Giáo dục

Trẻ vào lớp 1 cần chuẩn bị kỹ năng gì?

Để giúp trẻ 5 tuổi tự tin vào lớp 1, trong thời gian hè nhiều gia đình đã tranh thủ thời gian trang bị cho con kỹ năng tự lập, ăn ngủ đúng giờ.

Trẻ mẫu giáo 5 tuổi tham gia buổi trải nghiệm vào lớp 1.

Luôn đồng hành với con

Có con đầu lòng năm nay vào lớp 1, chị Nguyễn Thùy Linh (quận Long Biên, Hà Nội) đã sắp xếp công việc và khoảng thời gian cố định trong ngày hỗ trợ con trong việc làm quen với cấp học mới.

Chị Linh trải lòng: “Con vào lớp 1, bố mẹ hồi hộp và lo lắng không yên. Mặc dù còn hơn 1 tháng nữa mới tựu trường nhưng ngay từ đầu hè, gia đình tôi đã phải rèn con nhiều thói quen kỷ luật như dậy sớm, tự đánh răng, vệ sinh cá nhân, sắp xếp sách vở và xây dựng thời khoá biểu sinh hoạt trong một ngày cho bản thân”.

Bên cạnh đó, chị Linh cũng tham khảo ý kiến của nhiều phụ huynh đi trước về cho con tham gia lớp tiền tiểu học để làm quen với môi trường cấp 1. “Chúng tôi tuyệt đối không cho con học trước kiến thức, chỉ tập trung làm quen kỹ năng cần có khi vào lớp 1”, chị Linh nêu quan điểm.

Chị Huỳnh Thùy Tiên chú trọng xây dựng nếp sống kỷ luật cho con ngay từ nhỏ.

Đồng quan điểm với chị Linh, chị Nguyễn Thị Thu Uyên (huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) không tạo áp lực và tôn trọng sở thích của con. Bản thân chị Uyên luôn muốn con phát triển tự nhiên, dễ dàng thích ứng với môi trường mới.

“Con sắp lên lớp 1 nhưng tôi không quá lo lắng, bởi con tôi rất thích học, tự mình giải quyết vấn đề tốt và ai cháu cũng chơi được. Tôi luôn khuyên con hãy thoải mái và không đặt nặng vấn đề điểm số, chỉ cần con cố gắng”, chị Uyên cho hay.

Trong thời gian nghỉ hè, ngoài cho con làm quen với một số kiến thức, kỹ năng cơ bản, chị Uyên còn cùng con tham gia lớp học bóng đá vào mỗi buổi chiều hàng tuần. “Hiện tại, tôi đã sẵn sàng đồng hành cùng con bước vào lớp 1”, chị Uyên nhấn mạnh.

Sau khi kết thúc một năm đầu tiểu học, chị Huỳnh Thùy Tiên (TP Vinh, tỉnh Nghệ An) cảm thấy may mắn vì con hoà nhập môi trường mới nhanh, kết quả học tập được đánh giá khá tốt. Chị Tiên chia sẻ: “Ngay từ bé, gia đình đã rèn cho tính tự lập, thường xuyên cho tham gia hoạt động ngoại khoá để con mạnh dạn với đám đông cũng như làm việc nhóm tốt hơn”.

Bên cạnh đó, trước khi vào cấp học mới, chị Tiên đặc biệt quan tâm giáo dục con kỹ năng tính tự lập, tự phục vụ bản thân như: biết rửa tay sau khi ăn, trước khi rời bàn học hãy dọn sạch sách vở cũng như ghép ghế ngồi vào đúng vị trí ban đầu hay chủ động trong mọi tình huống....

Phụ huynh đóng vai trò quan trọng

Cô Nguyễn Thị Bích Thủy - giáo viên Mầm non tại huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) cho biết, lớp 5 tuổi ở cấp Mầm non đã được trang bị kiến thức về gia đình, bạn bè, môi trường sống, thời tiết, không gian... Đó là những hiểu biết cơ bản, giúp bé đỡ bỡ ngỡ hơn khi lên lớp 1.

“Chúng tôi luôn mong muốn sau khi kết thúc mầm non, các con đều đủ kiến thức, kỹ năng bước vào lớp 1. Quá trình học, tôi rèn cho học sinh cách nhận biết, phát âm chuẩn 29 chữ cái, kỹ năng cầm bút, tư thế ngồi và cách tô theo chiều các chữ cái. Ngoài ra, giáo viên chúng tôi cũng tận dụng học liệu sẵn có tại địa phương để tăng cường rèn cho trẻ cách chia tách, gộp số”, cô Thủy nói.

Hằng năm, ngôi trường nơi cô Thủy công tác còn tổ chức chuyên đề tìm hiểu và cho trẻ tham quan trường Tiểu học. “Hoạt động này giúp trẻ sớm hiểu rõ về không gian học tập, các hoạt động, môn học tại trường Tiểu học để trẻ không bị bỡ ngỡ khi vào lớp 1”, cô Thủy cho biết.

Cô Trần Kim Anh - giáo viên Trường Tiểu học và THCS Tây Hà Nội.

Bên cạnh đó, cô Trần Kim Anh - giáo viên Trường Tiểu học và THCS Tây Hà Nội (Hà Nội), gợi ý thêm 6 kỹ năng khác phụ huynh cần chuẩn bị cho con từ sớm, không chỉ riêng phụ huynh có con sắp vào lớp 1: kỹ năng tự phục vụ, kỹ năng giao tiếp xã hội, kỹ năng lắng nghe làm theo hướng dẫn, kỹ năng sử dụng ngôn ngữ, kỹ năng Toán học cơ bản, kỹ năng tự lập.

Cô Kim Anh nhấn mạnh thêm, trong 6 kỹ năng nêu trên kỹ năng tự lập rất quan trọng: “Tôi cho rằng, khi hình thành sẵn kỹ năng tự lập, được rèn giũa mỗi ngày thì con sẽ có thái độ tích cực với công việc của mình, chủ động trong nhiệm vụ học tập. Bố mẹ không nên theo sát con từng giây từng phút, thay vào đó hãy để con tự làm theo lịch trình riêng. Phụ huynh nên khuyến khích con tự dọn dẹp quần áo, đồ chơi, tự học bài...”.

Đặc biệt, phụ huynh cũng cần hình thành thành thêm cho con thái độ học tập tích cực, tức là tạo ra môi trường học thoải mái, giúp con không cảm thấy sợ việc học ngay từ đầu. Phụ huynh hãy động viên, khuyến khích và dạy con biết tôn trọng người lớn, bạn bè cũng như biết nói ra cảm xúc bản thân.

Đối với cô Kim Anh, hình thành thái độ học tập chính là chiếc chìa khóa vạn năng giúp làm chủ 6 kỹ năng nói trên. Tuy nhiên, những kỹ năng này không phải ngày một, ngày hai là có thể thực hiện được mà cần phải trải qua quá trình dài, rèn luyện từ lúc con còn theo học Mầm non. Bố mẹ càng chuẩn bị sớm thì con càng dễ thích nghi với môi trường mới và tạo ra nền móng vững chắc.

Tác giả: Đức Duy - Tuyết Anh

Nguồn tin: giaoducthoidai.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP