Trong nước

“Tinh giản biên chế với người năng lực hạn chế chưa thực sự hiệu quả”

Công tác rà soát, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức hàng năm vẫn là khâu yếu, chưa thực sự chặt chẽ, khách quan; còn nể nang; do đó việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế đối với các trường hợp có năng lực hạn chế chưa thực sự hiệu quả.

Bộ Nội vụ cho biết điều này trong báo cáo gửi đại biểu Quốc hội kết quả thực hiện Nghị quyết số 75/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

Nhiều chuyển biến, song chưa đủ mạnh

Liên quan đến nhiệm vụ sắp xếp tổ chức bộ máy, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết đã giảm 301 đầu mối tổ chức bên trong bộ ngành. Trong đó giảm 17 tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục, giảm 11 cục, giảm 143 vụ, giảm 22 đơn vị sự nghiệp công lập và giảm 108 phòng.

Đối với địa phương, đến nay đã có 18/22 bộ, cơ quan ngang bộ ban hành thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện.

Theo đó, UBND hai cấp trên đã và đang chủ động thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, số lượng cấp phó thuộc sở, phòng theo hướng tinh gọn, giảm cấp trung gian, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng tiêu chí thành lập tổ chức, số lượng cấp phó theo quy định của Chính phủ.

Tuy vậy, Bộ Nội vụ cũng thẳng thắn chỉ rõ, một số ngành, lĩnh vực theo quy định của pháp luật chuyên ngành còn cần có sự phối hợp quản lý của nhiều bộ. Song, công tác phối hợp còn hạn chế nên hiệu lực, hiệu quả quản lý đối với những ngành, lĩnh vực này chưa cao.

Việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập hầu hết là do sáp nhập, hợp nhất cơ học để giảm số lượng đầu mối dẫn đến các đơn vị này chưa thực sự có sự thay đổi về cơ chế hoạt động và chất lượng cung ứng dịch vụ.

Bên cạnh đó, kết quả sử dụng, quản lý biên chế sự nghiệp hưởng lương từ NSNN trong các đơn vị sự nghiệp công lập năm 2021 mặc dù đạt mục tiêu giảm 10% so với năm 2015 nhưng chưa thực sự hiệu quả.

Việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế chưa thực sự gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; chính sách tinh giản biên chế chưa đủ mạnh, chưa đủ hấp dẫn để giải quyết triệt để các trường hợp tinh giản biên chế.

“Công tác rà soát, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức hàng năm vẫn là khâu yếu, chưa thực sự chặt chẽ, khách quan; còn nể nang; do đó việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế đối với các trường hợp có năng lực hạn chế chưa thực sự hiệu quả” – báo cáo nêu rõ, đồng thời nhấn mạnh thời gian tới sẽ tập trung hoàn thiện thể chế và đẩy mạnh việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy mạnh mẽ hơn nữa.

Chính sách tinh giản biên chế chưa đủ mạnh, chưa đủ hấp dẫn để giải quyết triệt để các trường hợp tinh giản biên chế. Ảnh minh họa (Văn Ngân)

Giữ chân cán bộ có năng lực

Để khắc phục tình trạng cán bộ, công chức, viên chức có năng lực xin nghỉ việc, thôi việc, đồng thời, để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ này, ngày 14/9/2022, Bộ Nội vụ đã có Công văn số 4536/BNV-TCBC gửi các Bộ, ngành, địa phương đề nghị triển khai thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp.

Trong đó nhấn mạnh quan tâm xây dựng đội ngũ, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cấp cơ sở; cải thiện môi trường làm việc theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, cạnh tranh lành mạnh.

Cùng với yêu cầu có các chính sách hỗ trợ kịp thời đối với người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, bộ cũng lưu ý đổi mới công tác bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức để tạo cơ hội, điều kiện phát triển, nhất là cán bộ trẻ; quy hoạch, xây dựng đội ngũ chuyên gia giỏi, có cơ chế, chính sách thỏa đáng, làm cơ sở định hướng phát triển chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức…

Đồng thời, Bộ Nội vụ tiếp tục chủ động nghiên cứu, tham mưu các cấp có thẩm quyền trên cơ sở điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước để triển khai thực hiện chính sách cải cách tiền lương; tham mưu, đề xuất chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài khu vực công; phối hợp hoàn thiện các quy định về quản lý, sử dụng, tuyển dụng, bổ nhiệm đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tạo môi trường thuận lợi cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng cho biết, để có cơ sở báo cáo cấp có thẩm quyền, báo cáo Quốc hội về tình trạng thôi việc theo nguyện vọng đối với công chức, viên chức, Bộ Nội vụ đã có công văn gửi các bộ, ngành, địa phương đề nghị phối hợp báo cáo, trong có tình hình thôi việc và tuyển dụng mới đối với công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý./.

- Nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung dự kiến trình Chính phủ xem xét, ban hành trong tháng 5/2023.

- Đề án Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành trong tháng 6/2023.

Tác giả: Nam Sơn

Nguồn tin: vov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP