Pháp luật

Ước mơ khó thành của cậu bé "tập làm người lớn" khi mới 14 tuổi

Cậu bé 14 tuổi là bị cáo trong vụ án hiếp dâm trẻ em. Cậu bỏ học mấy năm nay vì nhà quá nghèo, bố lại mắc bệnh tâm thần. Hỏi có muốn đi học lại không, cậu trả lời rất nhanh nhưng rồi ánh mắt cụp xuống khi mẹ ngồi bên lắc đầu quầy quậy “Không học nữa. Tiền đâu mà học”.

Tôi đã rất đắn đo bởi bị cáo và bị hại trong vụ án này đều là trẻ con. Nhưng rồi nghiệm ra, trong câu chuyện đau lòng về 2 đứa trẻ ấy có trách nhiệm rất lớn của những người làm cha, làm mẹ. Mà không, có lẽ, cái tăm tối của nghèo nàn, lạc hậu và cả sự mù mờ về pháp luật đã đẩy chúng – những đứa trẻ ăn chưa no, lo chưa tới rơi vào bi kịch này.
Cậu bé 14 tuổi gục đầu khi chuẩn bị đối diện với bản án của pháp luật.

Tôi xin phép không nêu tên những người liên quan đến vụ án này bởi khi sự việc xảy ra, cậu bé mới được 14 tuổi 25 ngày, còn cô bé hàng xóm mới bước sang tuổi thứ 7. Có lẽ, một điều an ủi đối với những người có trách nhiệm là kết luận giám định cho thấy cô bé chưa bị xâm hại. Em cũng quá bé để hiểu chuyện, được đưa xuống thành phố dự phiên tòa, em rất vui vì nghĩ mình được đi chơi…

Khoảng thời gian ít ỏi giữa hai phiên tòa, tôi có dịp tiếp xúc với cậu bé. Cậu có khuôn mặt thông minh với đôi mắt rất sáng, nhìn thẳng vào người đối diện. Cậu rất ngoan khi trả lời những câu hỏi của tôi. Nhà cậu ở một huyện miền núi cao của tỉnh Nghệ An, rất nghèo. Càng nghèo hơn khi bố cậu mắc bệnh thần kinh, hầu như không có khả năng lao động.

Mẹ cậu bị cái nghèo đeo bám, khuôn mặt héo hắt ngay cả khi chị cố gắng cười. Chị gái của cậu học hết lớp 9 là phải nghỉ, đi làm thuê phụ mẹ tiền thuốc thang cho bố. Cậu học đến lớp 7 cũng nghỉ, phần vì trường quá xa, phần vì mẹ không có tiền để cậu đi học.

Thời gian gần đây bệnh tình bố trở nặng, có đợt phải đưa xuống Bệnh viện tâm thần Nghệ An điều trị. Mẹ theo xuống thành phố chăm bố, còn cậu được giao chăm sóc con lợn – thứ tài sản lớn nhất của cả nhà. Thỉnh thoảng cậu theo người ta đi phụ máy cày thuê, được đồng nào đều đưa cho mẹ để mua thuốc cho bố.

“Tôi đã từng gặng hỏi cậu bé rất nhiều lần để cố gắng lý giải điều gì đã “vẽ đường” để một thằng bé 14 tuổi phạm cái tội tày đình này. Nhưng rồi tôi cũng không thể tìm cho mình một câu trả lời thỏa đáng bởi lẽ, nhà bị cáo nghèo quá, không ti vi, không điện thoại, không nghiện game hay bất cứ trò chơi nào. Nói cách khác, sự phát triển của các phương tiện điện tử hiện đại – tác nhân phần lớn của các vụ hiếp dâm ở độ tuổi vị thành niên hầu như không tồn tại trong cuộc sống của thằng bé”, vị luật sư bào chữa cho cậu trải lòng trước khi phiên tòa diễn ra.

Đó là vào hồi tháng 6/2016, cậu rủ cô bé hàng xóm chơi trò “người lớn” ở căn chòi gia đình cô bé dựng tạm trong thời gian làm nhà mới và bị mẹ cô bé bắt gặp. Theo phong tục địa phương, gia đình cô bé “phạt vạ” nhà cậu 25 triệu đồng để làm vía. Nhà cậu vốn nghèo, lấy đâu ra 25 triệu?. Mẹ cậu xin thư thư vài ba tháng để chuẩn bị nhưng không được. Cuối cùng, cậu bị đưa lên công an.

Cái nghèo khó và thiếu thốn bủa vây khi có một người chồng mắc bệnh tâm thần khiến người mẹ phải từ chối ước mơ đến trường của đứa con trai.

Làm việc với công an, cậu khai ra, hồi tháng 5/2016, cậu và cô bé hàng xóm đã chơi trò người lớn với nhau 1 lần. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, cậu mới 13 tuổi, chưa phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của mình. Lần này, sự việc xảy ra khi cậu được 14 tuổi 25 ngày, dù phạm tội chưa đạt nhưng hành vi đã cấu thành tội phạm, cậu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Cậu bị bắt giam để phục vụ điều tra nhưng sau đó được bảo lãnh tại ngoại. Có lẽ những người thực thi pháp luật không muốn đẩy 1 đứa trẻ vào nơi dễ tiêm nhiễm đủ loại tệ nạn của xã hội.

“Em có muốn quay lại trường để học tiếp không?” – tôi hỏi. “Có ạ. Em muốn đi học lắm”, cậu nói nhanh như thể cơ hội được trở lại trường học đã hiện ra trước mắt. Cậu quay sang nhìn mẹ dò hỏi. “Không đi học đâu. Nhà nghèo lắm, tiền đâu để đi học!”, người mẹ lạnh lùng trả lời. Câu trả lời của mẹ như dội gáo nước lạnh lên ước mơ vừa mới nhen nhóm trở lại của cậu. Cậu cúi xuống sàn nhà, lặng thinh… Cậu buồn nhưng không trách mẹ, cái nghèo khổ, cơ cực và thiếu thốn bủa vây đã khiến mẹ cậu kiệt sức, không còn tâm trí để lo cho sự học của con.

Mức án 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo là mức án HĐXX dành cho cậu, ngoài ra, tòa cũng buộc gia đình bị cáo bồi thường 25 triệu đồng theo yêu cầu của bị hại. Cơ hội làm lại cuộc đời của cậu vẫn còn dài. Với một đứa trẻ luôn khát khao được đi học, tôi nghĩ cậu không quá khó khăn khi bắt đầu lại cuộc sống.

Giá như nhà cậu đừng quá nghèo để cậu không phải bỏ học giữa chừng. Giá như mẹ cậu có thể dũng cảm đối diện với khó khăn để không phải tự tay đóng sập cánh cửa tương lai ngay trước mắt con. Giá như...

Tác giả bài viết: Hoàng Lam

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP