Lời nói dối
Ngày 20/5, Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố hơn 40 quốc gia ủng hộ lập trường của nước này đối với vụ kiện của Philippines tại Tòa án trọng tài thường trực (PCA) ở La Hay (Hà Lan) liên quan tới tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Phát biểu họp báo thường kỳ, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói: "Như tôi được biết, có hơn 40 nước đã đưa ra tuyên bố hoặc bày tỏ lập trường của họ thông qua tất cả các kênh. Ngày càng nhiều nước đang thể hiện sự ủng hộ đối với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông".
Trước đó, bộ này đã liệt kê một số nước cam kết ủng hộ Trung Quốc như Burundi, Slovenia, Niger và Mozambique.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Campuchia ngày 22/4
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu Trung Quốc có trung thực trong tuyên bố trên hay chỉ là đòn nghi binh ngoại giao đến mức “trơ trẽn”?
Một trong những bằng chứng về mức độ không trung thực của Trung Quốc là tại hội nghị về việc thực thi Tuyên bố ứng xử tại Biển Đông (DOC) tại Singapore cuối tháng 4/2016, nhiều chuyên gia, nhà ngoại giao lên án việc Bắc Kinh tuyên bố ba nước thành viên ASEAN là Campuchia, Lào và Brunei, ủng hộ lập trường của Bắc Kinh về tranh chấp Biển Đông.
Tuyên bố về “thỏa thuận” với 3 nước ASEAN được Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra sau chuyến thăm các nước của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, người được tờ "Thời báo Tài chính" đánh giá là một người lắm mưu mẹo.
Ngay lập tức, Campuchia đã lên tiếng phủ nhận tuyên bố của Trung Quốc. Ngày 27/4, Quốc vụ khanh Nhà nước, người phát ngôn Hội đồng Bộ trưởng Campuchia, ông Phay Siphan đã khẳng định không có thỏa thuận mới nào giữa Campuchia với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.
Ông Phay Siphan
Ông Phay Siphan nhấn mạnh rằng “đó chỉ là một chuyến thăm bình thường của một Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc”, lập trường của Campuchia là mong muốn các bên liên quan thực hiện một cách đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), vốn đã đạt được giữa Trung Quốc và các nước ASEAN vào năm 2002, khi Campuchia làm Chủ tịch ASEAN.
Quan chức này cũng cho biết: “Campuchia mong muốn các nước liên quan trong vấn đề Biển Đông giải quyết tranh chấp một cách hòa bình và tất cả các nước ASEAN sẽ cố gắng để nhanh chóng đạt được bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)".
Còn chuyên gia Bilahari Kausikan, cố vấn của bộ Ngoại Giao Singapore, lên án “chiến thuật chia rẽ ASEAN” trước khi Toà trọng Tài thường trực ra phán quyết.
Ngoài chiến thuật “chia rẽ” ASEAN, Bắc Kinh cũng tìm lôi kéo Nga và Ấn Độ về phía mình.
Lèo lái câu chữ
Hội nghị ngoại trưởng Ấn Độ-Nga-Trung Quốc tại Moskva tháng 4/2016, ra một tuyên bố chung, kêu gọi giải quyết vấn đề Biển Đông bằng “đồng thuận” giữa các nước liên quan. Tuy nhiên, Trung Quốc đã “lèo lái” tuyên bố này bằng cách đánh đồng “đồng thuận” với nguyên tắc “đàm phán song phương”.
Trung Quốc cũng ngay lập tức tung hô những phát biểu của Ngoại trưởng Nga Lavrov về vấn đề Biển Đông.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc “chộp” lấy một ý là “cần dừng các nỗ lực quốc tế hóa vấn đề” trong toàn bộ phát biểu của Ngoại trưởng Nga trước thềm ông tới thăm 3 nước Mông Cổ, Nhật Bản và Trung Quốc hồi giữa tháng Tư.
Ông Lavrov tuyên bố rằng Nga xuất phát từ quan điểm tất cả các quốc gia có tranh chấp trên Biển Đông cần tránh sử dụng vũ lực, tiếp tục tìm kiếm giải pháp ngoại giao được tất cả các bên chấp nhận. Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh cần phải ngăn chặn sự can thiệp của các nước không liên quan trực tiếp tới những tranh chấp và ngăn chặn những nỗ lực quốc tế hóa vấn đề.
Trong phát biểu tại Bắc Kinh hôm 29/4 sau hội đàm với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, ông Lavrov đã thông báo hai bên thảo luận một loạt vấn đề trong quan hệ song phương, các điểm nóng như bán đảo Triều Tiên, Afghanisatn.
Ngoại trưởng Nga Lavrov tại Bắc Kinh hôm 29/4
Đề cập tới Biển Đông, nguyên văn của ông Lavrov như sau: “Chúng tôi đã thảo luận về tình hình Biển Đông. Quan điểm của Nga không thay đổi: Không được quốc tế hóa các vấn đề này bằng cách nào đó. “Người ngoài cuộc” không được can thiệp vào các quyết định của họ. Hiện đã có Công ước LHQ về luật biển, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông đã được Trung Quốc và các nước ASEAN ký kết, cũng như các nguyên tắc chỉ đạo đã được Bắc Kinh và các thủ đô các nước ASEAN nhất trí. Phải tuân thủ những điều này và giải quyết bất kỳ vấn đề nảy sinh nào, trong đó có tranh chấp lãnh thổ, thông qua đối thoại trực tiếp giữa các nước liên quan trực tiếp bằng các giải pháp chính trị và ngoại giao”.
Rõ ràng, trong cả hai trường hợp vừa nêu, Trung Quốc chỉ “bám” lấy một ý rất nhỏ là không “quốc tế hóa” và cũng chỉ theo cách hiểu của Trung Quốc mà phớt lờ đi Công ước LHQ về luật biển hay những thỏa thuận mười mươi mà nước này đã ký kết với ASEAN.
Ngoại trưởng Nga kêu gọi đối thoại trực tiếp chứ không nói “đàm phán song phương” cũng như khuyến cáo rõ ràng không sử dụng vũ lực, điều mà Trung Quốc đã và đang tiến hành dưới nhiều hình thức.
Tổng thống Nga Putin cùng các nhà lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị cấp cao ASEAN-Nga ở Sochi
Trên thực tế, Nga cũng đang nỗ lực tìm kiếm tiếng nói chung với khối ASEAN, trong đó có vấn đề Biển Đông.
Điểm thứ 9 trong Tuyên bố chung Sochi tại Hội nghị cấp cao ASEAN-Nga ngày 20/5 nêu rõ: “Bảo đảm an ninh và an toàn hàng hải, tự do hàng hải và hàng không, thương mại không bị cản trở. Thúc đẩy tự kiềm chế, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực và giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, phù hợp với các nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, bao gồm các nội dung được nêu trong Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) và các tiêu chuẩn và thông lệ phù hợp của Tổ chức Hàng không Dân sự Quốc tế (ICAO) và Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO)”
Trong khi đó, điểm thứ 10 cũng nhấn mạnh: “Ủng hộ việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn tất Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC), trên cơ sở đồng thuận”.
Về phần Ấn Độ, ngày 19/5, New Delhi cho triển khai một đội tàu chiến tại Biển Đông trong chuyến đi hơn 2 tháng, nhằm gia tăng hợp tác với các nước ven Biển Đông và Tây Bắc Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam và Philippines.
Động thái này diễn ra ngay trước chuyến công du 4 ngày của Tổng thống Ấn Độ tới Trung Quốc từ ngày 24-27/5 và được cho là để đối trọng với tham vọng ngày càng thái quá của Bắc Kinh tại khu vực này.
Ai run sợ?
Giới phân tích chỉ thẳng cuộc chiến tranh giành sự ủng hộ của dư luận liên quan đến vụ kiện tại PCA chứng tỏ Bắc Kinh đang lo lắng rằng Trung Quốc sẽ bị coi là "kẻ phá bĩnh cứng đầu", chuyên phớt lờ luật pháp quốc tế và tẩy chay tòa án ở La Hay.
Philippines cáo buộc rằng việc Trung Quốc chỉ dựa vào "chứng cứ lịch sử" và cái gọi là "bản đồ đường 9 đoạn" để tuyên bố chủ quyền đối với cả Biển Đông là hoàn toàn vô lý, không phù hợp với luật quốc tế.
Trung Quốc xây đảo nhân tạo trái phép trên Biển Đông và quân sự hóa bất chấp cộng đồng quốc tế lên án
Tuy vậy, Trung Quốc vẫn tự tin thành công với chiêu bài này bởi một số nước khu vực như Lào hay Campuchia phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn đầu tư từ Trung Quốc, trong khi Brunei đang phải đối mặt với áp lực giá dầu thấp.
Còn Indonesia- quốc gia lớn nhất ở Đông Nam Á- đang cố gắng đứng ngoài cuộc chiến tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông. Indonesia cho rằng những va chạm gần đây giữa hai nước liên quan đến hoạt động đánh bắt cá trái phép không phản ánh tham vọng địa chiến lược của Trung Quốc. Đó chính là điều mà chắc hẳn Bắc Kinh đang muốn nghe.
Theo nhà nghiên cứu Ashley Townshend thuộc Đại học Sydney (Australia), Trung Quốc đang tìm mọi cách gia tăng lợi thế cạnh tranh trước khi phải chấp nhận "ký thỏa thuận ngừng bắn".
Tác giả bài viết: Thành Minh