Giấc mơ khai hóa tri thức của cậu bé lang thang
Trải qua một tuổi thơ không may mắn như bao bạn bè khác, năm 12 tuổi, Phạm Đình Chiến (SN 1984, Vĩnh Phúc) đã phải tự mình lên Hà Nội lang thang kiếm sống.
Được một người bạn giới thiệu, Chiến vào làm việc trong một tổ chức gọi là "tổ bán báo xa mẹ". Tại đây, anh được hỗ trợ đi học nửa buổi, thời gian còn lại từ 4h sáng đến 11h trưa, Chiến phải đi khắp các ngõ ngách Hà Nội để bán báo dạo.
Dù đời sống khó khăn, thời gian o hẹp, nhưng nhờ sự miệt mài, ham học, năm 2005, Chiến đã đỗ Đại học Ngoại thương. "Cầm tờ giấy báo nhập học trong tay, niềm vui chưa ngớt thì nỗi lo đóng học phí đã choáng hết tâm trí", là tâm trạng hoang mang được anh nhắc lại.
Thế nhưng, ước mơ khám phá tri thức của chính mình đã thôi thúc anh vượt lên tất cả. Đi bán báo dạo, nhặt bóng ở sân tennis, phục vụ nhà hàng, lái taxi thuê... là những nghề anh đã từng trải qua để kiếm tiền trang trải học hành.
4 năm học Đại học đằng đẵng trôi qua, cũng là những năm tháng khốn cùng để mưu sinh của một cậu bé lang thang. Với tấm bằng sáng trong tay, Chiến xin vào làm tại một công ty bất động sản, chấm dứt những chuỗi ngày lang thang, góp nhặt kiếm sống.
Thế nhưng, cơ duyên đến vào năm 2012, khi một người bạn đang định cư ở Ý tạo điều kiện giúp anh tiếp xúc với ngành gia tác khuôn mẫu phi kim loại. Vốn ưa khám phá và tìm tòi, Chiến quyết định sang theo học ngành này ở Ý.
Kết thúc khóa học 6 tháng, anh được nhận làm tu nghiệp sinh tại một công ty ở đây. Với mức lương hơn 3.000USD/tháng, sự nghiệp của đứa trẻ lang thang ngày nào trở thành câu chuyện kỳ tích của nhiều bạn bè xung quanh.
Thế nhưng, chàng trai quê Vĩnh Phúc vẫn chưa bằng lòng khi đang ấp ủ một dự định khởi nghiệp ở chính quê nhà.
Bỏ việc nghìn đô, về nước chế tạo khuôn son vài trăm nghìn đồng
Dù bạn bè khuyên ngăn, nhưng Chiến vẫn quyết định trở về Việt Nam năm 2014. Đặt chân tới Hà Nội, anh liền đặt vé vào Sài Gòn để học việc từ một người quen biết trong ngành chế tác khuôn tượng. Công việc này đã đưa anh đến gần với startup của mình về chế tác khuôn son như đã dự tính.
Theo Chiến, mỹ phẩm handmade đang rất được ưa chuộng ở Việt Nam. Thế nhưng, để nhập một chiếc khuôn son từ Mỹ hay Trung Quốc về, nhà sản xuất phải chi trả từ 800.000 đến 4 triệu đồng/chiếc (tùy loại). Ngược lại, khuôn trong nước rất khan hiếm và gần như không đạt nhu cầu của người dùng, trong khi đây là thị trường đầy tiềm năng ở Việt Nam.
Trong quá trình làm việc ở Sài Gòn, Chiến đã hoàn tất quả trình làm một chiếc khuôn son dành cho người Việt với 3 tiêu chí: bền, tiện và rẻ. Sản phầm làm từ 100% nguyên liệu silicon đã được thị trường đón nhận. Số lượng bán ra mỗi ngày vài trăm chiếc với giá dao động 80.000-300.000 đồng/chiếc.
"Chưa chắc những sản phẩm có giá đắt gấp 5-10 lần như khuôn inox của Mỹ lại tốt hơn khuôn silicon. Mà trước hết, giá rẻ, tiện dụng và bền mới là những đặc tính của sản phẩm mà nhà sản xuất Việt cần. Đây cũng là yếu tố giúp tôi cạnh tranh tại thị trường Việt Nam", Chiến cho hay.
Chiến cho biết, silicon là nguyên liệu có đặc tính vượt trội với tính chất định hình dễ, chống dính tốt và đặc biệt là tạo được độ bóng cho son. Tuổi thọ của sản phẩm lên tới hàng chục năm, nếu sử dụng và bảo quản đúng cách. Trong khi đó, khuôn inox của Mỹ, Trung Quốc giá đắt gấp nhiều lần nhưng khó đạt được 3 tiêu chí trên.
Doanh thu từ bán khuôn son của Chiến hiện đạt 140 triệu đồng/tháng. Điều đặc biệt mà anh cho biết, số vốn khởi nghiệp chỉ từ 10 triệu đồng. Thời gian anh bỏ ra để chế tác cũng chỉ khoảng 2-3 tiếng mỗi ngày.
Hiện anh đang có một xưởng sản xuất khuôn tại Hà Nội và một chi nhánh phân phối tại TP HCM. Anh cho biết, so với giá của nước ngoài thì sẽ khó để cạnh tranh bởi hạn chế về thương hiệu. Để giải bài toán này, anh Chiến tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng phân khúc thị trường là những người tự làm son thủ công tại nhà.
Bên cạnh khuôn son, cơ sở của Chiến còn sản xuất các loại khuôn thực phẩm, đồ gia dùng và các chi tiết nhựa, silicon khác. Đa dạng hóa sản phẩm để giảm chi phí sản xuất từ nguyên liệu silicon là định hướng chiến lược của anh.
Tới đây, anh sẽ phát triển sản phẩm đa dạng, phong phú hơn để thu hút thị trường cũng như nhằm xuất khẩu sang nước ngoài, cạnh tranh với hàng Trung Quốc.
"Dù còn nhiều khó khăn, nhưng tôi tin rằng chỉ cần không ngững nỗ lực thì không gì là không thể và thành công sẽ mỉm cười với bạn", anh chia sẻ.
Tác giả bài viết: Hòa Phạm