Ngày 5-4, ông Nguyễn Thuận, Trưởng Phòng GD-ĐT TP Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế, cho biết đã vận động các trường đến thăm hỏi, động viên chia sẻ gia đình em H.V.G.B. (học sinh lớp 6 Trường THCS Lý Tự Trọng, phường Phú Hậu, TP Huế) tử vong khi xô xát với bạn tại trường.
B. là con thứ 3 trong gia đình 4 chị em, cha làm nghề chở đá thuê, mẹ ai thuê gì làm đó, họ sống ở chung cư Bãi Dâu, phường Phú Hậu. Ông Thuận cho biết hiện cơ quan chức năng đã mời học sinh N.Đ.Th. (lớp 6) và những em chứng kiến để làm việc, điều tra nguyên nhân.
Trường THCS Lý Tự Trọng - nơi xảy ra sự việc |
Bước đầu cho biết trong giờ ra chơi tiết hai buổi học sáng ngày 4-4 thì giữa B. và Th. xuất phát mâu thuẫn nên hai em vật nhau, B. ngã xuống không may đầu đập vào bàn và tử vong sau đó. Theo ông Thuận, sau sự việc xảy ra Phòng GD-ĐT TP Huế đã có yêu cầu các trường tiểu học và THCS tăng cường quản lý học sinh không chỉ trong giờ học mà cả giờ ra chơi.
"Từ đầu năm học chúng tôi cũng có rất nhiều công văn yêu cầu tăng cường quản lý, phòng chống bạo lực học đường, đảm bảo an toàn thực phẩm. Đây là sự việc đang tiếc, xảy ra vào giờ ra chơi" - ông Thuận nói thêm.
Trước đó, vào ngày 15-2-2022, nam học sinh lớp 6 Trường THCS Phong An (huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) cũng bị một học sinh lớp 7 cùng trường dùng dao rọc giấy đâm chết ngay tại nhà vệ sinh chung của trường này.
Tình trạng bạo lực học đường ở Thừa Thiên - Huế kể từ khi năm học 2022-2023 cũng có dấu hiệu gia tăng. Vì vậy, ngày 22-9-2022, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có công văn chỉ đạo các đơn vị tập trung thực hiện 9 nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống bạo lực học đường. Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên – Huế yêu cầu các cơ sở giáo dục thành lập ngay ban phòng chống bạo lực học đường tại đơn vị do thủ trưởng cơ quan, đơn vị làm trưởng ban; thành viên là các tổ chức, đoàn thể trong nhà trường, giáo viên chủ nhiệm lớp, công an địa phương, đại diện cha mẹ học sinh. Bên cạnh đó yêu cầu nâng cao trách nhiệm giáo viên chủ nhiệm lớp để thường xuyên theo sát tình hình, quản lý, giáo dục học sinh; ngành giáo dục thiết lập các kênh thông tin như hộp thư góp ý, đường dây nóng, hệ thống camera giám sát, trang mạng xã hội để chủ động tiếp nhận, xử lý kịp thời các thông tin về bạo lực học đường. |
Tác giả: QUANG NHẬT
Nguồn tin: Báo Người Lao Động