Thể thao

Vì sao các đội bóng Việt Nam hay thua chung kết?

Trong nửa tháng, bóng đá Việt mất 2 chức vô địch theo cùng kịch bản: thắng vòng bảng, thua chung kết. Nhìn về quá khứ, rất nhiều lần chúng ta gục ngã trước cửa thiên đường.

Các đội bóng Việt Nam có duyên với những chiến thắng oanh liệt khi khởi đầu các giải đấu. Nhưng ở trận quan trọng nhất, định đoạt ngôi vô địch, thì như một thói quen khó bỏ, họ thường thua một cách khó hiểu và đáng tiếc.

Ngày 23/7, ĐT U16 Việt Nam hiên ngang vào chung kết giải vô địch Đông Nam Á, gặp lại đối thủ Australia mà thầy trò HLV Đinh Thế Nam từng thắng đậm 3-0 ở vòng bảng. Rốt cuộc, U16 Việt Nam cũng ghi được 3 bàn, nhưng bị gỡ hoà trong 2 hiệp chính và thua trên chấm phạt đền.

ĐT nữ VN dù thắng Thái Lan ở vòng bảng nhưng thua khi gặp lại ở chung kết.

Đến tối qua (4/8), kịch bản cay đắng ấy lại “vận” y hệt vào ĐT nữ của ông Mai Đức Chung. Vòng bảng, Thái Lan thua Việt Nam 0-2, nhưng đến chung kết, họ thủ hoà 1-1 để lần đầu tiên thắng chúng ta sau loạt đá luân lưu cân não (và đương nhiên, rất nhiều tranh cãi).

Đó mới chỉ là hai trong số cả chục lần các cầu thủ Việt Nam ôm mặt khóc nức nở sau mỗi đêm chung kết. Đến mức giọt nước mắt tiếc nuối đã trở thành một cái gì đó “ám ảnh” cả một nền bóng đá.

Người hâm mộ có lẽ không thể nào quên ánh mắt buồn vời vợi của các cô gái Việt Nam khi họ thua Thái Lan 1-2, tuột cơ hội lịch sử đi World Cup. Cũng là tâm trạng ấy, trong những trận chung kết nữ SEA Games 2007 (Nakhon Ratchasima) hay 2013 (Mandalay), vẫn là thua người Thái, vẫn là cách tiếp cận trận đấu có phần thận trọng thái quá thành yếm thế.

anh 5374 zing
HLV Trần Vân Phát và ĐT nữ VN lỡ chuyến tàu World Cup vì không đủ mạnh mẽ và quyết đoán. Ảnh: Quốc Bảo

Các đội tuyển nam cũng vậy. Tiger Cup 1998 là kỷ niệm xót xa nhất vẫn còn hằn mãi trong tim những Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Hữu Thắng… Thế hệ vàng năm ấy đã trở thành những HLV nòng cốt hôm nay, nhưng chưa bao giờ họ quên được cái lưng oan nghiệt của Sasi Kumar (Singapore).

U23 Việt Nam thì trải qua 3 trận chung kết SEA Games toàn thua. Năm 2003 thua Thái sân nhà. 2005 tiếp tục thua Thái tại Philippines, giải đấu mà sau đó đưa cả một dàn cầu thủ tinh tú nhất vào vòng lao lý. Năm 2009 là cơ hội vàng để thầy trò Calisto lên đỉnh vinh quang, nhưng U23 Việt Nam lại thua Malaysia – đối thủ từng bị chúng ta đánh bại dễ dàng khi đấu bảng.

Chỉ tính riêng lứa Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh đã 3 lần thất bại ở các giải đấu trong khu vực. Năm 2013, giải U19 Đông Nam Á, họ thua U19 Indonesia trên chấm phạt đền. Năm 2014, giải U22 Đông Nam Á, thua Myanmar 3-4. Sau đó trở về nước, thầy trò “ông Giôm” lại thua U19 Nhật Bản 0-1 ngay tại Mỹ Đình.

Có quá nhiều nguyên nhân đẩy các đội bóng Việt Nam đến thất bại, nhưng điều cốt yếu là chúng ta hiếm khi thắng được chính mình. Ở những thời khắc quan trọng nhất, cần mạnh mẽ, tập trung và tỉnh táo nhất thì những phẩm chất ấy lại không hội tụ.

HLV Mai Đức Chung trước trận chung kết đã lên giây cót rằng: Thái Lan có gì đâu mà phải sợ. Nhưng các học trò của ông thì vẫn bị sức ép nặng nề khi đối thủ chủ động pressing đầu trận.

Pha đánh đầu phản lưới của Chương Thị Kiều là một tình huống cực kỳ đáng tiếc. Nó là hậu quả của sự bối rối, khi Thái Lan có vài pha uy hiếp từ hai cánh. ĐT nữ đã tập đi tập lại những bài chống bóng bổng, và một sai lầm như thế rõ ràng là đáng trách.

Các cô gái đêm qua khóc tức tưởi vì bị trọng tài Myanmar cướp không chiến thắng. Nhưng nếu nhìn nhận một cách cầu thị hơn, chỉ cần tận dụng thêm được một trong hàng tá cơ hội ngon ăn nữa trong 120 phút, ĐT nữ VN có thể đã không cần đá luân lưu.

Minh Nguyệt dù gỡ hoà 1-1 trong 2 hiệp chính nhưng bỏ lỡ nhiều cơ hội và còn đá hỏng lượt sút luân lưu của mình. Ảnh: Quốc Bảo

Biết nói sao bây giờ, khi Nguyễn Thị Muôn cách 5m đánh đầu ra ngoài, Minh Nguyệt sút rìa vòng cấm đập cột, sút 10 m bị thủ môn Boonsing bắt gọn… Ngay cả loạt 11 m, nếu Nguyễn Thị Liễu giải quyết gọn gàng lượt đá của mình thì trọng tài cũng chẳng thể giúp gì cho người Thái.

Sau trận, cựu tuyển thủ Ngọc Châm tiếc nuối mà phân tích rằng Boonsing nặng nề và rất chậm, hầu như không có phản xạ bay người. Nếu tinh ý, cầu thủ Việt Nam cứ sút vào hai góc là ăn. Nhưng Nguyễn Thị Muôn, Nguyễn Thị Liễu và cả Phương Thảo ở lượt sút cuối cùng, đều đá thẳng vào vị trí của thủ môn.

Hy vọng ĐT nam VN ở kỳ AFF Cup tới sẽ làm nên điều khác biệt với HLV Hữu Thắng. Ảnh: Quốc Bảo

Đấy là sự yếu kém trong khâu dứt điểm, mà những tín hiệu tích cực từ thể lực và lối chơi bóng ngắn, kỹ thuật không thể nào khoả lấp. Đúng là đội bóng của ông Chung đã lột xác so với thời kỳ Takashi xơ cứng, máy móc, nhưng điều quan trọng nhất là danh hiệu thì chúng ta chưa mang về được.

Từ ĐT nữ nhìn rộng ra, những nhược điểm đó cũng chính là bài học thất bại của các ĐT nam. Từ thời “Vua về nhì” Alfred Rield đến “phù thuỷ” Calisto, bóng đá nam mới chỉ duy nhất 1 lần thắng giải AFF Cup 2008 trong khu vực.

Thành tích nghèo nàn đó, nếu chỉ xét thuần tuý về chuyên môn, là hệ quả của nhiều “bệnh lý”: tự mãn có, lo sợ có, dứt điểm kém, thể lực yếu, cộng thêm yếu tố may mắn thường ngoảnh mặt… Hy vọng dưới tay HLV Hữu Thắng, bóng đá Việt sẽ rút được sợi dây kinh nghiệm quá dài này để tạo nên điều gì đó khác biệt ở kỳ AFF Cup 2016.

ĐT nữ Việt Nam dù đã thắng Thái Lan 2-0 ở vòng bảng giải vô địch Đông Nam Á 2016, nhưng lại thua ở trận chung kết tối 4/8. Chương Thị Kiều đánh đầu về lưới nhà mở tỷ số giúp Thái Lan ngay phút thứ 6. Minh Nguyệt tận dụng sai sót của thủ môn Boonsing gỡ 1-1 cho Việt Nam ở phút 85. Sau 120 phút, hai đội đá luân lưu 11m và Thái Lan thắng 6-5 ở loạt cân não này.

Dù rất phẫn nộ vì bị trọng tài Myanmar cướp chiến thắng khi không công nhận pha đá 11 m thành công của Nguyễn Thị Liễu, VFF quyết định không khiếu nại sự việc này lên AFF.


Nguồn Video: Báo VnExpress

Tác giả bài viết: Quốc Bảo

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP