Kinh tế

Vùng đất 'vô địch' biệt thự hoang, đô thị ma ở Hà Nội

Một loạt dự án được xếp vào dạng hàng "hot" như Văn Khê, Văn Phú, Dương Nội,... khi mở bán, người mua tranh nhau đấu giá đất với mức giá cao. Sự góp mặt của những đại gia bất động sản đã góp phần thay đổi diện mạo của Hà Đông, tuy nhiên 10 năm cũng kéo theo những hệ luỵ từ những cơn sốt nhà đất để lại.

Đi qua khu đô thị Văn Phú (Hà Đông), nhiều người lấy làm tiếc khi vẫn còn hàng trăm căn liền kề ở đây trong tình trạng cửa đóng then cài, nhuốm màu rêu phong. Được bàn giao nhà từ lâu nhưng những căn nhà tiền tỷ này vẫn không có người ở. Chỉ có những ngôi nhà mặt đường có người ở, càng đi sâu vào trong, tình trạng bỏ hoang diễn ra khá nhiều.

Mặc dù các căn biệt thự tại đây đã được hoàn thành và bàn giao cho khách hàng từ năm 2011, nhưng suốt nhiều năm qua, các căn biệt thự tại khu đô thị này vẫn trong tình trạng không người ở bị bỏ hoang, dần xuống cấp theo thời gian. Cách đây không lâu, một vụ nổ kinh hoàng đã xảy ra tại khu đô thị này khiến 5 người chết và 8 người bị thương.

Khu đô thị hoang vắng bóng người

Thời kỳ 2006, khi thị trường BĐS “sốt”, Văn Phú Invest bắt đầu xây dựng KĐT Văn Phú có quy mô 94ha. Khu đô thị này có tổng mức đầu tư 820 triệu USD, được thiết kế với không gian kiến trúc hiện đại, hệ thống cơ sở hạ tầng tiên tiến theo tiêu chuẩn đô thị loại 1.

Đã hơn 10 năm xây dựng xong, từ năm 2011 đến nay dự án khu đô thị mới Văn Phú dính nhiều tai tiếng, khiếu nại của người dân về chất lượng xuống cấp, nhếch nhác của khu đô thị này.

Một đại gia khác ở Hà Đông là Nam Cường với siêu dự án khu đô thị mới Dương Nội. Dự án Khu đô thị Dương Nội nằm tại đường Tố Hữu, Q. Hà Đông, TP. Hà Nội, diện tích quy hoạch 197ha. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng.

Các khu chức năng chính của dự án bao gồm: Khu phức hợp khách sạn, trung tâm thương mại, văn phòng, biệt thự và căn hộ cao cấp. Nhà đầu tư hướng tới dự án trở thành một khu đô thị sầm uất, văn minh, giàu văn hóa cộng đồng.

Biệt thự tiền tỷ bỏ hoang

Dù được khởi công từ năm 2008 nhưng tới nay, khu đô thị này vẫn chưa thể “cán đích”, phần lớn diện tích này hiện vẫn là những bãi đất trống, số biệt thự có người ở cũng lác đác.

Nguyên nhân lớn nhất khiến người dân đã mua nhà chưa chuyển về sinh sống cũng giống như các KĐT vắng bóng cư dân khác là do các điều kiện cơ sở hạ tầng mà chủ đầu tư đã hứa vẫn chưa được thực hiện.

Tương tự như vậy, Khu đô thị Geleximco Lê Trọng Tấn có tổng mức đầu tư 3.000 tỷ đồng của Công ty CP Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội, được quảng cáo rầm rộ là khu đô thị kiểu mẫu đẹp nhất khu vực Tây Bắc Hà Nội, nhưng sau nhiều năm, khu đô thị này vẫn bỏ hoang.

Theo quy hoạch của dự án, khu đô thị Geleximco Lê Trọng Tấn có diện tích 135 ha, bao gồm: nhà đa chức năng, siêu thị, sân golf, trường học, phòng khám đa khoa, khu tổ hợp thể dục, thể thao, nhà ở, biệt thự, chung cư. Tổng mức đầu tư 3.000 tỷ đồng.

Lác đác vài người tại những biệt thự chục tỷ

Trong hàng trăm ngôi nhà bỏ hoang, chỉ có lác đác vài căn nhà đang được chủ sở hữu đến hoàn thiện để ở. Một hộ dân tại đây cho biết, sở dĩ vắng vẻ như vậy do người mua chủ yếu để đầu cơ tích trữ. Đồng thời, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, điện nước phập phù, trường học không có nên người dân chưa thể về ở ngay.

Vỡ mộng lên đời

Điều đáng nói, những khu đô thị này từng tạo cơn sốt trên thị trường bất động sản Hà Đông. Sau khi sáp nhập về Hà Nội, thị trường bất động sản Hà Đông được đà khởi sắc bởi hàng loạt dự án được tiếp tục triển khai với quy mô lớn, hứa hẹn mang lại cho khu vực này một bộ mặt đô thị mới. Cùng với những điều kiện cơ sở hạ tầng, giao thông triển khai rầm rộ, các nhà đầu tư đã không bỏ qua mảnh đất màu mỡ này.

Một loạt dự án được xếp vào hàng "hot" như Văn Khê, Văn Phú, Dương Nội,...diễn ra hoạt động mua bán sôi nổi. Thời điểm mở bán, người mua tranh nhau đấu giá đất với mức giá cao với hy vọng đi trước, đón đầu.

Sau đó, thị trường bất động sản Hà Đông giảm giá, hàng loạt sàn giao dịch bất động sản, trung tâm môi giới đóng cửa, nhiều nhà đầu tư thứ cấp tháo chạy, không ít nhà đầu tư chưa kịp “sang tay” ngay đã phải “ngậm trái đắng”.

Theo khảo sát, hiện giao dịch tại các dự án này gần nhưng chững lại nguyên nhân chính là mức giá đã bị đẩy lên quá cao. Hiện những nhà đầu tư muốn thoát phải chịu cắt lỗ lên tới cả tỷ đồng.

So với các khu đô thị như Trung Hòa Nhân Chính, Mỹ Đình, quận Hà Đông vẫn bị chê là "nhà quê". Hầu hết người dân làm việc tại các khu vực trung tâm nên việc di chuyển từ Hà Đông là điều khó khăn. Tình trạng tắc đường diễn ra thường xuyên khiến không ít người dân chấp nhận sống chật chội ở các quận nội thành.

Thời gian tới, nếu thị trường không thể có sự thay đổi đặc biệt, giá biệt thự, nhà liền kề còn tiếp tục giảm, đặc biệt là ở những nơi có cơ sở hạ tầng và các tiện ích không được hoàn thiện đồng bộ.

Tác giả: Duy Anh

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP