Kinh tế

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng nói gì về thu xếp tài chính cho VinFast?

Ông Phạm Nhật Vượng cho biết đang xem xét vay vốn từ Chương trình cho vay sản xuất xe công nghệ tiên tiến (AVTM) của Chính phủ Mỹ, mục tiêu cao nhất cho đợt IPO là đưa VinFast ra thị trường toàn cầu.

Truyền thông phương Tây ngày 9/4 đưa tin, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng cho biết VinFast sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ về mặt tài chính từ Chính phủ Mỹ để mở rộng hoạt động của nhà máy tại bang North Carolina.

"Đó là một trong các phương án tài chính của chúng tôi, tuy nhiên chúng tôi cần chứng minh về năng lực của mình", ông Phạm Nhật Vượng nói với báo giới.

VinFast đã công bố chiến lược theo đuổi sản xuất xe điện (Ảnh minh họa: Vingroup).

Trong tuần vừa rồi, VinFast Singapore cũng đã công bố việc nộp đơn đăng ký IPO lên Ủy ban chứng khoán Mỹ, sau khi công ty công bố kế hoạch đầu tư khoảng 4 tỷ USD để xây dựng một nhà máy tại Mỹ.

Theo hãng tin Reuters, VinFast đang đặt cược vào Mỹ - thị trường thế giới với hy vọng có thể cạnh tranh với các nhà sản xuất ô tô truyền thống cùng các startup khác bằng 2 mẫu SUV chạy điện và mô hình cho thuê pin giúp giảm giá thành.

Ông Phạm Nhật Vượng nói rằng VinFast quyết tâm IPO vì thương vụ này sẽ đưa hãng sản xuất xe điện Việt Nam trở thành một thương hiệu toàn cầu. Tuy nhiên, ông cũng cho biết thêm: "Nếu điều kiện chưa phù hợp, chúng tôi có thể tiếp tục chờ".

"Bản thân chúng tôi quyết tâm thực hiện kế hoạch IPO, nhưng mục tiêu cao nhất cho đợt IPO này không phải là tìm nguồn tài chính mà là đưa VinFast ra thị trường toàn cầu", ông Phạm Nhật Vượng nhấn mạnh.

Theo chia sẻ của ông Vượng, việc vay vốn từ Chương trình cho vay sản xuất xe công nghệ tiên tiến (AVTM) của Chính phủ Mỹ là một lựa chọn khác mà VinFast đang tìm hiểu.

Quỹ AVTM quy mô 25 tỷ USD được Quốc hội Mỹ thành lập năm 2007, khi các nhà sản xuất ô tô tại Detroit rơi vào khủng hoảng. Quỹ này được quản lý bởi Bộ Năng lượng Mỹ và có khả năng cho vay gần 18 tỷ USD.

VinFast đã hứa hẹn có thể tạo ra khoảng 7.500 việc làm tại nhà máy đã lên kế hoạch ở North Carolina - địa điểm mà hãng dự kiến sẽ sản xuất các mẫu SUV VF8 và VF9 chạy bằng pin; đồng thời kỳ vọng có thể bắt đầu xây dựng nhà máy ngay sau khi được cấp phép, đặt mục tiêu bắt đầu sản xuất vào năm 2024.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VIC của Vingroup vào phiên cuối tuần vừa rồi (8/4) có diễn biến tích cực bất chấp toàn thị trường "đỏ lửa". Mã này tăng 2.200 đồng tương ứng 2,77% lên 81.700 đồng/cổ phiếu.

Tác giả: Mai Chi

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP