Khói bốc lên sau một vụ nổ ở Crimea (Ảnh: Reuters). |
Trong một bài báo do nghị sĩ Mykhailo Zabrodskyi đồng tác giả và được đăng tải trên hãng tin Ukraine Ukrinform, Tổng tư lệnh quân đội Ukraine Valeriy Zaluzhnyi ngày 7/9 cho biết các cuộc tấn công trên bán đảo Crimea đã được thực hiện bằng tên lửa hoặc rocket, song không nói rõ chi tiết.
"Chúng tôi đang nói về một loạt vụ tấn công tên lửa thành công nhằm vào các căn cứ không quân của đối phương ở Crimea, trước hết là sân bay Saky", bài báo viết.
Tổng tư lệnh quân đội Ukraine xác nhận, cuộc tấn công vào căn cứ không quân Saky của Nga là "cuộc tấn công tổng hợp" diễn ra vào ngày 9/8 và khiến 10 máy bay chiến đấu của Nga "ngừng hoạt động".
Trong những ngày qua, nhiều vụ nổ liên tiếp đã xảy ra ở Crimea, trong đó có khu vực gần trụ sở Hạm đội Biển Đen của Nga tại Sevastopol và gần cầu Kerch nối bán đảo Crimea với đất liền Nga. Các hệ thống phòng không của Nga đã được kích hoạt để bắn rơi vật thể được cho là máy bay không người lái Ukraine tìm cách tiếp cận căn cứ.
Ukraine ban đầu không công khai phủ nhận hay xác nhận liên quan đến các vụ nổ liên tiếp ở bán đảo Crimea. Tuy nhiên, một số quan chức phương Tây khẳng định, Kiev đứng sau ít nhất một số vụ, trong đó có vụ nổ ở căn cứ không quân Saky của Nga hôm 9/8. Theo các nguồn thạo tin, lực lượng đặc nhiệm của Ukraine đã xâm nhập vào phía sau chiến tuyến của Nga và thực hiện các vụ phá hoại nhằm vào mục tiêu quân sự như kho vũ khí, đạn dược, trung tâm chỉ huy, nơi nằm ngoài tầm bắn của vũ khí tầm xa hiện nay của Kiev.
Bán đảo Crimea nằm ở phía nam Ukraine (Ảnh: BBC). |
Các vụ tấn công nổ ra trong bối cảnh Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov cho biết, Kiev cam kết không dùng vũ khí phương Tây để tấn công lãnh thổ Nga, nhưng điều đó không áp dụng với Crimea. Bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga năm 2014 sau một cuộc trưng cầu dân ý.
Mikhail Podolyak, cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, hôm 5/9 kêu gọi người dân ở các vùng lãnh thổ bị Nga kiểm soát ở Ukraine, bao gồm bán đảo Crimea, chuẩn bị nơi trú ẩn, tích trữ đủ nước và sạc dự phòng để chuẩn bị cho kế hoạch sơ tán.
Sau khi sáp nhập Crimea, Nga đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như cầu đường và mạng lưới điện, đồng thời triển khai nhiều khí tài quân sự đến đây, biến Crimea thành trung tâm hậu cần quân sự cho các lực lượng của Nga.
Trong các cuộc hòa đàm với Ukraine, Nga nêu rõ lập trường rằng, vấn đề Crimea "không thể thương lượng". Nga tuyên bố chỉ chấm dứt chiến dịch quân sự khi Kiev đáp ứng các điều kiện mà Moscow đưa ra, trong đó có công nhận bán đảo Crimea thuộc Nga.
Trong khi đó, Tổng thống Ukraine tuyên bố việc khôi phục hòa đàm với Nga chỉ có thể thực hiện nếu quân đội Nga rút khỏi "các vùng lãnh thổ chiếm đóng" của Ukraine. Ông cũng khẳng định xung đột bắt đầu ở Crimea thì cũng sẽ kết thúc ở Crimea, ngầm ý rằng Kiev sẽ bằng mọi cách giành lại quyền kiểm soát bán đảo này từ Nga.
Tác giả: Thành Đạt
Nguồn tin: Báo Dân trí