Trong nước

Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ chạy qua những tỉnh nào?

Với chiều dài dự kiến hơn 1.500 km, tuyến đường sắt mới sẽ chạy qua 20 tỉnh thành, gần 60% đi qua cầu cạn và hầm.

Liên danh Tư vấn TEDI-TRICC-TEDIS đang nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, dự kiến trình Bộ Giao thông vào tháng 9 và trình Chính phủ vào cuối năm.

Tuyến đường sắt tốc độ cao được xây dựng mới, khổ đường 1435mm, đường đôi, có 23 ga, 5 khu depot bảo dưỡng, sửa chữa tàu. Chiều dài toàn tuyến khoảng 1.542 km, sẽ đi qua 20 tỉnh.

Theo liên danh Tư vấn, phần lớn tuyến đường sắt mới sẽ đi song song đường sắt hiện tại song có một số đoạn sẽ đi tách ra tùy theo địa hình. Cụ thể, đoạn từ Hà Tĩnh đến Đồng Hới, tuyến đường sắt mới sẽ về phía biển nơi địa hình bằng phẳng hơn và có thể qua các đô thị, trong khi đường sắt hiện tại đi về phía tây. Các khu vực kinh tế lớn cũng sẽ xem xét đặt ga đường sắt.

Thay vì đi ven đèo như đường sắt hiện tại, đơn vị tư vấn nghiên cứu phương án đi xuyên qua núi tại hầm Hải Vân, hầm đèo Cù Mông, hầm đèo Cả... Khoảng 50-60% chiều dài tuyến sẽ đi trên cầu cạn, cầu vượt sông, không có giao cắt đồng mức với đường bộ như đường sắt hiện tại. Diện tích chiếm dụng đất rộng khoảng 50m, bao gồm đường sắt và hành lang bảo vệ.

Toàn tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam dự kiến được chia thành 4 đoạn

Đoạn Hà Nội - Vinh (282 km): điểm đầu từ ga Hà Nội hoặc ga Ngọc Hồi, cơ bản song song với đường sắt hiện tại, qua khu vực Phú Xuyên, vượt qua quốc lộ 1A, cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ và đi về phía đông đường bộ cao tốc, tuyến tiếp cận ga Phủ Lý... Tuyến đường sắt mới đi song song đường sắt hiện tại, vượt sông Đáy và tiếp cận ga Ninh Bình dự kiến đặt tại khu vực Mai Sơn (TP Ninh Bình).

Từ ga Ninh Bình, tuyến đi về phía nam, xuyên qua dãy núi Tam Điệp vào Thanh Hóa. Ga Thanh Hóa dự kiến đặt tại phường Đông Sơn, cách trung tâm thành phố khoảng 3-4km. Tuyến đi song song quốc lộ 1A, xuyên qua núi Thần Vũ, tiếp cận ga Vinh dự kiến tại phía tây thành phố Vinh.

Các ga dự kiến trên tuyến đường sắt tốc độ cao.

Đoạn Vinh – Đà Nẵng (432 km): Từ ga Vinh, tuyến đường sắt tốc độ cao vượt sông Lam vào Hà Tĩnh, chạy song song về phía tây quốc lộ 1A và đến ga Hà Tĩnh ở phía tây thành phố.

Từ ga Vũng Áng, tuyến đi về phía đông của đường bộ cao tốc, xuyên qua đèo Ngang sang tỉnh Quảng Bình, vượt sông Gianh, đến ga Đồng Hới đặt ở phía tây thành phố. Sau đó, tuyến vượt sông Nhật Lệ theo hướng đường sắt hiện tại, đến ga Đông Hà.

Tuyến đi về phía nam theo hướng song song đường sắt hiện tại, vượt sông Hương, tiếp cận thành phố Huế ở phía tây. Ga Huế dự kiến đặt tại phường Thủy Xuân, cách ga hiện tại khoảng 2km. Từ ga Huế, tuyến đi song song với đường sắt hiện tại, vượt đầm Cầu Hai, qua khu kinh tế Chân Mây, và xuyên qua đèo Hải Vân đến ga Đà Nẵng dự kiến tại phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, cách trung tâm TP khoảng 6km, cách sân bay Đà Nẵng khoảng 4km.

Đoạn Đà Nẵng – Nha Trang (472km): Từ ga Đà Nẵng, đường sắt tốc độ cao đi song song đường sắt hiện tại và đến ga Tam Kỳ dự kiến đặt tại phía tây thành phố Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam). Tuyến vượt sông Trà Khúc và đến ga Quảng Ngãi,,chạy về phía nam đến tỉnh Bình Đình và tiếp cận thị trấn Phù Mỹ, đến ga Diêu Trì dự kiến để kết nối với thành phố Quy Nhơn.

Từ ga Diêu Trì, tuyến đi xuyên qua đèo Cù Mông sang tỉnh Phú Yên, vượt sông Đà Rằng và đến ga Tuy Hòa dự kiến đặt cách trung tâm thành phố khoảng 8km, cách sân bay Tuy Hòa khoảng 2,2km.

Tuyến tiếp tục đi xuyên qua Đèo Cả sang tỉnh Khánh Hòa, song song đường sắt hiện tại, tiếp cận ga Nha Trang dự kiến đặt tại xã Vĩnh Thạnh, cách trung tâm thành phố khoảng 4,5km.

Đoạn Nha Trang – TP HCM (363 km): Từ ga Nha Trang, tuyến đi cơ bản song song với đường sắt hiện tại và đến ga Tháp Chàm dự kiến đặt tại phường Đô Vinh, cách TP Phan Rang khoảng 5km về phía tây. Sau đó, tuyến đi về phía đông núi Vĩnh Tân, đến ga Tuy Phong dự kiến đặt tại xã Hòa Minh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.

Từ ga Tuy Phong, đường sắt tốc độ cao vượt quốc lộ 1A đến ga Phan Thiết dự kiến đặt tại xã Phong Nẫm, TP Phan Thiết. Sau đó, tuyến đi về phía tỉnh Đồng Nai, tiếp cận ga Long Thành tại trung tâm sân bay quốc tế Long Thành. Qua sân bay Long Thành, tuyến cơ bản đi cùng hướng tuyến đường bộ cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây về ga Thủ Thiêm đặt tại quận 2, TP HCM.

Theo quy hoạch tổng thể phát triển Giao thông vận tải tới năm 2020, tầm nhìn tới năm 2030, tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam đã được đề cập. Đến nay, tuyến đường sắt tốc độ cao đã trải qua một số giai đoạn nghiên cứu bao gồm: Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) nghiên cứu khả thi xây dựng mới và điện khí hóa đường sắt đôi khổ 1435mm đoạn Nha Trang - Sài Gòn hoàn thành vào 3/2007 và Hà Nội – Hà Tĩnh hoàn thành tháng 4/2008.

Liên danh tư vấn Việt Nhật (VJC): Lập Báo cáo đầu tư dự án đường sắt cao tốc Hà Nội – TP HCM và báo cáo đã trình Quốc hội xin chủ trương đầu tư (năm 2010) nhưng chưa được chấp thuận.

Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) nghiên cứu, lập dự án cho các đoạn Hà Nội - Vinh và TP HCM - Nha Trang. Báo cáo được hoàn thành vào năm 2013.

Theo chiến lược phát triển đường sắt, từ năm 2020 đến 2030, ngành giao thông sẽ xây dựng hệ thống đường sắt đạt tốc độ chạy tàu 160-200 km/h, đường đôi khổ 1,435 m và nâng cấp hạ tầng để có thể khai thác tàu cao tốc 350 km/h trong tương lai. Đến năm 2050, ngành sẽ hoàn thành đường sắt đôi tốc độ cao khổ 1,435 m trên toàn trục Bắc Nam; sau 2050 sẽ khai thác tàu cao tốc 350 km/h.

Tác giả: Đoàn Loan

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP