S, thanh niên 19 tuổi người Việt Nam, bị bắt cóc và vận chuyển sang Anh từ năm 10 tuổi để làm nô lệ trong các trang trại trồng cần sa. Ảnh: Guardian. |
Một ngày mùa đông buốt giá, giữa ngôi làng nhỏ ở miền bắc Hà Lan, một ngôi nhà gạch trông giống như mọi ngôi nhà khác xung quanh. Nhưng nếu hướng mắt nhìn lên mái nhà, người ta sẽ thấy những chiếc camera giám sát an ninh. Và điều khác biệt lớn nhất nằm ở những người sống bên trong căn nhà này: những đứa trẻ là nạn nhân của hoạt động tội phạm buôn bán người xuyên biên giới. Chính phủ Hà Lan dùng căn nhà này làm nơi trú ẩn và che chở cho những đứa trẻ thoát khỏi bàn tay của những kẻ buôn người. Nhiều em trong số đó mang quốc tịch Việt Nam.
Một cuộc điều tra phối hợp giữa tờ Observer và đài phát thanh Argos của Hà Lan tiết lộ trong 5 năm qua, ít nhất 60 đứa trẻ Việt Nam biến mất khỏi những trung tâm tị nạn này. Cảnh sát cùng cơ quan quản lý di cư Hà Lan nghi ngờ những đứa trẻ đã bị buôn bán sang Anh trồng cần sa hoặc làm việc trong các tiệm làm móng.
Nghi ngờ này trùng khớp với kết quả một báo cáo do tổ chức hoạt động vì trẻ em EPCAT công bố hồi tháng trước rằng Việt Nam là nước dẫn đầu về số lượng nạn nhân trẻ em bị buôn bán sang Anh. Trẻ em Việt Nam bị cưỡng bức lao động từ việc ép trồng cần sa, làm móng tay, hoặc phải bán dâm để trả nợ cho những kẻ buôn người đưa các em đến châu Âu.
Kết quả của cuộc điều tra này làm dấy lên những câu hỏi về năng lực của Liên minh châu Âu trong cuộc chiến chống lại nạn buôn bán trẻ em cũng như sự bất lực của cơ quan công quyền Anh và Hà Lan trong việc bảo vệ những nạn nhân chưa đến tuổi thành niên.
Cảnh sát Hà Lan ghi nhận nhiều trường hợp trẻ em Việt Nam không có giấy tờ tùy thân đang trên đường di chuyển đến London và Birmingham. Cơ quan chức năng chỉ có thể xác định danh tính được rất ít các em trong số đó.
Những cá nhân chưa đến tuổi thành niên đến Hà Lan mà không có người lớn đến cùng sẽ được chính phủ nước này bảo trợ theo quy trình dành cho người tị nạn. Với một đứa trẻ có nguy cơ bị buôn bán, cơ quan chức năng Hà Lan sẽ đưa đứa trẻ đó vào sống trong trại tị nạn.
Johan van der Have, lãnh đạo của cơ quan tiếp nhận người tị nạn COA, nói mặc dù tổ chức này đã nỗ lực bảo vệ trẻ em Việt Nam, nhiều em vẫn biến mất khỏi các trại tị nạn. "Bọn trẻ cứ biến mất, dù chúng tôi có làm gì đi chăng nữa", Johan nói.
Hàng loạt email trao đổi giữa tổ chức COA và cảnh sát cho thấy những đứa trẻ tị nạn người Việt đã nghiên cứu kỹ bản đồ, dùng dao sắc nhọn để nậy cửa sổ hoặc dàn cảnh báo cháy giả để trốn chạy. Dù các nhân viên của COA dùng nhiều biện pháp, họ hiếm khi ngăn chặn được các vụ chạy trốn. Phát hiện này làm dấy lên nghi ngờ bọn tội phạm buôn người đã tiếp cận những trung tâm tị nạn.
Victoria, một điều phối viên làm việc cho COA, nghi ngờ những trung tâm tị nạn ở Hà Lan đã trở thành nơi trung chuyển của bọn buôn người. "Tôi nhận ra rằng chỗ chúng tôi trở thành điểm dừng chân (của những đứa trẻ bị buôn bán) trước khi chúng vào Anh". Bọn tội phạm thường đỗ xe ở bên ngoài khu tị nạn và đợi những đứa trẻ trốn ra ngoài.
Tuy nhiên, Mark Harbers, bộ trưởng tư pháp và an ninh Hà Lan, cho rằng chưa có bằng chứng chứng minh những vụ trẻ em tị nạn mất tích có liên quan đến tội phạm buôn người. "Hiện các tổ chức thực thi của chúng tôi không nhận được thông tin nào cho thấy các mạng lưới buôn bán người có liên quan đến việc trẻ em vị thành niên Việt Nam mất tích", ông Harbers nói.
Anh hiện được xem là điểm đến cuối cùng của đường dây buôn người từ Việt Nam qua ngả Đông Âu, vào Hà Lan rồi tới Pháp. Các nghiên cứu cho thấy bọn buôn người yêu cầu nạn nhân trả tới 40.000 USD chi phí đi lại và sắp xếp một công việc tốt ở Anh. Tuy nhiên, không như hứa hẹn về "công việc tốt", nạn nhân thường bị bóc lột trong các trang trại trồng cần sa hoặc các tiệm làm móng.
Cơ quan chức năng Anh ước tính mỗi năm có hàng trăm trẻ em Việt Nam bị buôn bán vào Anh, tuy nhiên, con số thực tế có thể cao hơn. Kể từ năm 2009 đến 2018, thống kê của chương trình hỗ trợ nạn nhân buôn bán người (NRM) cho thấy có 3.187 người Việt Nam, bao gồm cả trẻ em, bị buôn bán vào Anh.
Các tổ chức thiện nguyện chống nạn buôn người ra cảnh báo về thực trạng vận chuyển người Việt trái phép tới Anh. Vào năm 2015, Thủ tướng Anh lúc bấy giờ, ông David Cameron, trong một chuyến thăm Việt Nam đã nêu ra vấn đề này để cả hai bên cùng giải quyết. Lực lượng cảnh sát Anh cũng liên tục triệt phá các trang trại trồng cần sa sử dụng lao động người Việt. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy nhiều người Việt đang bị bóc lột như nô lệ tại các tiệm làm móng ở Anh. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có một tên tội phạm buôn người nào bị truy tố.
Tác giả: An Hồng
Nguồn tin: Báo VnExpress