Bức xúc của người dân
Những ngày cuối năm, một số hộ dân tập trung dưới chân đồi Động Eo (xóm 3B, xã Tăng Thành, huyện Yên Thành) để phản đối việc khai thác đất trái phép ở đây. Đồi Động Eo vốn là rừng bạch đàn được trồng xen kẽ giữa hàng nghìn ngôi mộ.
Năm 1993, UBND xã giao cho ông Trương Đăng Long (70 tuổi, xóm 3B), quản lý. Trong biên bản giao nhận đất lâm nghiệp giữa ông Long và chính quyền được lập vào năm 1998 nêu rõ “Trong quá trình tận thu lâm sản và kinh doanh kết hợp, không được gây hại đến tác dụng phòng hộ của rừng. Chỉ khai thác những cây già cỗi, sâu bệnh, không được chặt trắng….”.
Tuy nhiên, sau khi nhận đất lâm nghiệp, ông Long lại khai thác hết cánh rừng này để bán và không trồng rừng thay thế.
Khu đồi rộng hơn 10 ha bị khoét sâu, xẻ bán. Ảnh: Tiến Hùng |
Không chỉ chặt phá rừng, theo người dân địa phương, bắt đầu từ năm 2004, khi nhu cầu về đất để làm công trình giao thông, nhà cửa tăng cao, gia đình ông Long đã tự ý xẻ đồi bán đất, sỏi. Những năm gần đây, việc khai thác trái phép này do anh Trương Đăng Hải (41 tuổi, con trai ông Long) tiến hành. “Anh Hải sắm máy xúc để xẻ đồi cả ngày lẫn đêm, ầm ĩ cả thôn. Xe chạy làm hỏng hết cả đường, bụi bay mù mịt”, ông Trần Văn Chí (80 tuổi) xã Tăng Thành nói.
Không chỉ bán đất lâm nghiệp, việc khai thác trái phép còn ảnh hưởng đến đất đai, mồ mả của nhiều hộ dân. Theo người dân, rất nhiều ngôi mộ vô chủ đã bị máy xúc vùi lấp trong quá trình khai thác. Lo lắng về tình trạng này, hơn 10 dòng họ ở địa phương đã phải di dời hơn 100 ngôi mộ tổ tiên vốn đã được chôn cất ở đây hàng trăm năm. Hiện nay, đường lên đỉnh đồi đã không còn do máy xúc khoét những rãnh sâu, người dân muốn lên bốc mộ cũng phải thuê máy san ủi, mượn đường của nhà dân sát chân đồi.
“Ở xung quanh đây, chỉ còn người già ở nhà, thanh niên đi làm ăn xa hết nên không ai muốn làm căng khi bị động đến mồ mả. Những người già như chúng tôi lên tiếng họ cũng không thèm nghe…”, ông Chí than thở.
Đồi Động Eo thuộc xóm 3B (xã Tăng Thành, Yên Thành), có diện tích hơn 10 ha, cao hàng chục mét. Khu vực này trước đây vốn là rừng bạch đàn xen kẽ hàng nghìn ngôi mộ. Ảnh: Hùng Thảo |
Đứng bên cạnh khu mộ tổ tiên được xây dựng kiên cố nhưng giờ chỉ còn cách mép đất bị khai thác chưa đầy nửa mét, ông Phan Xuân Khương (70 tuổi, xóm 3B) cho biết, các hộ dân ở đây đã rất nhiều lần gửi đơn đến các cơ quan chức năng để phản ánh sự việc vẫn không được giải quyết.
“Chúng tôi chỉ có hai ông bà già ở nhà, nhưng quyết định sẽ không di dời mộ để cho họ khai thác trái phép như vậy. Con cái chúng tôi ở xa nhưng đều nói sẽ kiên quyết bảo vệ mồ mả, chấp nhận đụng độ”. Ông Khương cho rằng do gia đình ông Long có đến 3 người con đang làm cán bộ xã Tăng Thành nên UBND xã nhiều năm làm ngơ để gia đình ông này làm trái pháp luật.
Chính quyền ở đâu?
Đồi Động Eo có diện tích hơn 10 ha, đỉnh đồi cao hơn 30 mét. Qua quan sát, sau 13 năm bị khai thác trái phép, hiện nay hơn một nửa quả đồi đã bị xẻ, để lại những rãnh sâu hàng chục mét. Khu vực này như một công trường rộng lớn, nham nhở đất, đá. Nhiều ngôi mộ vừa được di dời, để lại những đống gạch vỡ ngổn ngang, một số khác thì đang đứng trước nguy cơ bị vùi lấp bất cứ lúc nào...
Được biết, hôm 23/11, vì quá bức xúc trước hành vi của gia đình ông Long, người dân địa phương đã trực tiếp gọi điện thoại tới Phòng Cảnh sát môi trường (PC 49, Công an tỉnh Nghệ An) để trình báo. Một tổ cảnh sát sau đó có mặt để lập biên bản xử phạt hành chính anh Trương Đăng Hải hơn 6 triệu đồng về hành vi khai thác khoáng sản trái phép, đồng thời thu giữ phương tiện là máy xúc. Tuy nhiên, theo người dân, chỉ ít ngày sau, họ lại thấy anh Hải mang máy xúc này về tiếp tục khai thác trái phép.
Việc khai thác trái phép cũng đã khiến nhiều ngôi mộ bị san lấp. Trong ảnh, khu lăng mộ tổ tiên của gia đình ông Phan Xuân Khương (70 tuổi), đứng trước nguy cơ bị vùi lấp. Ảnh: H.T |
Về việc này, ông Đào Văn Khai - Chủ tịch UBND xã Tăng Thành cho hay, sau khi lập biên bản xử phạt, cảnh sát môi trường giao cho xã thu giữ phương tiện. “Do sợ bánh xe máy xúc chạy vào trụ sở UBND xã làm hỏng bêtông nên chúng tôi quyết định để anh Hải đưa máy ra chợ tự quản lý. Tuy nhiên, hai ngày sau khi bị thu giữ, anh Hải lại tự ý mang máy xúc về nhà. Phát hiện sự việc, chúng tôi đã xử phạt anh Hải 1,5 triệu đồng về hành vi này”, ông Khai còn cho rằng không có chuyện anh Hải mang máy xúc về tiếp tục khai thác trái phép mà chỉ để “sửa chữa máy móc”.
Thừa nhận “đã sai khi không xử lý dứt điểm vấn đề này”, nhưng ông Khai phân trần phần lớn quả đồi đã được gia đình anh Hải khai thác trái phép từ nhiều năm trước, khi ông còn chưa làm Chủ tịch UBND xã Tăng Thành.
“Từ khi lên làm lãnh đạo xã, tôi đã một lần chỉ đạo xử phạt gia đình này nhưng sau đó họ vẫn tiếp tục khai thác. Khu vực đó cũng xa dân cư nên việc khai thác lén lút rất khó phát hiện”. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên Báo Nghệ An, trên thực tế khu vực này nằm gần khu dân cư, sát với con đường liên xã, việc khai thác trái phép dường như công khai.
Chủ tịch UBND xã Tăng Thành cũng phủ nhận việc nhận tiền chung chi để làm ngơ trước việc khai thác đất. “Tôi không rõ lãnh đạo của những nhiệm kỳ trước có được chi tiền hay không nhưng riêng tôi không có chuyện đó. Cũng không phải vì gia đình này có con làm cán bộ xã mà chúng tôi làm ngơ. Nếu lần này anh Hải còn khai thác, tôi sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm”, ông Khai nói và cho biết, sắp tới xã sẽ lên cắm biển cấm khai thác ở khu vực này.
Đứng trước nguy cơ bị việc khai thác trái phép này làm mất mồ mả, hơn 10 dòng họ ở địa phương gần đây đã phải tự tổ chức di dời. Việc khai thác cũng đã chặn hết đường lên đồi nên người dân phải thuê máy xúc, tự làm đường riêng để phục vụ việc bốc mộ. Ảnh: H.T |
Trao đổi vấn đề này đối với chính quyền cấp huyện, ông Nguyễn Thanh Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết: Huyện cũng đã nắm được tình trạng khai thác đất trái phép tại đồi Động Eo. “Cả tôi và Chủ tịch UBND huyện đã gọi Chủ tịch UBND xã Tăng Thành lên gặp để chỉ đạo xử lý dứt điểm tình trạng này nhưng không hiểu sao vẫn để kéo dài như thế. Sắp tới chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo để chấn chỉnh tình trạng này”, ông Hà khẳng định.
Chính quyền biết nhưng không xử lý dứt điểm, hộ dân khai thác trái phép thì vẫn ngang nhiên vi phạm, còn hàng chục gia đình với hàng trăm, hàng nghìn ngôi mộ tổ tiên thì phải tháo chạy để tránh bị ảnh hưởng. Đến lúc chính quyền các cấp cần nhanh chóng vào cuộc xử lý dứt điểm vấn đề này, tránh xảy ra cảnh “tức nước vỡ bờ”, kéo theo nhiều hệ lụy về sau.
Tác giả: Tiến Hùng - Phương Thảo
Nguồn tin: Báo Nghệ An