Trong nước

Vì đâu công chức, viên chức phải làm “chân trong, chân ngoài”?

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa cho rằng, chính sách tiền lương cho cán bộ công chức, viên chức hiện nay chưa tương xứng, mức thu nhập còn quá thấp.

Ngày 21/10, bên hành lang Quốc hội, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn Tp.HCM) đã có những trao đổi với Người Đưa Tin xoay quanh nội dung Chính phủ đang trình Quốc hội điều chỉnh tăng lương cơ sở từ mức 1,49 triệu đồng/tháng lên mức 1,8 triệu đồng/tháng, tăng khoảng 20,8% lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức.

NĐT: Hiện nay, Chính phủ đang đề xuất phương án tăng mức lương cơ sở cho công chức, viên chức lên 1,8 triệu đồng/tháng, đề xuất này có ý nghĩa thế nào với đội ngũ công chức, viên chức hiện nay, thưa ông?

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa: Theo tôi, chính sách tiền lương cho cán bộ công chức, viên chức hiện nay chưa tương xứng, mức thu nhập còn quá thấp.

Trong số hàng triệu cán bộ công chức, có thể một bộ phận nào đó tiền lương với họ không có ý nghĩa quá lớn, nhưng số lượng này không nhiều, đa số cán bộ công chức vẫn đang sống nhờ vào tiền thu nhập chính thức và có nguyện vọng tập trung vào công vụ, sống được bằng thu nhập chính thức.

Thời gian qua, dù Nhà nước đã tìm cách tăng thêm thu nhập, nhưng mức lương của công chức, viên chức vẫn thấp hơn mức sống trung bình. Đây là một trong những nguyên nhân trực tiếp, cơ bản dẫn đến tham nhũng.

Hiện nay, cán bộ công chức viên chức lương thấp nhưng lại chịu nhiều ràng buộc, nhiều "vòng kim cô", nếu để xảy ra sai phạm, sai xót dù không cố ý, không tham nhũng, nhưng vì trách nhiệm vẫn phải xử lý. Trước những áp lực này, không ít công chức, viên chức đã xin nghỉ việc.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa chia sẻ bên hành lang Quốc hội.

NĐT: Một thực tế là không ít công chức, viên chức phải làm “chân trong, chân ngoài”, thậm chí "chân ngoài dài hơn chân trong", thưa ông, phải chăng thu nhập thấp là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng này?

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa: Chuyện cán bộ công chức, viên chức chân trong chân ngoài có từ lâu, nhưng với những người có trách nhiệm và năng lực thì “chân ngoài sẽ không dài hơn chân trong”.

Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài, nhiều người không giữ được đạo đức, chủ yếu lo việc kinh tế, các khoản thu nhập bên ngoài nhiều hơn, sẽ ảnh hưởng không tốt đến trách nhiệm công vụ của công chức.

Giải pháp khắc phục hiện nay là tăng lương cơ bản, nhưng mức thu nhập của những người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước hiện không giống nhau.

Một bộ phận công chức, viên chức có thâm niên ít, nên lương hưu rất thấp, hay những công chức, viên chức trẻ mức lương hàng tháng cũng không đủ sống.

Trong khi đó, một bộ phận khác dù đã về hưu nhưng mức lương vẫn rất cao. Nếu tăng lương cơ bản một cách bình quân thì những người có bậc lương thấp vẫn rất khó khăn, mức tăng không đáng kể, trong khi đó, những người có mức lương tháng, lương hưu cao lại tăng rất nhiều.

Theo tôi, không nên áp dụng tăng thu nhập bình quân, cào bằng, những người có mức thu nhập thấp lương hưu thấp mức tăng nên cao hơn, những người đã có mức lương cao thì mức tăng nên thấp hơn.

Đại biểu cho rằng không nên áp dụng tăng thu nhập bình quân, cào bằng (Ảnh minh họa).

NĐT: Hiện nay, Tp.HCM đang áp dụng những cơ chế đặc thù về tiền lương cho công chức, viên chức, nhưng đây cũng là địa phương có tỉ lệ dịch chuyển nhân sự từ khu vực công sang khu vực tư khá cao, cũng là đại biểu đoàn Tp.HCM, ông có đánh giá thế nào về vấn đề này?

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa: Thực tế chi phí cuộc sống ở các thành phố lớn rất cao, nhưng điều kiện để có thêm thu nhập bổ sung ở thành phố lại không bằng ở các vùng miền khác và khối lượng công việc rất nhiều.

Đơn giản có thể thấy cán bộ cấp huyện, cấp tỉnh, nếu ở quê có vườn đất để chăn nuôi bổ sung, nhưng ở thành phố lớn lại không có những điều kiện này. Trong khi đó, giá cả sinh hoạt lại rất cao, từ dịch vụ cắt tóc gội đầu đến chi phí đi lại, điện nước.

Thời gian qua, Tp.HCM có xin cơ chế đặc thù, có sự linh hoạt để có thể chủ động trong tăng thu nhập cho một bộ phận cán bộ công chức, thu hút nhân tài và giữ cán bộ ở lại bộ máy. Việc này đã có những thành tựu nhất định, song những cơ chế đặc thù chưa đủ thu hút nhân tài.

Như vậy Tp.HCM cần có cơ chế đặc thù để tăng thu nhập cho cán bộ công chức, viên chức, đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của họ.

Chừng nào chưa giải quyết, chưa đạt được mục đích cán bộ công chức viên chức đủ sống với mức sống trung bình của xã hội thì chừng đó tình trạng công chức viên chức bỏ việc ra khu vực tư vẫn xảy ra.

Đã có hàng nghìn cán bộ nhân viên y tế thôi việc, bỏ việc hoặc chuyển việc (Ảnh: Hữu Thắng).

Nếu việc di động nguồn nhân lực giữa khu vực công và tư xuất phát từ nguyên nhân thu nhập, thì Nhà nước cần đặc biệt lưu tâm.

NĐT: Theo ông, tăng lương cơ sở có là giải pháp hữu hiệu giúp nâng cao đời sống cán bộ công chức, viên chức?

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa: Mục đích của tăng lương cơ sở là tăng thu nhập cho cán bộ công chức để họ có thể sống được bằng lương và chăm lo cho gia đình bằng tiền lương thu nhập chính thức từ cơ quan tổ chức.

Hiện nay, mức sống xã hội tăng cao, song tiền lương lại không theo kịp, nên nhiều cán bộ công chức, viên chức mới vào hệ thống công vài năm, thậm chí 5-7 năm tiền lương vẫn thấp hơn nhiều so với mức sống tối thiểu.

Việc tăng lương cơ sở là một trong những việc cần làm ngay, làm tức thời, nhưng chưa đủ. Để đạt được mục đích công chức viên chức có thể sống được từ thu nhập chính thức, toàn tâm toàn ý lo cho công vụ, không cần làm thêm, kiếm thêm chỗ này chỗ kia như ở nhiều quốc gia khác, thì tăng lương cơ bản là một cách, nhưng vẫn chưa đủ. Hơn hết, cả hệ thống chính trị, Chính phủ phải tính toán thêm.

Nếu tình trạng công chức viên chức không sống được bằng thu nhập chính thức kéo dài sẽ có nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc và là nguyên nhân dẫn đến tham nhũng.

NĐT: Xin cảm ơn ông.

Lương tăng thêm vẫn rất thấp

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương bày tỏ, sau đại dịch Covid-19, cuộc sống đại đa số nhân dân bị ảnh hưởng rất nhiều theo hướng tiêu cực, đối với cán bộ, công chức, viên chức cũng bị ảnh hưởng rất nhiều, tuy ảnh hưởng này không rõ rệt như đối với các doanh nghiệp hay các nhóm khác. Tuy nhiên, giá cả leo thang, lương thấp cũng tác động trực tiếp đến đời sống của công chức, viên chức.

“Theo tôi việc cải cách tiền lương trong thời điểm này là rất có ý nghĩa. Tuy nhiên, mức tăng 20% chỉ mang tính tạm thời, động viên tinh thần là chính. Với mức lương hiện hành của đội ngũ cán bộ, công chức, nếu tăng 20% thì số tiền lương tăng thêm vẫn rất thấp so với nhu cầu cuộc sống hiện tại.

Tôi hy vọng chúng ta dần có những cải cách về tiền lương cơ sở, song cũng phụ thuộc rất nhiều vào nguồn ngân sách quốc gia. Đến khi thực hiện hoàn toàn cải cách lương theo bảng thang bậc lương mới và cách tính lương mới thì chế độ tiền lương mới được cải thiện nhiều hơn, đáp ứng mong mỏi của đông đảo cán bộ công chức, viên chức”, đại biểu Nga nói.

Tác giả: Hoàng Bích - Thu Huyền

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP