Các trường tổ chức kỳ thi riêng như Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Quốc gia Hà Nội...
Kỳ thi riêng của Đại học Quốc gia Hà Nội
Kỳ thi đánh giá năng lực năm 2022 của Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến thu hút 70.000 đến 90.000 thí sinh, nhiều gấp 7 - 9 lần năm ngoái.
Đề thi gồm 150 câu: Toán (50 câu, 75 phút), Văn học - Ngôn ngữ (50 câu, 60 phút), Khoa học tự nhiên - Xã hội (50 câu, 60 phút). Thí sinh làm bài thi trên máy tính, câu hỏi dưới dạng trắc nghiệm khách quan (lựa chọn một trong bốn đáp án) và điền đáp án. Tổng thời gian làm bài là 195 phút, thang điểm 150. Ngoài ra, đề thi có thể gồm 1 - 3 câu hỏi thử nghiệm không tính điểm, thí sinh sẽ có thêm khoảng 4 phút để làm.
Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến tổ chức 16 đợt thi từ cuối tháng 2 đến tháng 8 tại 6 tỉnh, thành. Để đăng ký dự thi, thí sinh đăng nhập tài khoản tại địa chỉ http://khaothi.vnu.edu.vn/ và chọn ca thi tương ứng. Các em cũng cần lưu ý thời gian mở ca thi và địa điểm dự thi.
Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội. |
Ngày 26 đến 28/2, đợt thi đầu tiên của kỳ thi đánh giá năng lực (HSA) diễn ra tại Hà Nội và Thái Nguyên với khoảng 3.000 thí sinh tham dự. 15 đợt thi khác tiếp tục diễn ra từ tháng 3 đến 8.
Tính đến nay, hơn 50 trường đại học, cao đẳng sử dụng kết quả của kỳ thi này để tuyển sinh.
Kỳ thi riêng ngành công an
Năm nay 8 trường công an tuyển sinh đại học chính quy, gồm: Học viện Cảnh sát nhân dân, An ninh nhân dân, Chính trị Công an nhân dân, Đại học An ninh nhân dân, Cảnh sát nhân dân, Phòng cháy chữa cháy, Kỹ thuật - Hậu cần Công an nhân dân và Học viện Quốc tế.
Tổng chỉ tiêu dự kiến của 8 trường vào khoảng 2.100. Các trường sẽ xét tuyển theo ba phương thức: Tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT, xét tuyển chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, kết hợp giữa điểm thi tốt nghiệp THPT và kết quả bài thi đánh giá năng lực do Bộ Công an tổ chức.
Đây là lần đầu tiên các trường khối ngành công an tổ chức thi riêng. Bài thi đánh giá gồm hai phần: Trắc nghiệm và tự luận. Thí sinh làm bài thi trong 1 buổi và diễn ra sau kỳ thi tốt nghiệp THPT. Dự kiến trong tháng 3 hoặc 4, Bộ Công an sẽ công bố chỉ tiêu tuyển sinh cụ thể của từng trường và bài thi mẫu để thí sinh tham khảo.
Kỳ thi riêng của Đại học Quốc gia TP.HCM
Kỳ thi đánh giá năng lực năm 2022 được tổ chức 2 đợt. Đợt 1 ngày 27/3, tại 17 tỉnh, thành: TP.HCM, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Bạc Liêu, An Giang, Kiên Giang và Cần Thơ. Kết quả thi đợt 1 được công bố vào ngày 5/4.
Đợt 2, dự kiến tổ chức ngày 22/5, trước kỳ thi THPT khoảng 1 tháng, tại 4 địa phương: Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP.HCM, An Giang. Kết quả của đợt 2 sẽ được công bố sau một tuần (dự kiến ngày 29/5).
Kỳ thi năm nay có 2 đợt đăng ký xét tuyển cùng lúc với đăng ký dự thi. Thí sinh sẽ đăng ký dự thi đợt 1 và xét tuyển ngày 28/1 - 28/2. Đợt 2 từ ngày 6/4 - 25/4. Nếu thí sinh thi cả 2 đợt, kết quả của đợt thi nào cao hơn sẽ được sử dụng để xét tuyển.
Tính đến nay, hơn 80 trường đại học, cao đẳng sử dụng kết quả của kỳ thi này để tuyển sinh.
Kỳ thi riêng Đại học Sư phạm Hà Nội
Năm 2022, lần đầu tiên Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển, bên cạnh các phương thức cũ.
Theo đó, thí sinh có thể xét tuyển dựa vào kết quả thi đánh giá năng lực do Đại học Sư phạm Hà Nội hoặc Đại học Sư phạm TP.HCM tổ chức kết hợp với kết quả học THPT. Điều kiện đăng ký xét tuyển là đã tốt nghiệp THPT, có hạnh kiểm tất cả học kỳ ở bậc THPT từ loại khá trở lên và điểm trung bình chung của năm học kỳ (lớp 10, 11 và kỳ I lớp 12) từ 6,5 trở lên.
Với phương thức này, trường sẽ xét theo từng ngành dựa theo kết quả thi đánh giá năng lực hai môn, trong đó một môn nhân hệ số 2 và đã cộng điểm ưu tiên. Đối với các ngành thi năng khiếu, trường xét theo tổng điểm các môn thi năng khiếu tại Đại học Sư phạm Hà Nội với các môn thi đánh giá năng lực.
Trường dự kiến tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực vào 7/5, tức trước kỳ thi tốt nghiệp THPT. Kết quả được công bố trước 25/5.
Thí sinh tham gia thi đánh giá tư duy tại Đại học Bách khoa Hà Nội. |
Kỳ thi riêng Đại học Bách khoa Hà Nội
Năm 2022, Đại học Bách khoa Hà Nội tiếp tục tổ chức bài thi đánh giá tư duy. Trong đó, thí sinh làm phần bắt buộc với môn Toán và Đọc hiểu trong 120 phút; phần tự chọn 1 gồm các môn khoa học tự nhiên (Lý, Hoá, Sinh) trong 90 phút; phần tự chọn 2 là tiếng Anh trong 60 phút hoặc có thể quy đổi các chứng chỉ quốc tế như IELTS. Phần thi bắt buộc diễn ra vào buổi sáng trong khi tự chọn vào buổi chiều.
Thí sinh sẽ làm cả ba hợp phần khoa học tự nhiên là Lý, Hoá, Sinh thay vì chỉ chọn một trong hai phần là Lý - Hoá hoặc Hoá - Sinh như trước, do đó thời gian làm bài phần này tăng 30 phút.
Về hình thức, bài thi đánh giá tư duy được thi trên giấy, các câu hỏi là trắc nghiệm và trả lời trên phiếu như thi THPT. Riêng môn Toán sẽ có thêm phần tự luận để đánh giá cách tư duy và trình bày của các sĩ tử.
Dự kiến, kỳ thi tư duy 2022 diễn ra trong 1 ngày sau khi kỳ thi tốt nghiệp THPT kết thúc 1 tuần tại 4 địa điểm: Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An và Phú Thọ.
Hiện, 8 trường công bố việc sử dụng kết quả kỳ thi để tuyển sinh: Đại học Bách khoa Hà Nội, Công nghệ Giao thông vận tải, Giao thông vận tải, Mỏ - Địa chất, Thăng Long, Thuỷ lợi, Xây dựng Hà Nội và Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên.
Kỳ thi riêng Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Kỳ thi này được Học viện Báo chí và Tuyên truyền bắt đầu triển khai từ năm 2015 và duy trì đến nay. Thí sinh nộp nguyện vọng vào các chuyên ngành sau phải thi năng khiếu: Báo in, Báo phát thanh, Báo truyền hình (chất lượng cao), Báo mạng điện tử (chất lượng cao), Ảnh báo chí, Quay phim truyền hình. Ba năm gần đây, trường tổ chức thêm phần phỏng vấn với thí sinh dự thi Ảnh báo chí và Quay phim truyền hình.
Tuy nhiên, năm 2021 do dịch COVID-19 phức tạp nên trường không tổ chức. Còn năm 2022, trường chưa thông báo thông tin cụ thể thời gian, cách thức tổ chức kỳ thi.
Đề thi Năng khiếu báo chí gồm phần trắc nghiệm 30 câu kiểm tra kiến thức trong chương trình THPT và hiểu biết chung, phần tự luận yêu cầu thí sinh biên tập văn bản có nhiều lỗi và viết một bài luận trình bày quan điểm cá nhân về một vấn đề.
Kỳ thi riêng Đại học Sư phạm TP.HCM
Năm 2022, lần đầu tiên Đại học Sư phạm TP.HCM tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt. Dự kiến tổ chức 3 - 4 đợt và đợt thi đầu tiên diễn ra ngay tháng 2.
Kỳ thi tổ chức 6 bài thi. Cụ thể, bài thi Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, thời gian làm bài 90 phút/môn với 35 câu trắc nghiệm, 4 lựa chọn và 15 câu hỏi dạng trả lời ngắn. Bài thi Ngữ văn (90 phút, gồm 20 câu hỏi trắc nghiệm 4 lựa chọn và 1 bài viết luận chủ đề nghị luận xã hội) và tiếng Anh (180 phút gồm 4 phần: nghe, nói, đọc, viết).
Tùy theo nhu cầu xét tuyển vào các ngành học khác nhau, thí sinh có thể lựa chọn đăng ký một hoặc nhiều bài thi trong số các bài thi ở trên để đăng ký xét tuyển vào các ngành học khác nhau theo đề án tuyển sinh của trường.
Thí sinh làm bài thi trên máy tính tại các điểm thi do trường tổ chức.
Thí sinh tham gia bài thi mỹ thuật vào Đại học Kiến trúc Hà Nội. |
Kỳ thi năng khiếu
Kỳ thi năng khiếu được tổ chức riêng ở các trường đại học như: Đại học Kiến trúc Hà Nội, Xây dựng, Mỹ thuật công nghiệp, Văn hoá Hà Nội, Âm nhạc quốc gia, Kiến trúc TP.HCM, Kiến trúc Đà Nẵng...
Với các trường đại học khối ngành mỹ thuật (khối V00), thí sinh thi vẽ tượng đầu người trên khổ giấy A3, bài thi vẽ bố cục tạo hình. Khối H00, thí sinh thi vẽ người bán thân trên khổ giấy A1 bằng bút chì đen và bài thi Bố cục trang trí màu.
Với các trường khối ngành âm nhạc, thí sinh sẽ tham gia các bài thi về Thẩm âm, Tiết tấu, Xây dựng kịch bản sự kiện... tuỳ vào quy định cụ thể của từng trường.
Tác giả: HÀ CƯỜNG
Nguồn tin: vtc.vn