Xã hội

Tướng Võ Văn Tuấn: Máy bay Su-30 gặp nạn do sự cố trong buồng lái

Về nguyên nhân tai nạn máy bay Su-30 MK2, Thượng tướng Tuấn cho biết, qua thông tin của phi công Cường, nguyên nhân ban đầu là có sự cố trong buồng lái.

Chiều 24/6, trả lời báo chí liên quan tới nguyên nhân của 2 vụ tai nạn máy bay Su-30 MK2 số hiệu 8585 và CASA 212 số hiệu 8983, Thượng tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam cho hay: Đến nay, đối với máy bay SU30-MK2 và phi công, các lực lượng tìm kiếm, cứu nạn đã cứu được phi công Nguyễn Hữu Cường và tìm thấy thi thể phi công Đại tá Trần Quang Khải.

Thông tin từ Thượng tướng Tuấn: Máy bay Su-30 MK2 số hiệu 8585 của Không quân Việt Nam bị rơi ở Đông Bắc đảo Hòn Mắt thuộc vùng biển của Việt Nam khoảng 40 km và máy bay CASA 212 của Lữ đoàn không quân 918 thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân số hiệu 8983 rơi tại vùng biển khoảng 30 km về phía Nam Đông Nam của Đảo Bạch Long Vỹ, cách đường phân định Vịnh Bắc Bộ khoảng 5 km.

Đối với máy bay CASA-212 và phi hành đoàn, các lực lượng tìm kiếm, cứu nạn đã xác định máy bay rơi tại vị trí cách đường phân định về phía Tây khoảng 2,7 hải lý, Nam Đông Nam đảo Bạch Long Vĩ khoảng 15 hải lý. Tại khu vực này, đã trục vớt được các bộ phận chủ yếu của máy bay gồm thân, đuôi, cánh quạt, động cơ, các chi tiết kỹ thuật, khí tài, vật dụng cá nhân của các thành viên Tổ bay.

Cũng tại vị trí máy bay gặp nạn, đã vớt được các thi thể rơi cùng máy bay. Qua giám định của cơ quan pháp y Quân đội, đây là những thi thể của thành viên phi hành đoàn. Hiện nay, các lực lượng chức năng đang tiếp tục tìm kiếm hộp đen cũng như những vật thể liên quan đến máy bay CASA 212 và Su30-MK2, từ đó kết hợp với những yếu tố khách quan khác để phân tích nguyên nhân xảy ra tai nạn.


Thượng tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam

Việc tìm kiếm đó đã được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chủ động huy động các lực lượng quân đội và lực lượng tìm kiếm cứu nạn của Bộ Giao thông vận tải, lực lượng kiểm ngư, tàu thuyền của ngư dân khẩn trương phối hợp tìm kiếm cứu nạn đồng thời trên 2 vùng biển rộng lớn Nghệ An - Thanh Hóa và Hải Phòng ngay sau khi các máy bay gặp nạn.

Đồng thời, Bộ Quốc phòng đã liên hệ với phía Trung Quốc, đề nghị tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng tìm kiếm ở phía Đông đường phân định Việt Nam - Trung Quốc trên Vịnh Bắc Bộ.

“Công việc tiếp theo mà chúng ta phải làm đó là công tác chính sách cho các đồng chí đã hy sinh, cũng như gia đình các đồng chí.

Việc này đã có các quy định của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng đối với các quân nhân hy sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ. Chúng tôi đã triển khai rất cụ thể và một ví dụ rất rõ là việc thực hiện công tác chính sách cho đồng chí Trần Quang Khải”, tướng Tuấn nói.

Về nguyên nhân tai nạn máy bay Su-30 MK2, Thượng tướng Tuấn cho biết, qua thông tin của phi công Nguyễn Hữu Cường cung cấp, nguyên nhân ban đầu là có sự cố trong buồng lái, do đó phi công phải nhảy dù thoát hiểm. Ngoài ra, chúng ta còn phải đánh giá tiếp thông qua phương tiện khách quan khác trong thời gian tiếp theo.

Về nguyên nhân của tai nạn máy bay CASA 212, chưa xác định rõ vì chưa tìm thấy hộp đen.

Chia sẻ nguyên nhân thực hiện có hiệu quả việc tìm kiếm, cứu nạn hai máy bay SU30-MK2 và CASA 212, Thượng tướng Võ Văn Tuấn cho biết: Trước tiên nhờ sự quan tâm sâu sắc và chỉ đạo kịp thời của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ; sự chỉ đạo kiên quyết của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, trực tiếp là đồng chí Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Tổng Tham mưu trưởng, đồng thời triển khai những biện pháp đồng bộ về phương tiện, lực lượng trong quá trình làm nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn.

Bên cạnh đó, các lực lượng khi huy động đã được tổ chức một cách khoa học, đồng bộ, triển khai có kế hoạch, dưới sự chỉ đạo của Bộ Tổng Tham mưu, trực tiếp là Tổng Tham mưu trưởng và các lực lượng quân đội gồm Không quân, Hải quân, Cảnh sát biển, Biên phòng, Công binh, Quân khu 3, Quân khu 4, cùng lực lượng cứu hộ cứu nạn, quân y, và lực lượng tìm kiếm cứu nạn của Bộ Giao thông vận tải (Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải, Hàng không), lực lượng kiểm ngư, tàu thuyền của ngư dân khẩn trương phối hợp tìm kiếm cứu nạn hai máy bay, các phi công và phi hành đoàn CASA 212 rất hiệu quả.

Cùng với đó là hệ thống tổ chức bảo đảm thông tin liên lạc, hậu cần, kỹ thuật trang bị, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ của Ủy ban nhân dân các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Phòng, Quảng Ninh trong việc tìm kiếm hai máy bay bị nạn và các quân nhân. Một việc đáng kể đó là dù trong điều kiện đất nước khó khăn, Đảng, Nhà nước và quân đội đã quan tâm trang bị hiện đại cho công tác tìm kiếm cứu nạn, như hệ thống định vị sonar, tìm hộp đen, dò mìn, người nhái... kết hợp với các phương tiện, cách làm truyền thống, dẫn đến hiệu quả nhanh trong điều kiện thời tiết khó khăn, khắc nghiệt, ban đêm, sóng to gió lớn. Ngoài ra có sự đóng góp của hợp tác quốc tế trong việc tìm kiếm, cứu nạn.

“Những nguyên nhân trên làm cho chúng ta, trong một thời gian rất ngắn với một vùng biển rộng lớn như thế, các điều kiện hết sức khó khăn, thời tiết khác nhau, kinh nghiệm, phương tiện, thông tin như thế nhưng đã thực hiện rất nhiều công việc tìm kiếm này.

Chúng tôi hy vọng trong thời gian tới, với khả năng, năng lực và cách chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, chúng ta hy vọng sẽ kết thúc, hoàn thành việc tìm kiếm, cứu nạn và giải quyết hậu quả của 2 vụ việc này trong thời gian tới”, Thượng tướng Tuấn nhấn mạnh.

Tác giả bài viết: Nguyễn Huệ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP