Hiện trường vụ tai nạn. |
Xe khách gặp nạn chưa sang tên đổi chủ
Sáng 31/7, PV Báo Giao thông về thôn Tây Phú (xã Phong Bình, huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) trao số tiền hỗ trợ 3 triệu đồng từ Quỹ Chung tay vì ATGT của Báo Giao thông cho gia đình tài xế Lê Ngọc Cường (SN 1986, trú thôn Tây Phú, xã Phong Bình). Anh Cường là tài xế xe đám cưới BKS 75B - 000.52 gặp tai nạn tử vong cùng 12 hành khách trên QL1 Quảng Nam rạng sáng 30/7. Anh Cường mất đi để lại vợ và hai đứa con thơ mới 3 tuổi và 1 tuổi.
Trước đó, khoảng 23h tối 29/7, anh Cường điều khiển ô tô 16 chỗ BKS 75B - 000.52 chở 16 người trong gia đình chú rể Nguyễn Khắc Long (thôn Lương Điền, xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng, Quảng Trị) vào Bình Định rước dâu. Khoảng 2h15 sáng 30/7, xe khách xảy ra tai nạn với xe đầu kéo trên QL1 qua tỉnh Quảng Nam làm 13 người chết và 4 người bị thương nặng.
Giấy bán xe của ông Phạm Bá Chẩn (chủ xe)cho tài xế Lê Ngọc Cường |
Theo tìm hiểu của PV, xe BKS 75B - 000.52 không đăng ký kinh doanh, không có phù hiệu và không có từ thiết bị giám sát hành trình. Chiếc xe trên do ông Phạm Bá Chẩn (cùng trú xã Phong Bình) đứng tên chủ xe và ông Chẩn đã bán lại xe này cho tài xế Cường.
Trao đổi với chúng tôi, ông Chẩn cho biết đã bán chiếc xe BKS 75B - 000.52 cho anh Cường từ 2 năm trước và việc bán xe này đã được Chủ tịch UBND xã Phong Bình ký xác nhận. Theo ông Chẩn, khi bán, ông giao xe, đăng ký xe mang tên mình cho anh Cường. Sau một thời gian họ đã đổi màu xe. Khi bán xe màu bạc, nhưng hiện nay xe đã đổi màu trắng. “Biển số xe không đổi, nhưng màu xe đã đổi rồi. Chiếc xe trên tôi mua từ TP HCM về Thừa Thiên - Huế làm thủ tục trước bạ, xin biển số 75B- 000.52 để làm ăn. Sau đó, tôi bán xe cho anh Cường rồi mua lại 1 xe khác. Khi bán xe tôi đã lấy tiền một lần”, ông Chẩn cho hay.
Ông Nguyễn Ngọc Khánh, Chủ tịch UBND xã Phong Bình xác nhận, ông Chẩn đã bán xe cho anh Cường từ ngày 21/7/2016. Trong “Giấy bán (cho, tặng) xe” của ông Chẩn cho ông Cường được ông Khánh ký xác nhận ngày 21/7/2016, có nêu: “Tôi đã giao cho ông Lê Ngọc Cường xe, biển số xe và giấy đăng ký xe. Đề nghị cơ quan CSGT cho đăng ký và chuyển chủ”.
Không thể truy trách nhiệm chủ xe cũ
Liên quan trường hợp này, lãnh đạo Sở GTVT Quảng Trị và Phòng Quản lý vận tải và phương tiện, Sở GTVT Thừa Thiên - Huế đồng xác nhận, xe BKS 75B - 000.52 không đăng ký kinh doanh vận tải mà chủ xe, tài xế lại đem ra hoạt động kinh doanh là sai quy định.
Ông Lê Thanh Hùng, Phó giám đốc Sở GTVT Quảng Trị cho rằng, mặc dù Giấy đăng ký xe BKS 75B - 000.52 vẫn mang tên chủ xe cũ là ông Phạm Bá Chẩn, nhưng ông Chẩn đã bán chiếc xe trên cho ông Lê Ngọc Cường và việc bán xe này đã được chính quyền địa phương ký xác nhận, trên thực tế chiếc xe trên không còn của chủ xe cũ. “Về mặt nguyên tắc, người mua xe phải sang tên đổi chủ theo quy định”, ông Hùng nói.
Theo luật sư Lê Cao (Đoàn luật sư Đà Nẵng), nếu giữa ông Cường và ông Chẩn đã có hợp đồng mua bán xe theo đúng quy định của pháp luật thì xe này đã được giao cho ông Cường sử dụng hợp pháp. Trường hợp xảy ra tai nạn thì bên mua (tài xế Cường) phải chịu trách nhiệm hoàn toàn. Bởi lẽ ông Chẩn không phải chịu trách nhiệm khi ông Chẩn không có lỗi gây ra các thiệt hại. Khi đã mua bán xe có hợp đồng mua bán, ông Cường đã chiếm hữu và sử dụng xe hợp pháp nên là người phải chịu trách nhiệm bồi thường các thiệt hại với tư cách là người chiếm hữu, sử dụng xe ô tô (nguồn nguy hiểm cao độ) theo quy định tại Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015 quy định.
Luật sư Lê Cao cũng cho biết, trong trường hợp chỉ có duy nhất tài xế xe khách Lê Ngọc Cường có hành vi có dấu hiệu vi phạm luật giao thông dẫn đến tai nạn thảm khốc khiến 13 người chết nhưng tài xế cũng đã tử vong nên không thể khởi tố vụ án để điều tra.
Tập trung cứu chữa các nạn nhân bị thương Liên quan đến tình hình sức khỏe 4 nạn nhân bị thương trong vụ tai nạn thảm khốc nói trên, sáng 31/7, BS. Lê Đức Nhân - Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, huyết áp cả 4 nạn nhân đã ổn định. Trong đó, bệnh nhân lớn tuổi nhất là ông Nguyễn Khắc Cát đã dần hồi tỉnh. Hai cháu Dương Nguyễn Trúc Hân và Đặng Xuân Tiến vẫn còn quấy khóc nên các bác sĩ đang theo dõi thêm. “Còn bệnh nhân nữ Nguyễn Thị Kim Oanh hiện tại đang được xem xét để phẫu thuật sớm cánh tay bị gãy. Vì xương gãy rất nhiều đoạn, ảnh hưởng đến chức năng thần kinh mạch máu nên chúng tôi phải hội chẩn lại. Bệnh nhân này còn bị tổn thương phổi nên chưa thể can thiệp phẫu thuật mà phải đợi”, BS. Nhân nói và cho biết, hiện Bệnh viện Đà Nẵng đang tập trung mọi điều kiện, nhân lực để cứu chữa cho các bệnh nhân. Bồi thường thiệt hại thế nào? Theo luật sư Lê Cao, người nhận tiền vận chuyển hành khách cho dù xe này không đăng ký kinh doanh, không có hợp đồng bằng văn bản, nhưng có thể đã được xác lập theo hợp đồng miệng. Đồng thời, theo quy định tại Điều 528, Bộ luật Hình sự 2015, trong trường hợp tính mạng, sức khỏe và hành lý của hành khách bị thiệt hại thì bên vận chuyển phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong trường hợp này, người nhận vận chuyển là tài xế Cường cũng đã tử vong nên việc xử lý bồi thường thiệt hại rất khó khăn. Để xác lập trách nhiệm bồi thường phải xem tài xế Cường có để lại tài sản gì hay không. Nếu người đó không có bất cứ tài sản gì mà quy trách nhiệm cho người đã chết thì không đủ cơ sở yêu cầu bồi thường, do năng lực dân sự đã chấm dứt, không thể bắt người khác đứng ra bồi thường thay. Trường hợp người đã chết có để lại tài sản thì những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại. Vĩnh Nhân (Ghi) |
Tác giả: Duy Lợi - Vĩnh Nhân
Nguồn tin: Báo Giao thông