Giáo dục

'Tôi thực sự may mắn vì đã trượt đại học'

Nữ phóng viên của CNN cho rằng thất bại năm xưa trong kỳ thi tuyển sinh đại học ở Trung Quốc không hủy hoại cuộc sống của cô, mà còn đem đến cơ hội thành công.

Khoảng một tuần nữa, hàng triệu học sinh Trung Quốc sẽ bắt đầu bước vào kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia kéo dài 2 ngày, hay còn gọi là gaokao (cao khảo). Shen Lu, phóng viên của CNN tại thủ đô Bắc Kinh, cho biết đây là một trong những kỳ thi căng thẳng và mệt mỏi nhất thế giới.

Cách đây 11 năm, cô cũng là thí sinh "vượt vũ môn". Khi ấy, Shen vẫn là đứa trẻ. Đỗ đại học là nhiệm vụ quan trọng nhất cô phải hoàn thành.

"Đối với các thế hệ người Trung Quốc (đặc biệt là những người sống ở vùng nông thôn), đỗ đại học là tấm vé đổi đời. Trượt đại học đồng nghĩa không bằng cấp, không triển vọng nghề nghiệp, sống trong nghèo nàn và trải qua một cuộc sống chìm trong ân hận", người phụ nữ này chia sẻ.

Do đó, từ khi còn ở tiểu học, Shen đã học tập chăm chỉ với ước mơ đỗ trường đại học danh tiếng ở thủ đô Bắc Kinh. Tuy nhiên, đỗ vào trường nào để học cái gì thì cô gái đến từ tỉnh Chiết Giang khi ấy không biết.

Nhiều phụ huynh Trung Quốc còn đặt mục tiêu và kế hoạch học tập cho con trước khi chúng sinh ra. Ảnh: Getty.

Nỗi sợ thất bại

Giai đoạn chuẩn bị cho kỳ thi đại học khiến học sinh kiệt quệ cả về vật chất lẫn tinh thần. Một ngày học thông thường của học sinh phổ thông cuối cấp bắt đầu từ 7h đến 17h.

"Hầu hết bạn bè của tôi ở lại trường học thêm đến 21h. Tôi là một trong số ít tự học ở nhà, chủ yếu để thoát khỏi bầu không khí căng thẳng", Shen nói.

Phần lớn học sinh Trung Quốc cho rằng kỳ thi đại học sẽ quyết định tương lai của họ nên dồn toàn lực vào việc học. Thậm chí, bậc phụ huynh cũng căng thẳng.

"Ở nhà, tôi thường ngồi vào bàn học sau bữa tối. Tuy nhiên, tôi hay bị phân tâm bởi những thứ hấp dẫn dưới ngăn bàn", cô kể.

Người phụ nữ này cho hay cô vẫn lén lút đọc những cuốn tạp chí trong lúc đáng ra phải học. Việc này xảy ra suốt thời gian dài. Sau đó, Shen cảm thấy lo lắng, có lỗi khi học không đủ chăm và sợ trượt. Nó khiến cô căng thẳng nghiêm trọng và phải dùng thuốc an thần trước khi đi ngủ trong suốt năm cuối cấp. Khi kỳ thi đến, cô hoàn toàn mệt mỏi.

Tại Trung Quốc, nhiều người cho rằng kết quả tại kỳ thi tuyển sinh đại học sẽ quyết định tương lai của bạn trẻ. Ảnh: Getty.

Thất bại không cướp đi tương lai

Nữ phóng viên của từng đặt mục tiêu học ngôn ngữ tại trường đại học lớn ở thủ đô Bắc Kinh, một nhiệm vụ khó khăn đối với đứa trẻ ở tỉnh lẻ. Tất nhiên, trong trường hợp này, cô đã không thành công.

"Ngày nhận kết quả, tôi chuẩn bị tinh thần nhận tin xấu. Nhưng khi nó đến, tôi vẫn bị sốc và nghĩ cuộc sống của mình bị tiêu diệt", Shen chia sẻ.

Cô rất xấu hổ, tự nhốt mình cả ngày trong phòng cho đến khi bố mẹ phá cửa ra. Bố mẹ Shen khuyên con gái thi lại vào năm sau nhưng cô từ chối. Thay vào đó, cô nhập học một trường tại thành phố Hàng Châu với ngành biên tập và xuất bản.

Lựa chọn không quá tệ nhưng Shen không cảm thấy vui, cũng như động lực để theo đuổi. Suốt 2 năm, cô luôn cảm thấy việc học ở trường vô nghĩa, cũng như không thể hiểu tại sao bạn bè lại bị ám ảnh với việc tham gia vào các câu lạc bộ để có thêm “kinh nghiệm lãnh đạo”. Vì vậy, Shen quyết định bỏ học.

"Nhiều người nghĩ quyết định của tôi thật điên rồ", cô nhớ lại. Sau đó, Shen chuyển đến Đại học Iowa (Mỹ) để học về báo chí.

Nhiều năm sau, khi đã thành công với sự nghiệp, nhìn về quá khứ, Shen nhận ra cuộc sống của cô không thay đổi hay bị hủy hoại vì trượt đại học. Thậm chí, thất bại đã giúp Shen có những trải nghiệm tuyệt vời tại bang Iowa, nơi niềm đam mê của cô nảy nở.

"Tôi thực sự may mắn vì đã trượt đại học. Nếu năm đó đỗ vào một trường danh tiếng của Trung Quốc, tôi sẽ không bao giờ có hôm nay. Và chắc chắn, tôi cũng không thể hiểu ý nghĩa thực sự của giáo dục", cô nói.

Tác giả: Kim Ngân

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP