Quốc hội mới đây thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng.
Trong đó có đồng ý thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng gắn với cảng biển Liên Chiểu, với mục tiêu thu hút đầu tư, tài chính, thương mại, du lịch và dịch vụ chất lượng cao.
Theo Nghị quyết, Khu thương mại tự do Đà Nẵng có các khu chức năng được quy định tại Quyết định thành lập của Thủ tướng Chính phủ bao gồm khu sản xuất, trung tâm logistics, khu thương mại- dịch vụ và các loại hình khu chức năng khác theo quy định.
Các khu chức năng thuộc Khu thương mại tự do Đà Nẵng được ngăn cách với khu vực bên ngoài bằng hàng rào cứng, bảo đảm hoạt động kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan của cơ quan hải quan và hoạt động quản lý nhà nước theo lĩnh vực tương ứng của các cơ quan có liên quan theo quy định của pháp luật.
Quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa giữa khu chức năng thuộc Khu thương mại tự do Đà Nẵng với khu vực bên ngoài là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của pháp luật về hải quan, thuế và xuất khẩu, nhập khẩu.
Đà Nẵng trở thành địa phương đầu tiên có khu thương mại tự do tại Việt Nam. |
Trong Khu thương mại tự do Đà Nẵng, nhà đầu tư được lựa chọn đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng các khu chức năng thuộc Khu thương mại tự do Đà Nẵng được UBND TP cho thuê đất, có quyền và nghĩa vụ như nhà đầu tư được Nhà nước cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp theo quy định của pháp luật về đất đai.
Nhà đầu tư nước ngoài thành lập tổ chức kinh tế tại Khu thương mại tự do Đà Nẵng không phải có dự án đầu tư và không phải thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước khi thành lập tổ chức kinh tế.
Ngoài ra, các nhà đầu tư còn được hưởng các ưu đãi khác về thuế, tiền thuê đất… “Đối với dự án đầu tư đáp ứng điều kiện hưởng các mức ưu đãi đầu tư khác nhau trong cùng một thời gian thì nhà đầu tư được lựa chọn áp dụng mức ưu đãi cao nhất”, nghị quyết nêu.
Mô hình FTZ đã được thế giới triển khai từ lâu
Theo định nghĩa của chuyên trang tài chính Britannica, khu thương mại tự do (FTZ) là khu vực địa lý nơi hàng hóa có thể được nhập khẩu, lưu trữ, xử lý, sản xuất hoặc tái cấu hình và tái xuất khẩu theo quy định hải quan cụ thể và thường không phải chịu thuế hải quan. Các khu vực thương mại tự do thường được tổ chức xung quanh các cảng biển lớn, sân bay quốc tế và biên giới quốc gia - những khu vực có nhiều lợi thế về mặt địa lý cho thương mại.
Mục đích chính của khu vực thương mại tự do là giúp các cảng biển, sân bay hoặc biên giới loại bỏ các trở ngại đối với thương mại do thuế quan cao và các quy định hải quan phức tạp gây ra. Một trong những ưu điểm của hệ thống này là tốc độ quay vòng tàu và tàu bay nhanh hơn thông qua việc giảm bớt các thủ tục kiểm tra hải quan cũng như khả năng chế tạo, hoàn thiện và lưu trữ hàng hóa một cách tự do.
Việc lập các FTZ thúc đẩy dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào khu vực này làm động lực phát triển kinh tế cho các khu vực xung quanh. Các FTZ có các điều kiện miễn, giảm thuế hấp dẫn và có cơ chế về hành chính riêng nhằm tạo thuận lợi cho nhà đầu tư. Các tập đoàn với mạng lưới chuỗi cung ứng lớn sẽ tận dụng các cơ chế ưu đãi của các FTZ để đầu tư sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ. Đây là nền tảng để phát triển chuỗi cung ứng địa phương và mạng lưới các nhà cung cấp phụ trợ, tạo hiệu ứng lan tỏa về kinh tế.
Mô hình FTZ trao nhiều ưu đãi cho nhà đầu tư, thu hút dòng FDI. |
Số lượng các khu vực thương mại tự do trên toàn thế giới đã tăng lên nhanh chóng vào thế kỷ 20. Ở Hoa Kỳ, các khu vực thương mại tự do lần đầu tiên được cho phép vào năm 1934.
Tại các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), nhà đầu tư nước ngoài đầu tư được toàn quyền sở hữu doanh nghiệp, miễn thuế xuất nhập khẩu 100%, thủ tục hành chính hiện đại ứng dụng một cửa 4.0, cấp các visa nhập cư nhà đầu tư và lao động nước ngoài, tổng đài dịch vụ 24/7, các dịch vụ y tế, nhà hàng và khách sạn và hệ sinh thái dịch vụ.
Trên thế giới có 5.383 khu kinh tế/thương mại tự do tại 147 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, nhiều quốc gia lân cận Việt Nam đã phát triển thành công mô hình FTZ.
Không kể Khu thí điểm Thương mại tự do Tân Cương mới thành lập, 21 Khu Thương mại tự do còn lại của Trung Quốc chiếm chưa đến 0,4% diện tích đất nhưng đã đóng góp tới 18,1% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, 17,8% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu ở Trung Quốc vào năm 2022.
Được thành lập năm 2018, Khu Thương mại tự do Hải Nam, Trung Quốc bao gồm diện tích của toàn bộ đảo Hải Nam với 11 khu chức năng được quy hoạch. Chỉ sau 5 năm thành lập, khu thương mại tự do này đạt tốc độ tăng trưởng GDP đứng hàng đầu Trung Quốc với khoảng 9%; Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của khu thương mại tự do Hải Nam năm 2023 đạt 230 tỷ USD.
Tác giả: Dy Khoa
Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn