từ B1 tự động số lên B1 thì không phải học thực hành lái xe trên cabin mô phỏng).

Tác giả: Gia An

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP