Việc trẻ quen xưng "con" với giáo viên còn tác động sâu vào ý thức, định hình một lối suy nghĩ thiếu sự tự tin, lúc nào cũng khúm núm, luôn nghĩ mình nhỏ bé, không dám đưa ra quan điểm hay đấu tranh cho chính kiến của cá nhân (Ảnh: minh họa). |
Trước quan điểm giáo viên không được gọi học sinh là "con" của nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, nhiều ý kiến cho rằng cần có sự sửa đổi cách xưng hô để "tránh nhầm lẫn vị trí", song số khác lại quan niệm đó là cách gọi hết sức bình thường, không nên có sự can thiệp.
Cụ thể, trên trang cá nhân, nhà nghiên cứu - phê bình văn học Lại Nguyên Ân bày tỏ quan điểm: Yêu cầu giáo viên và cán bộ giáo dục không gọi học sinh là "con"; đồng thời đề xuất với Bộ GD-ĐT về việc thống nhất các ngôi nhân xưng giữa thầy cô với học sinh trong các cấp học.
Quan điểm của ông nhận về nhiều ý kiến trái chiều đến từ phía giáo viên và phụ huynh.
Cần thay đổi để "tránh nhầm lẫn vị trí"?
Trước đề xuất của nhà nghiên cứu - phê bình văn học Lại Nguyên Ân, một bộ phận đã tỏ ra tán thành và mong muốn vấn đề này nhanh chóng áp dụng, sửa đổi trong môi trường học đường.
Theo phụ huynh Hoàng Quốc Nam, không nên cứng nhắc cách xưng hô giữa thầy với trò. Ví dụ, với học sinh mẫu giáo, các bé mới rời gia đình để tới một môi trường học tập mới, giáo viên có thể xưng "cô-con" với trẻ để tạo cảm giác thân mật, yêu thương. Tuy nhiên, ở bậc phổ thông hay đại học, nhất là khi khoảng cách tuổi tác giữa thầy và trò không lớn (ví dụ như trò 17, cô 25 tuổi) thì không nên xưng "cô-con".
"Theo tôi, "thầy/cô-con", là cách xưng rất tình cảm nhưng lại phân chia vị thế cao thấp rõ ràng. Khi học sinh quen xưng "con" với thầy cô đến mức dùng cả từ này trong lúc thuyết trình, hay xưng "con" ngay trong một bài văn thì đây thực sự là một hiện tượng đáng quan ngại.
Việc trẻ quen xưng "con" với giáo viên còn tác động sâu vào ý thức, định hình một lối suy nghĩ thiếu sự tự tin, lúc nào cũng khúm núm, luôn nghĩ mình nhỏ bé, không dám đưa ra quan điểm hay đấu tranh cho chính kiến của cá nhân".
Chia sẻ thêm, anh Nam cho rằng về phía thầy cô, việc gọi học sinh của mình bằng "con/ các con" sẽ trở thành nếp, cứ nghĩ trò là "con cháu" trong nhà, luôn luôn bé nhỏ, phải bảo bọc, yêu chiều các em. Theo đó, điều này vô hình tạo cho thầy cô một áp lực lớn, đồng thời khiến học sinh rơi vào tâm lý ỷ lại, lúc nào cũng trông chờ vào giáo viên, dần dần triệt tiêu sự phấn đấu.
Cũng theo phụ huynh này, trong các đề thi văn cấp THPT, người ra đề luôn dùng từ xưng hô "em", hay "anh/chị" khi nêu yêu cầu trả lời. Đây không phải sự ngẫu nhiên, mà ẩn trong đó là một triết lý giáo dục thể hiện sự tôn trọng học sinh, giúp học sinh ý thức được rằng các em đã và đang bước vào thời kỳ trưởng thành.
"Thực ra, trong quá trình học tập, giảng dạy, giáo viên không nhất thiết phải gọi học sinh là "anh/chị"; nhưng nên chăng thầy cô nên chấm dứt việc gọi học sinh, nhất là học sinh THPT là "con"; thay thế bằng cách gọi "em/các em", "bạn/các bạn" hay gọi bằng tên riêng đối với học sinh của mình.
Tưởng chừng như nhỏ nhặt, nhưng việc sử dụng cách xưng hô phù hợp sẽ giúp học sinh mạnh mẽ, dạn dĩ trong giao tiếp, rèn cho những người trẻ luôn biết tôn trọng và tự tin với cái "tôi" của mình", anh Quốc Nam bày tỏ.
Cùng chung quan điểm, phụ huynh Lê Mai (37 tuổi, Q. Hà Đông, Hà Nội) cho rằng việc thầy/cô gọi học trò là "con" không đúng với quan hệ thầy - trò.
Chị Mai cho biết: "Tôi nghĩ đại từ nhân xưng "con" chỉ nên dùng trong mối quan hệ gia đình, hàm ý chỉ những người có huyết thống, nuôi dưỡng. Tiếng "con" khi cất lên phải có giá trị nhất định thể hiện mối quan hệ giữa cha/mẹ, ông/bà trong gia đình. Nếu cứ sử dụng tùy tiện, đâu cũng xưng "con" thì mặc nhiên chẳng khác nào quy ông/bà, bố/mẹ với thầy/cô giáo là một. Không có ranh giới rõ ràng dần dần sẽ làm con trẻ khó phân biệt, định hình được các đại từ nhân xưng và dùng như thế nào là chính xác nhất".
Cũng theo chị Mai, đây không phải là lần đầu vấn đề xưng hô trong nhà trường, đặc biệt xưng "con" với học sinh vấp phải ý kiến trái chiều, đã có nhiều ý kiến cho là không phải đạo từ lâu. "Bản thân tôi ngày xưa đi học chưa bao giờ xưng là "con" với thầy cô, mà thường xưng là "em". Không hiểu vì sao bây giờ lại bị biến thành "con/các con".
Phụ huynh này cũng cho rằng giáo viên xưng "thầy/cô - em/các em" hoặc "các bạn" với học sinh THCS, THPT là phù hợp nhất vừa thân mật vừa có khoảng cách sư phạm.
"Giáo viên mới ra trường dạy được vài năm, chỉ kém phụ huynh học sinh có ít tuổi mà gọi con xưng thầy/cô với học sinh nghe cực kỳ vô lý. Còn với cấp lớn hơn như Đại học, cao học thì người dạy và học nên xưng "Tôi - anh/chị" để thể hiện độ tuổi cũng như vị thế hơn khi giao tiếp", chị Mai chia sẻ.
Cùng với đó, chị Mai nhấn mạnh Bộ GD-ĐT phải sửa đổi ngay, đừng nhầm lẫn vị trí mãi như vậy, cách gọi tất thảy ảnh hưởng đến nhân cách trò sau này ra xã hội.
Trước vấn đề này, nhà giáo Hương Giang (giáo viên THPT ở Hải Phòng) cũng đưa ra quan điểm: " Trong suốt gần 20 năm công tác, đứng lớp; đã trải qua rất nhiều lứa học sinh rồi tôi vẫn luôn xưng với học trò của mình là "em/các em, bạn/ các bạn" hoặc là "bạn" kèm theo tên chứ không gọi học trò của mình là "con".
Ông bà ta ngày xưa có câu "Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo, khi đến trường cô giáo như mẹ hiền". Tôi không phủ nhận việc xưng "thầy/cô - con" có gì là sai trái cả nhưng phải có chừng mực. Bản thân cũng là một người mẹ nên tôi hiểu được rằng nên xưng "con" với người khác trong trường hợp nào mới đúng.
Rất yêu quý học sinh, song cô Giang cho hay chỉ xưng "con" với những học sinh mà cô gắn bó thân thiết, ví dụ như học sinh đội tuyển mà cô đào tạo và trên hết là nên xuất phát từ tinh thần tự nguyện và tình cảm từ hai phía.
"Nếu trong tương lai Bộ GD-ĐT có ra quy chế về xưng hô trong trường học thì tôi vẫn sẽ ủng hộ. Bởi cái gì cũng nên rõ ràng, nhất là ảnh hưởng đến sự phát triển, ứng xử giao tiếp của người học", cô Giang chia sẻ.
"Không nên quan trọng hóa vấn đề"
Tuy nhiên, nhiều phụ huynh, giáo viên đã bày tỏ sự không đồng thuận và cho rằng "không nên quan trọng hóa vấn đề".
Phụ huynh Hoàng Văn Chiến (Nam Định) cho biết, ở lứa mẫu giáo, mầm non, hay tiểu học, việc thầy cô gọi học sinh là "con", "các con" không phải là vấn đề đáng quan ngại.
"Trong gia đình tôi, các bé vẫn xưng "con" với hầu hết ông bà, cô chú… Tôi thấy, cách gọi này khá thân thương, tạo cảm giác gần gũi.
Còn trong môi trường giáo dục, nhất là ở bậc mầm non và tiểu học, thầy/cô giáo gọi các cháu là các "con" cũng tốt, bởi ở lứa tuổi này các con vẫn còn nhỏ, giao tiếp vẫn còn khá hẹp và có đôi khi nhút nhát. Thử nghĩ, con mới "chân ướt, chân ráo" bước vào trường, đột nhiên bắt con xưng là "em, tôi" với giáo viên, tôi thấy gì không hợp lý lắm. Bên cạnh đó, việc xưng "con" cũng giúp thầy cô và học sinh gần gũi nhau hơn, từ đó nâng cao tình cảm, mối quan hệ thầy trò thêm khắng khít".
Theo anh Chiến, nếu cần sự thay đổi, thì nên chăng là sự thay đổi từ THCS trở lên, giáo viên không nên gọi trò là "con" nữa.
"Tuy nhiên, tôi cho rằng cũng không nên quá cứng nhắc, gò ép trong khuôn mẫu; nên để thầy, cô giáo và học sinh tự lựa chọn cách xưng hô phù hợp. Chỉ khi mà thầy - trò có cách xưng hô thoải mái thì việc truyền đạt và tiếp thu kiến thức mới đạt hiệu quả cao. Việc ra quy chế xưng hô theo tôi là không cần thiết cho lắm. Hãy để thầy cô có cách dạy và truyền đạt của riêng mình" - anh Chiến nhấn mạnh.
Không chỉ phụ huynh, nhiều giáo viên ở nhiều cấp dạy khác nhau cũng đưa quan điểm, việc ra quy chế xưng hô tại môi trường học đường không thực sự cần thiết.
Giảng dạy tại một cơ sở mầm non tại Hà Nội, cô Phạm Thúy Quỳnh bày tỏ, đối với cấp bậc mầm non, giáo viên nên xưng hô "con/các con" với trẻ để tạo sự gần gũi, quan tâm. Còn ở các bậc học còn lại, giáo viên này đồng tình với việc xưng hô "thầy/cô-em".
"Tùy vào từng vùng miền, cách xưng hô sẽ có sự thay đổi khác nhau. Với tôi, quy chuẩn cho sự xưng hô với học sinh của mình cần hướng tới sự gần gũi, tôn trọng. Nếu xét về cách xưng hô "cô-con" trong trường học, tôi không cho rằng đó là sự thụt lùi về ngôn ngữ; ngược lại, cách gọi này còn tràn đầy tình thương. |
Vì vậy, nếu bắt buộc phải đưa ra quy chế trong cách xưng hô, tôi nghĩ cần phải đề cao sự tôn trọng giữa các thế hệ, nhưng nó sẽ là phạm vi mở rộng, không quá gò bó" - cô Thúy quan niệm.
"Là giáo viên chủ nhiệm lớp 8, tôi vẫn gọi học sinh của mình là "con", và đa số học sinh cũng xưng "con" với giáo viên. Điều này thể hiện sự gần gũi, thân thiết, yêu thương giữa thầy và trò.
Bao năm nay, mọi người đều nói, thầy cô chính là cha mẹ thứ hai, trường học cũng chính là ngôi nhà thứ hai, vậy thì việc xưng "cô-con" với học sinh có gì là sai trái? Thầy cô - học trò là mối quan hệ lâu dài, do đó, theo tôi không nên có sự can thiệp vào cách xưng hô giữa học sinh và giáo viên. Xưng hô giữa thầy cô và học trò chỉ là một phần trong giáo dục nhà trường; điều quan trọng chính là nhân cách và cách đối xử giữa giáo viên - học sinh".
Đó là quan điểm của nhà giáo Khổng Hà (giáo viên THCS tại Hải Phòng). Đứng trước ý kiến: Yêu cầu giáo viên và cán bộ giáo dục không gọi học sinh là "con" của nhà phê bình Lại Nguyên Ân, giáo viên này cho biết, không nên quan trọng hóa việc xưng hô. Việc giáo viên gọi học sinh thế nào đó là lựa chọn của họ làm sao để hài hòa mối quan hệ hai bên.
Cô Nguyễn Hồng Linh (giáo viên tiểu học tại Hà Nội) cũng đồng tình với quan điểm này. Cô Linh cho biết, trước khi trở thành giáo viên, bản thân cô cũng là một học sinh. "Khi gặp lại thầy cô giáo cũ, nghe thầy cô xưng hô với mình là "cô-con" mặc dù tôi đã trưởng thành, nhưng tôi vẫn thấy ấm áp và hạnh phúc lắm".
Do đó, để truyền đi sự hạnh phúc, yêu thương, trong suốt 10 năm đứng lớp, nhà giáo này vẫn thường gọi "con" xưng "cô" với học sinh của mình. Cô Linh không cho đó là sự thiếu tôn trọng hay "cướp" công sinh thành với bố mẹ của học sinh, mà cách gọi này đơn giản chỉ để thể hiện sự gắn bó, gần gũi với trò.
Khi được hỏi: "Tại sao giáo viên không thử thay đổi cách xưng hô?", cô Linh phân tích: "Nếu gọi học sinh là "các bạn", "anh/chị" và xưng "tôi" thì người nghe lại có cảm giác giáo viên thiếu thiện chí, vô cùng xa lạ. Ví dụ, khi giảng bài, gọi học sinh là anh A, chị B… cho tôi biết… liệu có khách khí quá không? Thậm chí, việc xưng hô này còn khiến nhiều học trò thấy thầy cô như đang bực dọc hay "xếch mé" mình".
Theo cô Linh, không nên nghiêm cấm giáo viên xưng hô "thầy/cô-con" với học trò, có hay chăng chỉ nên đưa ra một sự giới hạn trong cách xưng hô và đảm bảo yếu tố cách gọi đó là tốt và tích cực.
"Ví dụ, việc thầy cô "cả giận mất khôn" mà gọi học sinh là "mày", hay học sinh bỗ bã gọi giáo viên là "ông này, bà kia" thì nên tránh. Còn thầy cô gọi học sinh bằng "con", cách gọi đó không có gì là sai cả, chúng ta không nên làm quá!".
Tác giả: Kiều Phương - Nguyễn Phương Thảo
Nguồn tin: Báo Dân trí