Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Thị Hiền báo cáo kết quả giám sát của HĐND tỉnh về công tác tổ chức bộ máy, biên chế, hợp đồng lao động trong các cơ quan hành chính Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Thành Cường. |
Đánh giá về kết quả đạt được, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Thị Hiền cho rằng, trong giai đoạn từ năm 2015 đến 2017, UBND tỉnh đã cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tổ chức bộ máy và biên chế, hợp đồng lao động trong các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo đó, hoạt động của hệ thống cơ quan chính quyền các cấp, các sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Các đơn vị sự nghiệp công lập từng bước được sắp xếp, đổi mới và bước đầu triển khai thực hiện có hiệu quả cơ chế tự chủ trên một số lĩnh vực.
Cũng theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Thị Hiền, công tác quản lý, tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức cơ bản thực hiện đúng theo quy định. Đa số cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo cơ bản, đáp ứng tiêu chuẩn về ngạch, bậc, chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức, phẩm chất để đảm nhận các chức danh, nhiệm vụ được giao.
UBND tỉnh cũng đã kịp thời chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và các đơn vị sự nghiệp triển khai thực hiện chính sách tinh giản biên chế. Trong 3 năm (2015 - 2017), toàn tỉnh đã tinh giản được 64 công chức, 1.392 viên chức và 121 công chức cấp xã.
Các đại biểu tham dự kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2016 - 2021. Ảnh: Thành Cường |
Về chấn chỉnh tình trạng hợp đồng lao động, theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Thị Hiền, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt và đến nay cơ bản đã chấm dứt việc hợp đồng làm công việc chuyên môn trong các cơ quan hành chính. Toàn tỉnh đã rà soát, tuyển dụng vào biên chế 976 lao động hợp đồng và chấm dứt hợp đồng lao động đối với 1.762 người.
Bên cạnh kết quả tích cực, đồng chí Cao Thị Hiền cũng nêu lên nhiều tồn tại, hạn chế thông qua giám sát của HĐND tỉnh. Đáng quan tâm là tổ chức bộ máy bên trong của một số sở, ngành, cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và cấp huyện chưa tinh gọn, chưa cân đối với biên chế được giao.
Vẫn còn có sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa một số đơn vị sự nghiệp; việc thực hiện xã hội hóa, giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập còn hạn chế. Việc xây dựng đề án vị trí việc làm ở nhiều cơ quan, đơn vị chưa đồng bộ, chất lượng chưa cao.
Tỷ lệ giữa các nhóm cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhóm chuyên môn, nghiệp vụ và nhóm hỗ trợ, phục vụ cũng như số lượng nhân sự được cơ cấu tại các phòng, bộ phận của cơ quan, đơn vị chưa thật sự phù hợp. Hợp đồng lao động tại một số cơ quan, đơn vị còn nhiều, có trường hợp vượt quá số lượng được cấp có thẩm quyền giao.
Cán bộ, công chức xã Hoa Thành (Yên Thành) giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: Mai Hoa |
Số lượng cán bộ hoạt động không chuyên trách cấp xã và khối, xóm, bản còn nhiều, hiệu quả hoạt động có nơi chưa cao. Công tác thanh tra, kiểm tra chưa thường xuyên, quyết liệt, việc xử lý và khắc phục sau thanh tra, kiểm tra còn hạn chế.
Từ thực tiễn đặt ra thông qua giám sát, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Thị Hiền đã nhấn mạnh 13 nhóm kiến nghị, đề xuất của HĐND tỉnh đối với UBND tỉnh, các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan đến tổ chức bộ máy; biên chế công chức, viên chức, hợp đồng lao động…
Đáng quan tâm nhất là kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo rà soát, sắp xếp lại để giảm tối đa tổ chức bên trong, các tổ chức trung gian của cơ quan chuyên môn, các đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh, cấp huyện, khắc phục tình trạng chồng chéo hoặc bỏ sót chức năng, nhiệm vụ theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương và Tỉnh ủy về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế.
Đó còn là tiếp tục sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực và nhu cầu thực tiễn của địa phương; thực hiện xã hội hóa dịch vụ công, đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập, các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, các cơ sở y tế, lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, tài nguyên - môi trường, lao động – thương binh và xã hội, các tổ chức khoa học và công nghệ…
HĐND tỉnh cũng đề nghị UBND tỉnh ban hành quy định cụ thể tiêu chí về thành lập các Ban, chi cục, các phòng và tương đương thuộc sở, ban, ngành, UBND cấp huyện; quy định hợp lý số lượng cấp phó phòng. Gắn với đó, UBND tỉnh cũng cần xúc tiến việc nghiên cứu, xây dựng lộ trình sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã đảm bảo đúng tiêu chí quy định, phù hợp tình hình thực tiễn của từng địa phương và năng lực đội ngũ cán bộ.
UBND tỉnh cũng cần rà soát tiêu chí và sắp xếp lại các khối, xóm, bản nhằm giảm hợp lý về đầu mối và giảm số người hoạt động không chuyên trách, đồng thời tăng cường hiệu quả hoạt động; xây dựng khối, xóm, bản thực sự là hình thức tự quản của cộng đồng dân cư, không làm thay nhiệm vụ của chính quyền cấp cơ sở.
Về biên chế công chức, viên chức đề nghị các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị cần quản lý chặt chẽ biên chế và số người làm việc trong các cơ quan, đơn vị, nghiêm cấm việc bố trí vượt quá số lượng được cấp có thẩm quyền giao; rà soát việc tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức không đúng quy trình, tiêu chuẩn để xử lý nghiêm theo đúng quy định.
Về hợp đồng lao động, HĐND tỉnh kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục chấn chỉnh tình trạng hợp đồng lao động trong các cơ quan, đơn vị theo quy định của pháp luật và phù hợp với thực tiễn; chấm dứt việc sử dụng lao động hợp đồng để làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ trong cơ quan hành chính nhà nước.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Thị Hiền cũng nhấn mạnh đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu trình HĐND tỉnh sửa đổi Nghị quyết số 117/2013/NQ-HĐND ngày 13/12/2013 về số lượng, chức danh và phụ cấp người hoạt động không chuyên trách cấp xã, khối, xóm, bản và các nghị quyết của HĐND tỉnh liên quan đến bố trí cán bộ không chuyên trách ở các lĩnh vực khác cho phù hợp với tình hình hiện nay.
Tác giả: Huy Minh (ghi)
Nguồn tin: Báo Nghệ An