Năm 2015, tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt của Công ty Bình Hà với tổng vốn hơn 4.500 tỷ đồng, trên diện tích hơn 2.163ha thuộc 2 huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh.
Dự án này được BIDV chấp thuận cho vay 3.162 tỷ đồng, đến đầu năm 2016 đã giải ngân trên 800 tỷ đồng.
Chuồng trại hoang lạnh, không còn nuôi bò |
Được ngân hàng BIDV làm “bà đỡ” về vốn, công ty Bình Hà ồ ạt xây chuồng trại, phát núi trồng cỏ, hàng nghìn ha đất trở thành “thủ phủ” nuôi bò lớn nhất cả nước.
Thời điểm từ năm 2017 về trước, ai vào khu vực này đều bị lực lượng bảo vệ kiểm tra nghiêm ngặt. Thế nhưng từ khi việc chăn nuôi thua lỗ, đất đai bỏ hoang, việc vào ra dễ dàng, thậm chí một bộ phận người dân vào chiếm đất trồng cây mà không bị cản trở.
Men theo tuyến đường chính vào dự án trại bò Bình Hà không khó để nhận thấy nhiều quả đồi bị đào bới, nhiều khu vực đốt phá cây dại để phục vụ cho việc trồng keo thương phẩm.
Ông Trần Thanh Hải cho rằng dự án nuôi bò của công ty Bình Hà thất bại nên giao lại đất cho người dân canh tác |
Ông Bùi Đức Lợi (63 tuổi, trú tại thôn Thiện Nộ, xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên) cho biết, người dân bắt đầu ồ ạt vào chiếm đất của công ty Bình Hà từ năm 2018. Giai đoạn đầu bị bảo vệ ngăn cản, nhưng sang năm 2019 tới nay người dân vào trồng tự do không ai nói gì, mạnh ai người nấy chiếm đất trồng keo.
Ông Lợi là một trong những người dân ở xã Cẩm Quan bị thu hồi đất giao cho công ty Bình Hà để phục vụ “siêu” dự án trại bò. Bản thân ông từ năm ngoái trở lại đây cũng vào lại khu vực đất cũ của mình khai phá trồng keo.
Ông Lợi cho biết, năm 2010 ông được lâm trường giao cho 2,7ha đất trồng rừng, số đất này do lâm trường chuyển sang cho xã quản lý.
Đầu năm 2015, xã thuê một đơn vị về khảo sát, đo vẽ bản đồ để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, khi giấy chưa kịp làm thì dự án trại bò về, diện tích đất của ông nằm trong diện thu hồi để giao cho công ty Bình Hà.
Ông Bùi Đức Lợi, 63 tuổi, một trong những người dân nóng ruột với đất bỏ hoang, vào chiếm trồng keo |
“Đất lâm trường giao cho tôi sau khi chuyển cho xã quản lý do không làm kịp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên giá đất đền bù chỉ được 16 triệu đồng/ha. Thời điểm ấy đền bù quá thấp nên tôi không nhận tiền, tôi chỉ nhận số tiền đền bù số cây trên đất mà trước đó tôi đã trồng” - ông Lợi nói.
Sau khi thu hồi đất của ông Lợi, công ty Bình Hà san ủi mặt bằng trồng cỏ, nhưng chỉ được 1 năm rồi bỏ hoang. Thấy đất để trống lâu ngày nên ông Lợi đã đưa keo vào khu đất cũ trồng lên.
Cũng như ông Lợi, ông Trần Thanh Hải (58 tuổi, trú thôn Thiện Nộ) những ngày này cũng huy động người nhà đưa keo vào khu vực đất cũ để trồng.
Trước đây gia đình ông Hải bị thu hồi 3,2ha đất để giao cho công ty Bình Hà. Thời điềm đó ông nhận 46 triệu/ha, trong đó gồm 16 triệu tiền đất và 30 triệu tiền tài sản trên đất. Sau khi thu hồi, công ty Bình Hà chỉ sử dụng 0,8ha để trồng cỏ.
“Mình không trồng thì người khác chiếm mất, đất đai trong đó bây giờ lộn xộn lắm, những người trước đây không có đất giao cho công ty Bình Hà cũng vào đó chiếm trồng keo, nhiều hôm tranh cãi còn đánh nhau nữa” - ông Hải nói.
Dự án đổ bể nên giao lại đất cho dân
Hỏi về hiệu quả của dự án trại bò, ông Hải lắc đầu, cứ vào đó là rõ, lúc đầu nói nuôi hàng vạn con bò nhưng giờ có con nào đâu, đất đai giao cho họ rồi nhưng giờ dân vào tự ý trồng keo mà không ai lên tiếng.
|
Ông Trần Quang Trung - Chủ tịch UBND xã Cẩm Quan thừa nhận có việc người dân tự ý đưa keo vào trồng trên đất đã giao cho công ty Bình Hà.
Trong năm 2018, có 16 hộ dân ở các xã Cẩm Quan, Cẩm Mỹ tự ý trồng keo trên đất đã giao cho công ty Bình Hà. Chính quyền đã phối hợp tuyên truyền người dân không được tự ý chiếm đất như vậy và xử lý một số trường hợp. Nhưng thời gian sau, người dân tiếp tục vào trồng, hiện nay chưa thể thống kê chính xác diện tích dân lấn chiếm.
“Đất giao cho công ty Bình Hà nhưng họ chỉ trồng cỏ 1 năm rồi bỏ trống từ đó đến nay, người dân có đất bị thu hồi không thấy công ty làm gì nên mới tự ý đưa keo vào trồng” - ông Trung giải thích.
Ông Trần Thanh Hải cho rằng, trước đây do chính quyền thu hồi đất để giao cho công ty Bình Hà làm dự án nên người dân buộc phải giao. Sau nhiều năm dự án không hiểu quả thì phần diện tích đất công ty không sử dụng đến nên giao lại cho dân canh tác.
“Lúc trước đền bù 16 triệu đồng/ha thì bây giờ chúng tôi sẽ trả số tiền cao hơn trước để lấy đất trồng rừng sản xuất, chứ đất đai thu hồi rồi bỏ hoang phí lắm” - ông Hải nói.
Theo Chủ tịch UBND xã Cẩm Quan, hiện công ty Bình Hà đang tái cơ cấu. Quan điểm của địa phương rất ủng hộ công ty khi triển khai dự án có hiệu quả, nhưng nếu làm ăn không tốt thì nên giao lại đất bỏ trống cho chính quyền để có hướng xử lý.
Dự án trại bò Bình Hà sau hơn 3 năm đi vào hoạt động đã thua lỗ hàng trăm tỷ đồng, hàng loạt lãnh đạo ngân hàng BIDV và công ty Bình Hà đã bị khởi tố, bắt giam. Mới đây nhất, ngày 29/3, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam ông Trần Duy Tùng - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn An Phú về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản". Ông Tùng (là con trai ông Trần Bắc Hà) bị khởi tố do liên quan đến các sai phạm tại dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt do Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà làm chủ đầu tư. Trước đó, vào tháng 6/2018, ông Đinh Văn Dũng - cựu TGĐ Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà và Nguyễn Xuân Lương - Giám đốc công ty Tân Đại Việt cũng bị khởi tố về tội “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Hai ông Dũng và Lương bị khởi tố vì liên quan đến việc cấu kết lập hồ sơ khống, nâng khối lượng để chiếm đoạt 110 tỷ tiền triển khai dự án. Tháng 11/2018, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Trần Bắc Hà - cựu Chủ tịch HĐQT BIDV; Trần Lục Lang - cựu Phó TGĐ BIDV; Kiều Đình Hòa - cựu Giám đốc BIDV chi nhánh Hà Tĩnh về tội "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng". Bà Lê Thị Vân Anh - cựu Trưởng phòng khách hàng doanh nghiệp BIDV chi nhánh Hà Tĩnh cũng bị khởi tố về tội danh trên nhưng áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú. |
Tác giả: Lê Minh
Nguồn tin: Báo VietNamNet