Lệnh cấm hôm 3/6 của Tổng thống Joe Biden ngăn doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào các khu phức hợp công nghiệp - quân sự, các chương trình nghiên cứu - phát triển tình báo và an ninh tại Trung Quốc, theo Reuters.
Bộ Tài chính Mỹ sẽ thực thi và cập nhật danh sách 59 công ty mới bị áp dụng lệnh cấm, thay thế danh sách trước đó từ Bộ Quốc phòng. Quy định mới sẽ có hiệu lực từ ngày 2/8.
Các công ty lớn của Trung Quốc nằm trong danh sách bao gồm Huawei Technologies, Tập đoàn Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) - đơn vị sở hữu giàn khoan HD-981, Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Quốc tế (SMIC), và một số doanh nghiệp khác.
Tổng thống Biden ký sắc lệnh hành pháp mới nhắm vào gần 60 công ty lớn của Trung Quốc. Ảnh: AFP. |
Lệnh cấm là một phần trong loạt bước đi của Tổng thống Biden nhằm đối phó với Trung Quốc, bao gồm nỗ lực củng cố các liên minh của Mỹ và tăng cường khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Mỹ.
Quy định mới mở rộng phạm vi của các sắc lệnh hành pháp thời chính quyền Trump, mà theo Tổng thống Biden là còn thiếu sót về mặt pháp lý.
Ông Kurt Campbell, điều phối viên chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của chính quyền Biden, cho biết hồi tháng 5 rằng giai đoạn can dự với Trung Quốc đã kết thúc. Cạnh tranh sẽ là mẫu hình tương lai của mối quan hệ song phương, ông nói.
Bộ Tài chính sẽ đưa ra hướng dẫn về phạm vi áp dụng của quy định đối với các loại công nghệ giám sát mà sắc lệnh của Tổng thống Biden nhắm tới.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng sẽ có thời gian để thoái vốn tại các công ty Trung Quốc có tên trong danh sách.
Vào tháng 5, một tòa án dỡ bỏ lệnh cấm Xiaomi của Tổng thống Trump. Chính quyền Trump từng cáo buộc nhà sản xuất thiết bị di động này có quan hệ với quân đội Trung Quốc.
Tác giả: Kỳ Sơn
Nguồn tin: zingnews.vn