Thế giới

Trò chơi vương quyền của Trung Quốc với Mỹ dưới thời Trump

Bắc Kinh đang nỗ lực giành lấy ảnh hưởng từ Mỹ ở nhiều nơi trên thế giới, sau khi ông Trump tuyên bố rút lui khỏi các quan hệ thương mại đa phương.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters

Sau khi tỷ phú Donald Trump trở thành Tổng thống đắc cử Mỹ và tuyên bố sẽ rút nước này khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng như buộc các đồng minh châu Á phải tăng chi tiêu quốc phòng, Trung Quốc dường như đang tận dụng cơ hội để vươn rộng ảnh hưởng trên khắp toàn cầu hòng lấp chỗ trống quyền lực mà Mỹ để lại, theo SCMP.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ chủ trì hội nghị "Một vành đai, Một con đường" ở Bắc Kinh vào năm sau, với khoảng 30 nguyên thủ quốc gia tham dự, có quy mô không kém gì hội nghị G20 vừa diễn ra ở Hàng Châu, các nguồn tin thân cận với Bắc Kinh tiết lộ.

Ông Tập coi việc Mỹ phải tập trung giải quyết các vấn đề nội bộ sau cuộc bầu cử gây chia rẽ nhất trong lịch sử là cơ hội để thúc đẩy sáng kiến địa chính trị của mình nhằm mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc ra khắp mọi ngõ ngách của thế giới.

Ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, động lực chủ chốt của ông Tập chính là sáng kiến "Một vành đai, Một con đường" với sự tham gia của 65 quốc gia, trải dài qua Đông Nam Á, Nam, Trung và Tây Á cho tới Trung Đông, châu Phi, ngược lên Đông và Trung Âu.

Giáo sư Wang Yiwei, chuyên gia nghiên cứu quốc tế tại Đại học Nhân dân Bắc Kinh, cho rằng chính sách thiên về chủ nghĩa bảo hộ trong nước của Trump, mà điển hình là tuyên bố rút khỏi TPP, sẽ là thời cơ vàng cho sáng kiến của ông Tập "lấp chỗ trống trên thị trường".

"Trong thời gian dài, các nước trên thế giới đã đi theo tiêu chuẩn và mô hình phát triển của Mỹ. Nhưng giờ đây chính nước Mỹ đang hứng chịu hậu quả từ hệ thống của chính nó", ông Wang nói. "Mỹ không rút ra được bài học từ cuộc khủng hoảng tài chính, không tự điều chỉnh và cải cách nền công nghiệp, nhưng họ lại đang đổ lỗi cho vấn đề toàn cầu hóa".

Ông Wang cho rằng với sáng kiến "vành đai, con đường", Trung Quốc ngày càng trở nên đề kháng mạnh hơn trước nguy cơ do chính quyền của ông Trump và xu hướng chống toàn cầu hóa ở phương Tây đặt ra. "Sáng kiến này được thiết kế để chống lại những hiểm họa do thị trường phương Tây gây ra", giáo sư này nhấn mạnh.

Năm ngoái, Trung Quốc đã đầu tư khoảng 14,8 tỷ USD tới 49 trong tổng số 64 nước nằm dọc Con đường Tơ lụa, chiếm 12,6% tổng đầu tư ra nước ngoài của Bắc Kinh, theo số liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc.

Vươn tới Mỹ Latin

Ông Tập tại hội nghị Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương năm 2014. Ảnh: Xinhua


Tại khu vực châu Mỹ Latin, Trung Quốc cũng đang tăng cường nỗ lực gia tăng ảnh hưởng của mình. Sau chuyến công du các nước Nam Mỹ của ông Tập hồi tháng trước, chính phủ Trung Quốc đã ban hành văn bản chính sách dài 11 trang, nhấn mạnh "kỷ nguyên mới" trong quan hệ Trung Quốc – Mỹ Latin, theo Mcclatchydc.com.

Các cựu quan chức Mỹ và Mỹ Latin cho rằng những chính sách "rút lui" về thương mại của Mỹ ở khu vực này về dài hạn có thể hủy hoại nỗ lực của Washington trong việc cải thiện quan hệ với các quốc gia ở Tây Bán cầu.

"Mặt đất rõ ràng đang dịch chuyển dưới chân chúng ta", Eric Farnworth, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, phó chủ tịch Hội đồng Các quốc gia châu Mỹ, nhận định. "Trung Quốc đang chơi trò chơi vương quyền ở châu Á – Thái Bình Dương, kể cả ở châu Mỹ Latin. Trong khi đó, nhiều nước nhìn nhận Mỹ đang phải rút lui".

Việc Mỹ rút khỏi TPP là một chủ đề bàn tán lớn bên lề hội nghị Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương vừa diễn ra ở Peru. Sự kiện này cũng được coi là một màn diễu hành của ông Tập ở châu Mỹ Latin, khi công du liên tục ba nước Ecuador, Chile tới Peru để bàn về quan hệ đối tác chiến lược mới.

Theo Farnworth, ông Tập đã được các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ Latin hoan nghênh nhiệt liệt khi phát biểu tại hội nghị về vai trò của thương mại và đầu tư. Ông Tập không nhắc đến ông Trump, nhưng bài phát biểu của ông thể hiện một ý định rõ ràng là Trung Quốc đã sẵn sàng để nhảy vào.

"Trung Quốc sẽ không đóng sập cánh cửa với thế giới bên ngoài, mà sẽ mở nó rộng hơn", ông Tập tuyên bố trước các lãnh đạo doanh nghiệp tham dự hội nghị.

Shi Yinhong, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Bắc Kinh, cho rằng dù Mỹ Latin không có tầm quan trọng chiến lược với Trung Quốc như Nam Á hay Đông Á, Bắc Kinh vẫn muốn hướng tới khu vực này để mở rộng ảnh hưởng chính trị cũng như tìm kiếm các nguồn tài nguyên như dầu mỏ, đồng, sắt… phục vụ cho nền kinh tế khổng lồ của mình.

"Trung Quốc đang ngày càng trở nên phụ thuộc vào bên ngoài hơn so với 10-15 năm trước", Shi nói. "Châu Mỹ Latin có rất nhiều nguồn tài nguyên mà Trung Quốc thèm muốn".

Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn thứ hai của khu vực này. Họ nhập khẩu 40% lượng đậu nành bán ra thế giới và là quốc gia thu mua quặng sắt lớn thứ ba của các nước Mỹ Latin, theo Hội đồng Các vấn đề Tây Bán cầu.

Năm 2015, Trung Quốc cho các nước Mỹ Latin vay tới 29 tỷ USD, nhiều hơn vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển Liên châu Mỹ (IDB) cộng lại, theo số liệu của Đại học Boston.

Kevin Gallagher, giáo sư Đại học Boston, cho rằng việc ông Trump đắc cử đã tạo động lực mới cho Trung Quốc thúc đẩy hướng đi mà họ đã chọn trong gần 5 năm qua. "Trung Quốc có tầm nhìn dài hạn. Họ cần rất nhiều tài nguyên thiên nhiên cung cấp cho hơn một tỷ dân, và có thể tìm thấy thép, dầu mỏ, đậu nành ở Mỹ Latin. Người Trung Quốc rõ ràng rất thích đậu nành", Gallagher nói.

Gây nghi ngờ

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP

Tuy nhiên, tham vọng vươn ra mọi ngóc ngách thế giới của Trung Quốc cũng vấp phải không ít sự hoài nghi từ các nước đang phát triển cũng như những nhà đầu tư lớn khác, chẳng hạn như Ấn Độ và Nhật Bản, về ý định chiến lược thực sự của họ.

Nhiều dự án cơ sở hạ tầng mà Trung Quốc xây dựng ở nước ngoài, chẳng hạn như các công trình khai thác năng lượng và tài nguyên ở châu Phi, đã vấp phải làn sóng phản đối dữ dội của người dân địa phương. Họ cho rằng Trung Quốc chỉ tìm cách bóc lột tài nguyên của nước mình, không đem lại lợi ích gì cho các nhân công địa phương tại những công trình xây dựng do nước này rót vốn.

Canada và Anh, hai đối tác lớn tham gia vào dự án Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng như một phần của sáng kiến "Một vành đai, Một con đường", cũng ngày càng nghi ngờ rằng Bắc Kinh đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng địa chính trị thông qua dự án này.

Zhang Jianping, chuyên gia chính sách tại Viện nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Trung Quốc, cho rằng những hoài nghi này chính là trở ngại lớn cho Bắc Kinh trong quá trình vươn tầm ảnh hưởng toàn cầu.

Cựu đại sứ Mexico tại Trung Quốc Jorge Guajardo thì cho rằng Trung Quốc không phải là câu trả lời hoàn hảo cho khu vực Mỹ Latin, bởi khu vực này sẽ không tìm thấy nhiều cơ hội mới ở thị trường Trung Quốc.

Nhưng một điều không thể phủ nhận được là chính giọng điệu và những lời đe dọa về thương mại của Trump đã gây ra nỗi bức xúc cho các đối tác lớn của Mỹ, làm gia tăng mối lo ngại về nguy cơ chính trị khi song hành cùng Mỹ dưới thời tổng thống mới, tạo cơ hội cho Trung Quốc tham gia vào quá trình gây dựng ảnh hưởng ở khu vực.

"Chúng tôi chỉ muốn thực hiện các hoạt động thương mại. Thế nến khi Mỹ quay lưng lại và đe dọa sẽ phá hủy mọi thứ, điều đó sẽ gây tổn thương rất lớn", Guajardo nhấn mạnh.

Tác giả bài viết: Trí Dũng

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP