Đó là một trong những câu hỏi mà thí sinh xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2022 đặt ra với các chuyên gia tuyển sinh.
Tại chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2022 với chủ đề "Tuyển sinh đại học, cao đẳng 2022: Những thông tin mới nhất" do Báo Tuổi trẻ tổ chức, các chuyên gia đã giải đáp những thắc mắc, băn khoăn với thí sinh liên quan đến việc tuyển sinh, chọn ngành và cơ hội việc làm của ngành học trong tương lai.
Chọn ngành học nào để khỏi thất nghiệp? (Ảnh: DT). |
Cơ hội việc làm nào cho sinh viên ngành luật, công nghệ thông tin…?
"Em muốn biết thêm về ngành luật kinh tế. Để học được ngành luật nói chung và luật kinh tế nói riêng, người học cần những yếu tố nào? Sau khi ra trường, cơ hội việc làm ra sao? Ngoài ra, em cũng muốn hiểu rõ, ngành luật và luật kinh tế khác nhau thế nào?". Đó là câu hỏi của một học sinh đến từ Thái Nguyên.
Trao đổi về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, lĩnh vực tuyển sinh ngành luật luôn có yêu cầu tương đối cao, do đó, dù học ngành luật nào, thì cơ hội việc làm sau khi ra trường đều lớn.
Nếu học về luật truyền thống, luật cơ bản thì thiên hướng về cơ quan hành pháp, tư pháp là nhiều hơn. Nếu học luật kinh doanh, kinh tế thì thiên về cơ sở, doanh nghiệp ở bộ phận pháp chế, tư vấn. Khi học về luật, người học cần có khả năng tư duy, tranh biện và ham học hỏi, khám phá để có nền móng kiến thức vững chắc về ngành luật.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT lại đưa ra lời khuyên, mặc dù có sự khác biệt, song ngành luật và luật kinh tế vẫn có điểm cốt lõi chung.
"Tôi cho rằng, nếu bạn muốn trở thành luật sư, thì bạn hãy học ngành luật truyền thống. Sau này, nếu bạn hiểu rõ mình có thế mạnh gì, lúc đó việc lựa chọn một ngành chuyên sâu cũng chưa muộn.
Còn về cơ hội việc làm, cũng như việc bạn muốn thành công hay không, tôi nghĩ, điều này phụ thuộc phần lớn vào sự nỗ lực của bản thân. Để đảm bảo sự thành công cho tương lai, bạn cần chăm chỉ, cầu tiến và luôn phấn đấu. Còn nếu chỉ là một nhân tố chìm nghỉm thì thật khó để đáp ứng được yêu cầu của các nhà tuyển dụng trong tương lai".
Đam mê và có mong muốn theo học ngành công nghệ thông tin, đặc biệt trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), một học sinh đưa ra câu hỏi về tương lai và cơ hội việc làm nếu học về lĩnh vực này.
Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Hà, Phó hiệu trưởng phụ trách đào tạo Trường Đại học Y tế Công cộng, năm 2022, Trường mở mã ngành khoa học dữ liệu, chương trình định hướng trong lĩnh vực liên quan đến sức khỏe.
Sau khi ra trường, thí sinh có thể ứng dụng kiến thức liên quan đến lĩnh vực này để khai thác, quản lý và phân tích dữ liệu, cung cấp bằng chứng khoa học cho các nhà hoạch định chính sách trong công tác quản lý y tế. Bên cạnh đó, dữ liệu không chỉ bao gồm số, mà còn các kết quả khác như kết quả chẩn đoán hình ảnh, kết quả điện tim… Những người học ngành này đóng vai trò là những người tham gia vào quá trình mô hình hóa kết quả, dự báo để giúp các bác sĩ trong quá trình chẩn đoán, điều trị bệnh cho bệnh nhân. Cơ hội việc làm của ngành học công nghệ thông tin, khoa học dữ liệu là rất lớn, bởi hiện nay và cả tương lai về sau, ngành y tế luôn cần nguồn nhân lực trong lĩnh vực này.
Tại chương trình tư vấn tuyển sinh, một học sinh đưa ra câu hỏi về cơ hội việc làm của ngành Kỹ thuật hạ tầng tại Trường Đại học Thủy lợi.
Trả lời về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Trung Việt - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi cho hay, Kỹ thuật hạ tầng là một trong những ngành có bề dày lâu năm của Đại học Thủy lợi.
"Sau khi học ngành này, sinh viên sẽ có cơ hội việc làm tốt. Bởi thực tế, qua khảo sát nhiều năm về cơ hội việc làm của khối kỹ thuật nói chung, đặc biệt là ngành Kỹ thuật hạ tầng nói riêng, đều đạt tỷ lệ trên 90%.
Bên cạnh đó, trường Đại học Thủy lợi còn có sự hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, nhà trường có chương trình cam kết học bổng cho sinh viên. Ngoài ra, trong quá trình học tập của sinh viên, nhà trường đã lồng ghép yêu cầu của doanh nghiệp vào chương trình học; vì vậy, sau khi ra trường, sinh viên sẽ được doanh nghiệp tiếp nhận ngay từ đầu.
Không chỉ hiện tại, mà ngay cả trong tương lai, Kỹ thuật hạ tầng vẫn là một trong những ngành học mang lại nhiều tiềm năng, cơ hội việc làm cho người học" - GS.TS Nguyễn Trung Việt nhấn mạnh.
Có được học song ngành cùng một thời điểm?
Mong muốn theo học tại trường cao đẳng nghề, một nam sinh bày tỏ sự băn khoăn "liệu rằng có thể học song song hai ngành cùng một thời điểm được hay không?"
NGƯT.TS Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Cơ điện Hà Nội giải đáp, tại các trường cao đẳng nghề, theo quy định, người học có quyền được học hai ngành trong cùng một thời điểm. Tuy nhiên, cần có một điều kiện tiên quyết, đó là trong thời điểm đó, ngôi trường mà sinh viên đang theo học phải bố trí được lịch học không trùng khớp, đảm bảo hai chương trình học khác nhau về mặt thời gian.
Về mặt lý thuyết, người học có thể học song ngành cùng một thời điểm, tuy nhiên, về thực tiễn, việc học song ngành trong cùng một thời điểm rất khó để triển khai bởi thực tế, có thời điểm sinh viên phải học cả ngày, thời gian thực hành tại các doanh nghiệp cũng chiếm phần lớn, người học rất khó để đảm đương chất lượng và yêu cầu khi học song ngành.
"Thay vì một lúc "ôm" cả hai ngành, thí sinh hãy suy nghĩ và lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực và sở thích cá nhân. Việc chọn ngành cần được ưu tiên hàng đầu, sau đó mới tính đến việc chọn trường bởi hiện nay, cùng một ngành học nhưng có rất nhiều trường cùng đào tạo ngành học đó. Cơ hội luôn trải đều cho các thí sinh" - ông Ngọc nhấn mạnh.
Làm sao để đăng ký thành công kỳ thi đánh giá năng lực?
Một nam sinh đến từ Bắc Ninh đưa ra câu hỏi: "Trong kỳ thi đánh giá năng lực do trường Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức, do có nhiều học sinh đăng ký thi nên dẫn tới hiện tượng quá tải. Bản thân em, dù đã cố đăng ký nhiều lần nhưng vẫn chưa thành công. Vậy làm thế nào để em cũng như thí sinh khác có thể tăng khả năng đăng ký thành công?".
Giải đáp vấn đề này, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay, đối diện với tình huống này, thí sinh không nên quá lo lắng.
"Thực tế, trong đợt thi đánh giá năng lực từ tháng 2 đến tháng 4, do tình hình dịch bệnh phức tạp nên trung tâm khảo thí mới chỉ tổ chức kỳ thi ở quy mô nhỏ với số lượng khoảng gần 20.000 thí sinh.
Thời gian tới, cụ thể là tháng 5 đến tháng 8, chúng tôi tiếp tục mở đăng ký cho các đợt còn lại với quy mô khoảng 50.000 thí sinh. Do đó, số lượt thi còn khá nhiều đáp ứng đủ nguyện vọng thí sinh. Cơ hội vẫn đang chờ các bạn ở phía trước".
Quan tâm đến kỳ thi đánh giá năng lực năm 2022 của Đại học Quốc gia Hà Nội, một nữ sinh đưa ra câu hỏi: "Như em được biết, kỳ thi này được tổ chức thành 16 đợt, diễn ra từ tháng 2 đến tháng 8. Vậy điểm chuẩn của các trường sẽ lấy theo từng đợt hay chờ hết 16 đợt mới ra điểm chuẩn?"
Theo GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, kéo dài từ tháng 2 đến tháng 8 với quy mô trên 70.000 thí sinh. Sau khi thi xong, thí sinh sẽ biết điểm thi trên máy tính. Và sau hơn 2 tuần, thí sinh sẽ nhận được bản thi trên giấy.
Chuyên gia cho biết, thi đánh giá năng lực và tuyển sinh là hai việc hoàn toàn tách biệt với nhau; và phụ thuộc vào lịch xét tuyển của mỗi trường. Thông thường, các trường đại học sẽ tuyên bố thời gian nhận hồ sơ. Đến thời điểm nộp hồ sơ, thí sinh có điểm thi đánh giá năng lực ở thời điểm nào sẽ nộp đến thời điểm đó. Khi đó, các trường sẽ xét tuyển theo thứ tự từ cao xuống thấp chứ không đợi hết các đợt thi của trung tâm khảo thí trường Đại học Quốc gia Hà Nội rồi mới xét tuyển.
"Tuy nhiên, hai điểm đáng lưu ý mà trung tâm tổ chức thi sẽ mang lại cho các trường trong quá trình xét tuyển. Thứ nhất, trung tâm sẽ gửi phiếu điểm đến các trường đại học. Thứ hai, một điều vô cùng đặc biệt, giúp ích rất nhiều cho trường đại học trong quá trình tuyển sinh, đó là trong phiếu điểm sẽ xuất hiện thông tin mức điểm của thí sinh dự thi nằm ở mức bao nhiêu so với các thí sinh cùng dự thi đợt đó" - GS.TS Nguyễn Tiến Thảo thông tin.
Tác giả: Kiều Phương
Nguồn tin: Báo Dân trí