“Cô ơi, con tưởng cô thầy cùng vào trong đó lập nghiệp. Con đâu biết... ”, thế rồi cô học trò nức nở trong điện thoại, gọi cho cô mà chỉ ấp úng: “Con muốn ôm cô vào lòng quá cô ơi”. Đầu máy bên này, cô Nguyễn Thị Hường cũng khóc...
Những ngày qua, sau bài viết “Cuộc gặp đẫm nước mắt trong giờ Văn”, cô Hường kể cô liên tục nhận được điện thoại của đồng nghiệp, học trò cũ, phụ huynh, bạn bè, người quen ở khắp nơi. Họ bất ngờ, nghẹn ngào... nhiều người vẫn tưởng sau khi nghỉ dạy ở Quảng Ninh, cô và thầy chuyển vào Nam sinh sống. Còn người quen biết xung quang chỉ nghĩ cô ly hôn chứ không hay biết về chuyện tình và cuộc đời đầy trắc trở của cô.
Một số ít người biết về cô vẫn nghẹn ngào xúc động, liên hệ ngay với cô Hường để chia sẻ cảm xúc.
Cô Hường cho biết, sau tiết học ở Trường THCS Văn Lang, cô đón nhận tình cảm, chia sẻ từ rất nhiều người. Ban đầu, cô cũng không ngờ chuyện của mình lên báo. "Thấy mọi người khóc quá trời nên tôi ban đầu tôi cũng không dám đọc", cô nói.
Điều làm cô day dứt là trước đây cô đã giấu, thậm chí nói dối một số bạn bè, đồng nghiệp cũ về chuyện của mình. "Thật sự trước giờ tôi chưa từng nghĩ sẽ kể lại chuyện đã qua giữa đông người. Nhưng khi các em học sinh đến thực hiện dự án, nghe các em nói chuyện tôi đã mủi lòng. Nhất là có những em nói: "Tụi con có bố có mẹ mà có hạnh phúc đâu cô". Nghe thương lắm!".
Nghẹn ngào trong cảm xúc nhưng lúc này cô Hường thấy nhẹ lòng vì mình đã có thể sống thật, nói thật... mà không phải che giấu, không phải gồng mình để tạo một lớp vỏ bọc mạnh mẽ, cứng rắn như từ trước dến giờ. Và cũng nhờ vậy, mẹ con cô đang nhận được rất lời chúc phúc của mọi người, kể cả những người không quen biết.
Hai con cô Hường sẽ có cơ hội vào TPHCM học?
Những ngày qua, khi mẹ và hai con gái “bất ngờ” từ Nghệ An và TPHCM thăm mình, cô Hường thu xếp bớt lịch đi gia sư dành thời gian cho người thân. Hai bé Bòng và Bưởi lâu ngày mới được ở bên mẹ thì quấn mẹ, nhõng nhẹo, làm nũng không rời bước.
Cô Hường cũng cho biết, sau bài báo viết về cô, một giáo viên ở Trường THCS-THPT Đinh Thiện Lý, Q.7, TPHCM cũng giới thiệu cô nộp hồ sơ vào trường. Ngoài ra đại diện một hệ thống trường học tư thục có tiếng cũng gặp cô, trao đổi về việc nhận cô vào trường cũng như bày tỏ ý định nhận hai bé bé Bòng và Bưởi vào học từ năm học tới để hai bé được gần mẹ.
Tuy nhiên, đây chỉ mới là những trao đổi ban đầu, chưa có gì chắc chắn nhưng đó đã là sự chung tay, sẻ chia có ý nghĩa rất lớn đối với mẹ con cô Hường.
Cô Hường vào Sài Gòn năm 2014, trong thời gian đó cô cũng học xong cao học nhưng nhiều năm trời, với khiếm khuyết trên cơ thể là cánh tay phải bị liệt, cô không xin được việc. Để bám trụ, để nuôi con, hàng ngày cô Hường đi gia sư, luyện thi... ở khắp nơi trong thành phố.
Cách đây khoảng nửa năm, cuối năm 2016, cô có gửi tâm thư lên Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cũng như gửi thư lên văn phòng của Bí thư Đinh La Thăng chia sẻ về hoàn cảnh của mình, mong muốn tìm cơ hội có thể xin được chỗ dạy học ổn định. Nhưng cô không nhận được phản hồi.
Sau đó, cô gặp thầy hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Tố, Q.10, biết hoàn cảnh của cô và nhận cô vào dạy hợp đồng môn Toán ở trường. Mỗi tuần, cô Hường dạy ở trường 7 tiết với thù lao là 60.00 đồng/tiết.
Chỉ một cách tay cử động được bình thường, khó khăn lớn nhất của cô trong dạy Toán là vẽ hình. Vậy nhưng, cô có những dụng cụ dạy học của riêng mình, như thước nam châm để có thể vẽ hình bình thường. Các phương pháp dạy học bằng công nghệ, máy móc, cô cũng đều tiếp cận và sử dụng tốt dù quá trình luyện tập khó khăn hơn mọi người rất nhiều.
Mẹ và hai con cô Hường chuẩn bị trở về quê sau những những đoàn tụ trong hạnh phúc. Cô quay lại cuộc sống thường nhật với bao lo toan, bộn bề bằng những niềm vui, những khoảnh khắc đẹp trong cuộc sống khi tình người, lòng nhân được lan tỏa... từ một dự án học Văn của học trò Trường THCS Văn Lang.
Tác giả bài viết: Hoài Nam
Nguồn tin: