Điều đáng nói là kết quả lãi này của Vinalines không đến từ hoạt động kinh doanh mà lại nhờ vào các hoạt động khác. Cụ thể, hoạt động kinh doanh lỗ thuần 1.620,5 tỷ đồng, tức tăng lỗ gấp 37 lần so với năm trước; song bù lại, hoạt động khác lại mang về 3.768,7 tỷ đồng, tăng gấp 3,7 lần năm 2015.
Vinalines có thể phát sinh nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty Vinashinlines khi công ty con này phá sản.
Điểm đáng lưu ý tại báo cáo này đó là đơn vị kiểm toán đã đưa ra một loạt các ý kiến ngoại trừ. Theo đó, tại ngày 31/12/2015, các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng, phải thu về cho vay ngắn hạn, phải thu ngắn hạn khác, trả trước cho người bán dài hạn và phải thu dài hạn khác có giá trị ghi sổ lần lượt 19,6 tỷ đồng, 15,5 tỷ đồng, 615 tỷ đồng, 49,2 tỷ đồng và 835 triệu đồng.
Đây là những khoản phải thu thương mại và các khoản phải thu từ các công ty đang làm thủ tục phá sản và một số cá nhân liên quan đến vụ án Ụ nổi 83M đã quá hạn.
Tuy nhiên, ban lãnh đạo Vinalines chưa tiến hành đánh giá khả năng thu hồi của những khoản phải thu này. “Chúng tôi không thể thực hiện được những thủ tục kiểm toán thích hợp để xác định khả năng thu hồi của những khoản phải thu đó tại ngày 31/12/2015”, đơn vị kiểm toán KPMG cho biết. Từ đó, cũng không thể xác định các điều chỉnh có thể là cần thiết đối với lỗ lũy kế tại ngày 31/12/2016 và nhiều chỉ tiêu khác.
Cũng theo KPMG, đơn vị này được bổ nhiệm làm kiểm toán cho Vinalines sau ngày 31/12/2015 nên không tham dự hoạt động kiểm kê hàng tồn kho – nguyên vật liệu của tổng công ty này với giá trị ghi sổ trên 186,6 tỷ đồng vào ngày 31/12/2015.
Phía kiểm toán cũng không thể thực hiện được thủ tục kiểm toán thay thế nào để thu thập bằng chứng về số lượng hàng tồn kho này. Do đó, KPMG thừa nhận không thể xác định các điều chỉnh, có thể là cần thiết đối với giá vốn hàng bán và lợi nhuận sau thuế trên kết quả hoạt động kinh doanh riêng của Vinalines năm 2016.
Ngoài ra, theo lưu ý của KPMG, vào cuối năm 2015, 3 công ty con của Vinalines là Vinashinlines, Falcon và Công nghiệp tàu thủy Cà Mau với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 100%, 51% và 100% đã mở thủ tục phá sản.
Liên quan đến Vinashinlines, vốn đã góp của Vinalines tại ngày 31/12/2016 là 414,3 tỷ đồng, tuy nhiên, vốn điều lệ đăng ký của Vinashinlines là 1.500 tỷ đồng. Do đó, theo KPMG, Vinalines có thể phát sinh nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty Vinashinlines tương ứng với mức vốn điều lệ đã đăng ký, mặc dù Vinalines chưa góp đủ số vốn điều lệ này.
Ban lãnh đạo Vinalines còn chưa ước tính những nghĩa vụ khác có thể phát sinh liên quan đến việc thực hiện mở thủ tục phá sản đối với Vinashinlines, Falcon và Công nghiệp tàu thủy Cà Mau.
Chính vì vậy, kiểm toán viên cho biết, không thể tiến hành các thủ tục kiểm toán để xác định ảnh hưởng của việc Vinalines chưa góp đủ vốn vào công ty con Vinashinlines cũng như các nghĩa vụ khác của tổng công ty này có thể phát sinh từ việc phá sản các công ty con trên đối với báo cáo tài chính riêng năm 2016.
Tác giả bài viết: Bích Diệp
Nguồn tin: